Giá chanh vượt 30.000 đồng/kg, lo bùng phát diện tích. Nuôi ốc len dưới rừng ngập mặn lợi nhuận 100 triệu/ha. Đặt mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 đạt 2 tỷ USD. Người chăn nuôi nỗ lực vượt khó cuối năm.
Giá chanh vượt 30.000 đồng/kg, lo bùng phát diện tích
Minh Phúc khai thác
2 tháng trở lại đây, tại Tuyên Quang, giá chanh quả lên cao kỷ lục 33 nghìn/kg tại vườn. Thay vì vui nhiều người gắn bó với cây chanh lại lo lắng tái diễn tình trạng đổ xô trồng chanh khi thấy giá lên cao.
Giám đốc một HTX cây ăn quả cho biết, giá bưởi, cam xuống thấp trong khi giá chanh lên lại lên ngôi rất dễ dẫn đến tình trạng nhiều người dân đổ xô vào trồng, khả năng cung vượt cầu lại xảy ra. Trên thực tế một số nhà vườn đã cải tạo vườn bưởi, cam thay thế bằng cây chanh. Đó là khi giá chanh tứ thì lên cao tương đương như hiện nay, rất nhiều người đổ xô đi trồng, đưa cả cây chanh xuống ruộng 2 vụ lúa.
Tiếp đến với cây chanh đào, giá chanh đào quả lên đến 50 - 80 nghìn đồng/kg, người dân lại phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng chanh đào. Diện tích chanh đào tăng lên rất nhanh, đến năm 2017, giá chanh bắt đầu tụt dốc giảm xuống 5 - 7 nghìn đồng/kg, thậm chí là thấp 3 - 4 nghìn đồng/kg.
Nuôi ốc len dưới rừng ngập mặn lợi nhuận 100 triệu/ha
Văn Vũ sx
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang phát triển mô hình nuôi ốc len trong rừng ngập mặn, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao khi vừa thu lợi nhuận ổn định mà còn giúp bảo vệ rừng.
Ốc len là giống loài thiên nhiên với đặc trưng sống ở các khu vực bãi bồi ven biển, rừng ngặp mặn nơi có lưu lượng nước thủy triều lên xuống ổn định.Nuôi ốc len không cần chi phí thức ăn, sau 5-6 tháng thả nuôi sẽ thu hoạch, với giá thị trường hiện nay dao động từ 100 – 110 ngàn đồng/kg ốc loại 1, và từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg ốc loại 2, bình quân người nuôi thả 2 tấn ốc giống cho diện tích 1 ha, sẽ thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Ông Huỳnh Hiếu Giang, Phó Chủ tịch xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, mô hình nuôi ốc len không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi ở khu vực rừng ngập mặn đúng với mục tiêu bảo tồn sinh quyển và phòng hộ ven biển, mô hình đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, đồng thờitạo nét đặc trưng cho rừng ngập mặn ở vùng đất Mũi Cà Mau.
Đặt mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 đạt 2 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,39 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn cả nước hiện có khoảng 530.000 ha, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam nhận định trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Người chăn nuôi nỗ lực vượt khó cuối năm
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang tái đàn gia súc, gia cầm với kỳ vọng bán được giá cao vào dịp cuối năm. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, hiện nay, bà con trong tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn vật nuôi đều tăng nhằm đáp ứng thị trường vào dịp cuối năm. Đàn bò ước đạt 311.251 con, tăng 2,5%; đàn lợn ước đạt 752.780 con, tăng 13,4%; đàn gia cầm ước đạt trên 10,3 triệu con, tăng hơn 10,8% so với cùng kỳ.