| Hotline: 0983.970.780

Chưa bao giờ chăn nuôi khó khăn như bây giờ

Thứ Sáu 09/07/2010 , 14:22 (GMT+7)

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex) phân tích về tình hình khó khăn hiện tại của ngành chăn nuôi...

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex)

Chi phí đầu vào tăng chóng mặt, cộng với giá thành sản phẩm sụt giảm khiến ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn nhất từ trước đến nay. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex) phân tích.

Không cẩn thận, chăn nuôi sẽ mất gốc

Cứ như ông nói, thì thực trạng ngành chăn nuôi hiện rất bi đát. Vì sao vậy?

Có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Một là chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi tập trung chưa đạt mức cao, mà đã chăn nuôi nhỏ thì dẫn đến cho phí cao, phòng chống dịch bệnh khó khăn và đồng thời dễ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt là năm 2010, ngay từ đầu năm đã xuất hiện dịch bệnh tai xanh trên phạm vi rộng và diễn biến phức tạp, kết thúc muộn. Đến nay, đã gần giữa tháng 7 vẫn chưa kết thúc. Việc này từ xưa đến nay tiền lệ chưa có.

Nhưng cái chính là giá TĂCN tăng cao, chi phí điện, nước tăng, dịch bệnh lại phức tạp. Ngược lại, sản phẩm chăn nuôi, nhất là các phụ phẩm chăn nuôi thì lại cho NK quá ồ ạt mà không được kiểm soát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước...

Ông có thể phân tích cụ thể chi phí, giá thành của chăn nuôi trong thời điểm hiện tại?

Cơ cấu ngành chăn nuôi gồm có giống, chuồng trại, dịch vụ và thức ăn. Trong đó, các yếu tố trên đều phụ thuộc vào tiền. Tất cả những cái đó năm nay đều cao hơn mọi năm. Đơn giản như giá điện. Năm nay, mặc dù mất điện tràn lan, song giá điện vẫn tăng đến 6,3%, mà con số này nếu đưa vào chi phí chăn nuôi thì cũng không phải ít. Nông sản tức là đầu vào của TĂCN cũng cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái. Đấy là giá quốc tế. Nhưng đối với Việt Nam, thì phải cộng thêm 4-5% nữa, vì phải cõng thêm chi phí bất hợp lý do hệ thống quản lý yếu kém làm tăng lên. Thêm nữa, tỷ giá ngoại tệ có thời điểm cũng lên quá cao khiến việc nhập nguyên liệu càng bị đội thêm giá.

Chúng tôi tính toán rằng, với tất cả những chi phí phát sinh, đầu vào của ngành chăn nuôi tăng khoảng 20% so với năm ngoái, trong khi đó, giá thành sản phẩm đầu ra tăng lúc cao nhất mới được khoảng 7%, hiện tại thì giá đang bằng, có lúc thấp hơn cũng kỳ năm ngoái.

Có ý kiến hơi cực đoan rằng, cứ lỗ lã mãi thì nên giảm bớt chăn nuôi trong cơ cấu của ngành nông nghiệp, thay vào đó là NK thành phẩm. Ông thấy sao?

Tôi phản đối ý kiến đó. Tôi thừa nhận điều đó chỉ đúng trong hoàn cảnh hiện tại. Nên nhớ rằng, chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Hơn nữa, nó còn giải quyết công ăn việc làm của hàng triệu hộ dân tại nông thôn. Về lâu dài, không thể giảm mà còn phải tính toán để phát triển hơn nữa. Nếu thực hiện theo ý kiến trên, tôi cho rằng ngành chăn nuôi sẽ mất gốc, và ta khó có thể chủ động về thực phẩm nếu thế giới biến động, hoặc rơi vào khủng hoảng.

Không có lời giải cho bài toán NK nguyên liệu

Phải chăng việc phải NK hầu như toàn bộ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang ngăn cản sự phát triển ngành này?

Về chuyện nguyên liệu, hãy khoan nói đến chuyện NK mà nói ngay đến SX trong nước. Nước ta đang có cái yếu là công nghệ chế biến sau thu hoạch quá kém.  Ngoài ra, nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu để làm chất thô, chứ chất tinh như khô đầu tương, khô dầu…thì mình chưa có vùng nguyên liệu tập trung, cũng chưa đủ công nghệ để làm. Do đó, chuyện NK là đương nhiên. Vả lại, nguyên liệu thô của Việt Nam cũng chỉ có đủ khoảng 30% thôi.

Về phần NK, cả thế giới đều chịu chung 1 mức giá nguyên liệu. Nhưng họ là thị trường mở, tức là chi phí cho vận chuyển, thuế, thủ tục thông quan, không đáng kể. Trong khi đối với Việt Nam, thì chi phí này lại lớn, có khi về đến cảng, 1 tấn khô đậu tương đội giá lên cao gấp 1,5 lần giá thế giới vì nhiều chi phí phát sinh, thất thoát. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi ở VN luôn cao hơn giá thế giới.

Sao VN không tính đến bài toán chủ động nguồn này, thay vì NK thưa ông?

"Với 86 triệu dân, Việt Nam là thị trường rộng lớn. Ngành chăn nuôi chỉ cần thỏa mãn thị trường nội địa thôi thì đã phát triển lắm rồi, chưa nói đến chuyện XK. Như tôi đã nói ngay từ đầu, để phát triển được ngành chăn nuôi, cần nhất vẫn là hỗ trợ của Nhà nước ở đây, và đầu tiên phải là hỗ trợ vốn, lãi suất và bao tiêu sản phẩm"- ông Đoàn Trọng Lý
Ở đây phải nói thật khách quan thế này. Một là vấn đề thức ăn tinh, ví dụ khô đậu tương, khô dừa, khô cọ…thì VN không làm được cứ nhập thôi, trong nước cố lắm chỉ đáp ứng khoảng 20% . Như vậy, về lâu dài, tự túc 50% nguyên liệu tinh đã khó, còn bảo là đủ 100% trong nước thì không bao giờ. Do đó, chúng ta buộc phải chấp nhận chuyện NK nguyên liệu, không còn cách nào khác.

Xung quanh chuyện hỗ trợ của Nhà nước, là người đã theo dõi lâu năm lĩnh vực này, ông thấy Việt Nam cần phải học gì từ các nước khác?

Các nước châu Âu hỗ trợ cho chăn nuôi khoảng 30% tổng giá trị, trong khi đó ở Việt Nam, chúng tôi tính toán rằng, mức hỗ trợ mới chỉ khoảng 1-2%, nhưng chỉ là hỗ trợ phòng bệnh, vắcxin, hoặc trợ giá giống…Chúng tôi cho rằng, muốn chăn nuôi phát triển, thì ngành phụ trợ, tức là công nghiệp chế biến, phải phát triển. Trong khi đó, ta đã có chính sách, nhưng để thực thi thì còn quá nhiều khó khăn. DN thì không mặn mà với đầu tư vào lĩnh vực này, vì  rủi ro cao, trong khi đó, lãi suất ngân hàng vẫn phải chịu như những ngành kinh doanh khác. Đó là những lý do khiến công nghiệp phụ trợ cho chăn nuôi của VN chưa thể phát triển được.

Vả lại, đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam là quảng canh, người chăn nuôi vạn bất đắc dĩ mới phải làm, vì họ không còn có thể làm được việc gì khác.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá tiêu hôm nay 3/5/2024: Trong nước tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/5/2024 ở trong nước đồng loạt tăng mạnh 1.500 đồng. Qua đó đưa giá hồ tiêu nội địa giao dịch lên quanh ngưỡng 99.000 - 100.000 đ/kg.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.