| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng đào tạo kiến thức, chứ không chú trọng thi

Thứ Tư 03/07/2019 , 08:53 (GMT+7)

Đó là những ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (ĐHQG Hà Nội) và nhà văn Văn Công Hùng (Gia Lai) trước việc học sinh tỉnh Khánh Hòa thi điểm đầu vào lớp 10 công lập chỉ gần 1,4 điểm/môn.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (ĐHQG Hà Nội): Học sinh chán học, giáo viên chán dạy

15-07-16_phuong_ho_cd

Việc điểm chuẩn quá thấp như vậy, theo tôi có thể có hai lý do: Một là, do chất lượng học sinh quá kém, hai là do đề thi khó. Với lý do thứ nhất, vấn đề nằm trong hệ thống của cả ngành giáo dục. Các thầy cô dạy dỗ bằng cách “đẩy lên” cho đủ chỉ tiêu lên lớp mà không cần biết thực trạng của học sinh như thế nào.

Tôi xin dẫn một ý kiến của một thầy giáo ở Khánh Hòa: “Đến lúc ngành giáo dục tổ chức thi tuyển đầu vào THPT, cũng là thời gian năm cuối THCS, các em vốn mất kiến thức căn bản, khi học lại thì không kịp, khiến bài làm trong kỳ thi điểm thấp. Điều này một phần lỗi thuộc về các giáo viên đứng lớp”.

Việc nhận ra lỗi này e chừng muộn quá, tận đến khi các em thi, khi có điểm thi mới thấy rõ năng lực của các em, trong khi các thầy cô là người dạy dỗ hàng ngày. Nếu điểm kém rơi vào lý do thứ hai, do đề thi khó, thì lại cần xem lại việc ra đề. Ra đề thế nào để phân hóa học sinh nhưng không phải để “diệt” học sinh. Ra đề cần đảm bảo ít nhất các học sinh ở lực học trung bình đạt điểm từ 5 trở lên.

Dù là lý do nào thì việc điểm số ấy trong kỳ thi ấy cũng không thể chấp nhận được. Và hệ quả của việc này sẽ là trường THPT với chất lượng đầu vào thấp. Trong khi đó, các thầy cô lại đủn học sinh lên. Và đến hết bậc THPT, học sinh vẫn “lơ ngơ như bò đội nón”. Tốt nghiệp cấp 3 mà viết cái đơn xin nghỉ học không xong. Và cứ thế, cái sai này chồng lên cái sai khác.

Giải pháp cho những vấn đề này, theo tôi, nằm ở cấp vĩ mô. Trước tiên, người chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Vì đâu nên nỗi? Vì bệnh thành tích, vì không quan tâm đến chính sách vùng miền, vì đội ngũ giáo viên chất lượng thấp, vì thói xuê xoa, hời hợt và bào chữa cho nhau. Chương trình học cũng giáo điều, nặng lý thuyết khiến học sinh chán học, giáo viên chán dạy. Không có hệ thống phân hóa học sinh.
 

Nhà văn Văn Công Hùng (Gia Lai): Từ tốt nghiệp đến thất nghiệp

15-07-16_vn_cong_hung_cd

Thực sự thì tôi cũng không hiểu nổi chưa đầy 2 điểm/môn thì học sinh học ra làm sao? Trong khi đó, có những trường, thí sinh đạt điểm tối đa cũng trượt. Điều ấy chứng tỏ có sự chênh lệch đến khủng khiếp trong phân loại trình độ học sinh. Như vậy, chiến lược giáo dục của chúng ta rõ ràng là có vấn đề.

Trong khi các trường chuyên lớp chọn được đầu tư rất kỹ, trở thành cuộc chạy đua của bố mẹ, học sinh, các thấy cô và cả... lãnh đạo, thì thực chất của nền giáo dục lại thể hiện ở chính số điểm dùng để chọn vào các trường không chuyên kia, các trường bình thường trên cả nước ấy.

Thế mà, năm nay thì chưa biết, chứ các năm trước thì đều gần 100% đậu tốt nghiệp, rồi vào đại học cũng rất nhiều. Để rồi cuối cùng là... thất nghiệp. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hiện thất nghiệp là câu trả lời rõ nhất cho kết quả đào tạo của nền giáo dục hiện nay.

Về giải pháp cho vấn đề này, tôi thấy hay nhất là phổ cập cấp 3, tức là không thi tốt nghiệp toàn quốc mà giao cho các trường tự cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Như thế sẽ tăng trách nhiệm cho các trường và họ sẽ phải chú trọng đào tạo kiến thức chứ không chú trọng... thi. Vì thi thì đằng nào cũng tốt nghiệp trên 90%. Học sinh có chứng chỉ tốt nghiệp ấy có thể đi học nghề, có thể đăng ký vào các trường đại học.

Theo tôi cũng nên giao quyền tuyển sinh vào đại học về cho các trường đại học chứ Bộ GD-ĐT không nên ôm. Hiện nay, ngay cả thi vào trường chuyên của các tỉnh thì Sở GD-ĐT của các tỉnh cũng ôm lấy.

Giáo viên trường chuyên của các địa phương nói với tôi rằng, họ là người dạy thì họ mới biết học sinh cần gì, phải kiểm tra gì, thì để họ tuyển sinh, chứ Sở GD-ĐT chỉ làm công tác quản lý giáo viên THPT trên địa bàn tỉnh, thì hãy cứ làm công tác quản lý, công tác tuyển sinh để các trường tự chủ. Ngay việc thi tuyển vào đại học hiện nay cũng thế, rất buồn cười. Vì Bộ GD-ĐT ôm đồm cho nên nhập nhằng, cào bằng hết cả.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.