| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: 'Còn tâm lý lúng túng khi xảy ra sự cố thiên tai'

Thứ Tư 17/05/2023 , 06:23 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ hạn chế trong công tác phòng, chống thiên, đặc biệt có nơi 'vẫn còn tâm lý lúng túng khi xảy ra sự cố'.

Thiên tai gây thiệt hại 679 tỷ đồng

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của 12 trận thiên tai (bao gồm 2 cơn bão; 1 đợt rét hại; 4 trận lốc, sét; 4 đợt mưa, lũ và 1 trận sạt lở đất). Trên đất liền xảy ra 392 vụ tai nạn, sự cố; trên biển và khu vực biên giới xảy ra 29 vụ tai nạn.

Thiên tai đã làm 1 người chết; 42 nhà bị hư hỏng; 7,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 42.000 con gia súc, gia cầm bị chết; sụt sạt hơn 1.000m đê điều; hư hỏng 10 đập, hồ chứa, 8 cống, sạt lở hơn 5.000m kênh mương các loại;... Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 679 tỷ đồng.

Thiên tai gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa và hoa màu tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Việt Khánh.

Thiên tai gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa và hoa màu tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Việt Khánh.

Trước diễn biến của thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ chứa, giao thông; tiêu úng bảo vệ cho diện tích lúa và hoa màu; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng nhân dân để thu hoạch ngay diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đặc biệt với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và người dân, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố gây ra được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn do thiên tai, sự cố; huy động lực lượng, phương tiện để giúp người dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, hướng dẫn khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại, tổ chức khắc phục các sự cố; đồng thời thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả.

Tuyến đê tả sông Càn, đoạn chạy qua xã Nga Điền bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Tuyến đê tả sông Càn, đoạn chạy qua xã Nga Điền bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự trong năm qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, như: nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; còn nhiều hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Việc chuẩn bị và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, dông, lốc, sét trong thời đoạn ngắn còn hạn chế.

Thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn trong một số trường hợp chưa được kịp thời, đầy đủ…

Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Thanh Hóa tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh nhận định: Năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai, tuy không nghiêm trọng nhưng vẫn có những sự việc đáng tiếc. Với sự chỉ đạo đồng bộ, sáng tạo, quyết liệt, có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở nên thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai do tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phân cán bộ và người dân; kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức; tâm lý lúng túng khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, có thời điểm khi sự cố xảy ra, công tác chỉ huy thiếu thống nhất...

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, năm 2023 tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và chứa đựng yếu tố hy hữu, bất ngờ, vì vậy, các ngành, các địa phương cần xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tại gây ra.

“Nếu chúng ta không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả thì hậu quả xảy ra là khôn lường”, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022 tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022 tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục giữ vững nguyên tắc trong hoạt động phòng chống thiên tai đó là không được chủ quan lơ là, không hoang mang, lúng túng khi sự việc xảy ra; phương châm hành động là chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt.

"Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai ở từng địa phương, đơn vị; tập trung kiện toàn các ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Đề nghị các ngành chức năng, các địa phương đánh giá lại các công trình phòng chống thiên tai để có phương án khắc phục khi cần thiết. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư cho công tác phòng, chống lụt bão.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ huy các cấp phải tăng cường nắm bắt tình hình, địa bàn phụ trách, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh. Các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Hình thức thông tin phải đa dạng, nội dung thông tin bảo đảm nhanh, ngắn gọn, kịp thời, đặc biệt là những thông tin cảnh báo để phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành", ông Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và làm rõ thêm những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và bày tỏ mong muốn các ngành, các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng các phương án khi cần thiết; không để xảy ra sự cố lớn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân.

Nhân dịp này, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đã công bố danh sách 9 tập thể và 12 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Ngày 12/5, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đi kiểm tra tiến độ thi công một số dự án, công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung.

Tại các địa phương trên, đoàn đã đến kiểm tra các công trình thuộc Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án tu bổ, khắc phục trọng điểm xung yếu tuyến đê tả sông Càn đoạn từ Km7+480 đến Km8+720 xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, đây là những dự án quan trọng, phục vụ trực tiếp quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân địa phương. Do đó, các các địa phương cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao cho các đơn vị thi công theo cam kết tiến độ. Đồng thời quan tâm bố trí tái định cư, tạo sinh kế cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.