Tại cuộc họp trực tuyến của UBND TP.HCM với các quận, huyện TP Thủ Đức và về tình hình kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách của TP.HCM 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho rằng cần nghiên cứu và đề xuất chi tiết một số hoạt động, "như bán ăn tại chỗ, một số hoạt động sinh kế khác để tạo sinh kế, tạo thu nhập cho người dân, thí dụ như bán vé số”, ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, việc mở lại một số hoạt động này sẽ mở ra hàng triệu việc làm, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho hàng triệu người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội rất lớn.
Về việc phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành, quận huyện tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển kinh doanh. Trong đó, sẽ hỗ trợ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ lao động, các chính sách về vốn và tháo gỡ các vướng mắc.
TP.HCM cũng cần quan tâm xúc tiến đầu tư. “Đừng đánh giá lúc này khó khăn không ai đầu tư”, ông Mãi nhận định.
Ông Mãi đề nghị nhóm FDI khởi động, rà soát lại, trong tháng 10 hoặc tháng 11/2021 có thể khởi động một số đầu tư mới như Intel, Samsung, Lotte… Đồng thời, khởi động và tập trung nhiều hơn cho kế hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch...
"TP.HCM là một khu công nghiệp, một trung tâm mua sắm. Nếu phục hồi lại các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... thì sẽ tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân và đóng góp lớn cho ngân sách", ông Mãi nói.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị tập trung triển khai các dự án đầu tư công, làm việc với từng chủ đầu tư, từng dự án, đảm bảo cuối năm giải ngân 95%. Đối với các dự án đầu tư tư nhân, các quận, huyện rà lại, phân nhóm, cái nào làm ngay, cái nào kiến nghị với Trung ương để thúc đẩy đầu tư.
“Nếu bây giờ chúng ta gỡ thì có thể đầu tư vào mỗi quận hàng ngàn tỉ đồng, thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng”, ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM hoàn thiện kế hoạch xây dựng kinh tế gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế năm 2021-2025...
Ngoài ra, ông Mãi cũng lưu ý tháo gỡ những vướng mắc trong Chương trình giảm nghèo bền vững, cũng như những đề xuất những cơ chế mới. "Cần ngồi đánh giá lại chuẩn nghèo của TP.HCM, cách tiếp cận để giảm nghèo bền vững của TP", ông Mãi nói.