| Hotline: 0983.970.780

Mỏng manh số phận chanh dây

Thứ Tư 12/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

GIA LAI Thủ phủ chanh dây Gia Lai đang bị sức ép bởi dịch bệnh, cạnh tranh từ cà phê, hồ tiêu lên giá, dù trước đó đã tạo nên cơn sốt và ánh hào quang.

Hơn 1 năm về trước, cơn sốt trồng chanh dây diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Hơn 1 năm về trước, cơn sốt trồng chanh dây diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Cơn sốt trồng chanh dây (chanh leo) diễn ra khắp nơi cùng sự xuất hiện của các nhà máy chế biết lớn đã khiến cho Gia Lai từng được biết đến là thủ phủ của ngành hàng triệu đô. Giấc mộng đó đang bị sức ép bởi dịch bệnh, giá cả bấp bênh, trong khi các cây trồng cạnh tranh khác trên địa bàn như cà phê, hồ tiêu... giá leo thang từng ngày.

Khi cơn sốt đi qua

Còn nhớ hơn 1 năm về trước, dọc các con đường của tỉnh Gia Lai, nơi đâu cũng bắt gặp những vườn chanh dây xanh mướt, quả trĩu cành. Người dân thì nơi đâu cũng bàn tán về chanh dây như loại cây “thần kỳ”, cho thu nhập khủng, có thể xây nhà lầu, mua xe hơi chỉ sau một vài lần thu hái. Chanh dây thậm chí còn vượt mặt những cây trồng chủ lực vốn đã thành thương hiệu của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu… 

Sức hút từ cây chanh dây đã khiến những nhà quản lý ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai tin tưởng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng diện tích lên hơn 25.000ha.

Một vườn chanh dây bị dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Một vườn chanh dây bị dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhưng rồi chỉ trong vòng vài tháng giữa năm 2023, giá chanh dây “tụt dốc không phanh”, từ 17.000 đồng xuống chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg (chanh múc) đã khiến cho ngành hàng triệu đô trở nên u ám, mất phương hướng. Nhiều gia đình “ra khơi” nhưng không thể “vào bờ”, chỉ biết nhìn vườn chanh dây trong vô vọng.

Chúng tôi trở lại nơi từng mang đến hào quang năm nào, những vườn chanh dây đã được phá bỏ để thay thế bằng các vườn cà phê tái canh, hay những vườn ngô, đậu phộng, dưa lưới... 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây chưa kịp tô vách, anh Lê Kim Long (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) vẫn còn tiếc nuối về một thời hoàng kim của cây chanh dây. Bước vào trồng chanh dây từ năm 2018, gia đình anh đã thực sự bị mê hoặc bởi cây trồng này.

Gắn bó với cây chanh dây từ lâu và cũng gặt hái được nhiều thành công, đỉnh đểm của sự thành công trên là vào đầu năm 2023 khi giá chanh dây tăng cao ngất ngưởng lên gần 20.000 đồng/kg, với 1,7ha chanh dây, Long thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi vụ. “Thành công càng làm cho gia đình bị cuốn vào để mở rộng thêm diện tích và câu chuyện ‘vỡ trận’ chanh dây cũng bắt đầu từ đó”, anh Long chia sẻ trong tiếc nuối.

Anh Lê Kim Long (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) từng có thời gian thành công với vườn chanh dây. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Lê Kim Long (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) từng có thời gian thành công với vườn chanh dây. Ảnh: Tuấn Anh.

Câu chuyện “vỡ trận” về chanh dây theo phân tích của anh Long chính là sự ồ ạt trồng của người dân mà không có sự kiểm soát. Kéo theo đó là chất lượng cây giống chanh dây cũng không còn được đảm bảo. Mặt khác, thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa kéo dài đã khiến cây chanh dây dần suy yếu. 

Bỏ qua những tháng ngày ảm đạm, anh Long cho biết: “Chỉ cần giá chanh dây ổn định (hiện giá chanh dây loại nhỏ đã lên trên 10.000 đồng/kg, loại vừa 25.000-27.000 đồng/kg và loại quả to gần 40.000 đồng/kg), không cần quá cao, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng. Trước mắt gia đình xuống giống 5 sào và trồng theo hình thức gối đầu để hạn chế thấp nhất những rủi ro đã từng gặp phải”.

Tạm chia tay anh Long, chúng tôi xuôi về huyện Ia Grai, nơi từng được biết đến có diện tích trồng chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai. Lần trước đến thôn 1, xã Ia Hrung, đếm vội cả vùng cũng chừng vài chục ha chanh dây. Nhưng giờ, diện tích này khiêm tốn hơn rất nhiều, thay vào đó là những vườn cà phê tái canh đang dần nhú chồi non dưới những cơn mưa đầu mùa.

Anh Đinh Xuân Kháng (thôn 1, xã Ia Hrung) vẫn không thể quên cái thời hoàng kim, thương lái ào ạt đến thu mua chanh dây. Có những ngày, chỉ với hơn 3ha của mấy anh em mà xe tải hàng chục tấn chở không hết. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh Kháng thu về không dưới 10 triệu đồng từ bán chanh dây.

Anh Kháng cho biết: “Giá chanh dây cao thấp thất thường, cùng với việc giá cà phê ngày càng lên cao làm cho người dân không còn say sưa với cây chanh dây như trước nữa. Giờ đây người ta thực hiện trồng xen chanh dây trong vườn cà phê mới trồng để lấy ngắn nuôi dài, giảm thiểu rủi ro. Đối với gia đình tôi, do có duyên với chanh dây nên thời gian tới sẽ tiếp tục xuống giống trồng 8 sào với hi vọng cây trồng này trở lại thời hoàng kim bởi giá chanh dây hiện đang có chiều hướng phục hồi”.

Một người trong cuộc

Chứng kiến cơn sốt trồng và lợi nhuận “khủng” từ cây chanh dây, lại được sự gợi ý từ anh bạn là giám đốc một HTX đứng chân trên địa bàn về việc góp vốn đầu tư trồng chanh dây, tôi đã thực sự hào hứng. Anh bạn sẽ lo toàn bộ khâu kỹ thuật, chăm sóc vườn cây.

“Trồng chanh dây phải theo hướng hữu cơ để đạt mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu”, đề xuất của anh bạn càng củng cố thêm niềm tin nơi tôi - vốn cũng am hiểu ít nhiều về lĩnh vực hữu cơ.

Tác giả bài viết từng dấn thân hợp tác trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

Tác giả bài viết từng dấn thân hợp tác trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

Chỉ chưa đầy 1 tháng từ ngày bắt đầu ý tưởng, vườn chanh dây rộng hơn 7ha đã được thành hình. Trồng theo hướng hữu cơ, vườn chanh dây được đầu tư bài bản từ trụ cọc, dây thép buộc giàn, cây trồng đều tăm tắp, hàng cách hàng theo đúng quy chuẩn. Đặc biệt, hệ thống phun mưa tận gốc được đầu tư đồng bộ càng củng cố thêm mùa vụ chanh dây thành công...

Niềm tin đó ngày càng có cơ sở khi vườn chanh dây phát triển rất tốt. Chỉ sau 3 tháng, chanh dây dần phủ kín giàn, quả sai trĩu, căng tròn bắt mắt. Và niềm tin đó càng được củng cố hơn khi một người bạn là giám đốc một công ty thu mua, xuất khẩu chanh dây xuống thăm vườn đã phải thốt lên: “Nhìn vườn chanh dây đẹp mê hồn như thế này, chắc chắn hơn 70% đủ tiêu chuẩn xuất hàng đi châu Âu”.

Nhưng rồi “ông trời không chiều lòng người”, những cơn mưa dai dẳng kéo dài nhiều ngày sau đó đã biến vườn chanh dây của chúng tôi trở nên xơ xác. Quả chanh dây từ chỗ căng tròn, bóng mượt đã trở thành miếng mồi ngon cho các loại dịch bệnh như nấm bã trầu, mắt cua… tấn công.

Từ kỳ vọng xuất khẩu sang châu Âu, vườn chanh dây của tôi được thương lái thu mua theo dạng chanh múc. Tiền thu hái không đủ bù nhân công trong khoảng thời gian dài đã khiến anh bạn tôi gần như buông xuôi. Còn với tôi, vẫn quyết tâm theo đuổi như muốn níu kéo thêm hi vọng “ngày mai trời lại sáng”.

Đến lúc cần căn cơ hơn với chanh dây

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện chanh dây, chúng tôi tìm đến ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh). Thời hoàng kim của chanh dây, HTX Ia Mơ Nông từng liên kết trồng với hơn 200 hộ dân trên diện tích gần 200ha. Mỗi năm, HTX thu mua hàng chục nghìn tấn chanh dây cho người dân để cung cấp cho các nhà máy. Doanh thu chanh dây kỷ lục có năm lên đến gần 60 tỷ đồng. “Giờ diện tích và sản lượng chanh dây không bằng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim”, ông Thanh bộc bạch.

Những vườn chanh dây đã được phá bỏ để chuẩn bị trồng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Những vườn chanh dây đã được phá bỏ để chuẩn bị trồng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Thanh, mấu chốt khiến chanh dây “vỡ trận” chính là câu chuyện thổi phồng khi đưa ra kế hoạch phát triển lên 25.000ha vào năm 2025, trong khi thời hoàng kim mới chỉ hơn 5.000ha mà chanh dây đã “vỡ trận”. Nếu thực sự tăng diện tích lên 25.000ha thì cần phải có cam kết cụ thể giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Chẳng hạn, ký cam kết giá chanh không dưới 7.000 đồng/kg - mức hòa vốn thì người dân mới mạnh dạn trồng.

Ông Thanh cho rằng, đã đến lúc người dân cần phải căn cơ hơn với cây chanh dây khi bài học nhãn tiền về cây cao su, hồ tiêu vẫn còn đó. Việc từng thổi phồng về cây cao su, hồ tiêu khi ví như “vàng trắng”, “vàng đen” một thời cũng đã góp phần cho thất bại cay đắng.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Tổ chức Thú y Thế giới có tân Tổng Giám đốc

Tiến sĩ Emmanuelle Soubeyran được bầu làm tân Tổng Giám đốc của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.