| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn bị cấm tiệt đánh bắt trên sông Dương Tử trong 10 năm

Chủ Nhật 27/12/2020 , 09:58 (GMT+7)

Lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm dọc sông Dương Tử sẽ có hiệu lực từ năm 2021 tới nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của con sông dài nhất thế giới.

Quyết tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại cuộc họp giữa tuần qua, Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương liên quan thực thi nghiêm túc lệnh cấm đánh bắt cá.

Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính chủ trì cuộc họp hôm 22/12. Ảnh: THX

Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính chủ trì cuộc họp hôm 22/12. Ảnh: THX

Sông Dương Tử hay còn gọi là Trường Giang là con sông dài nhất châu Á, chảy qua 10 tỉnh và thành phố của Trung Quốc. Theo ngành thủy sản, để bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nhanh chóng và bảo tồn hệ sinh thái, chính quyền trung ương đã quyết định thực thi lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài một thập kỷ dọc theo con sông này.

Ông Hàn cho biết, các tỉnh và thành phố dọc theo sông Dương Tử đã thực hiện các biện pháp một cách đồng bộ, có trật tự, tạo nền tảng tốt để hướng tới việc cấm đánh bắt cá hoàn toàn ở các vùng nước quan trọng như sông Dương Tử.

“Lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm là một nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và phức tạp. Nó đòi hỏi một cách định hướng và tiếp cận vấn đề kiên định cùng những nỗ lực bền bỉ”, ông Hàn Chính nói.

Ngay từ đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch cấm đánh bắt cá trong 10 năm tại 332 khu vực bảo tồn ở lưu vực sông Dương Tử, con sông dài nhất đất nước và dự kiến sẽ thực thi đến toàn bộ các chi lưu của nó từ ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các bên liên quan cần nỗ lực giúp đỡ ngư dân sống dựa vào việc đánh bắt thủy sản trên sông Dương Tử tìm việc làm mới và tái định cư để bảo vệ đa dạng sinh học của toàn bộ hệ thống.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch này, ngay từ đầu năm 2020 chính phủ đã yêu cầu các tỉnh thành liên quan huy động mọi nguồn lực hỗ trợ và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Theo đó đến thời điểm này hầu hết các ngư dân này đã tạm ngừng hoạt động đánh bắt và đã tìm được việc làm mới và dự kiến số còn lại cũng sẽ di chuyển lên bờ vào cuối năm 2021 theo đúng lịch trình.

Hỗ trợ ngư dân 

Tính đến giữa tháng 12 năm 2020, đã có 231.000 ngư dân và trên 111.000 phương tiện ở 10 địa phương dọc sông Dương Tử đã ký vào bản cam kết không tiếp tục theo nghề cũ. 

Ông Ma Yi, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Nghề cá sông Dương Tử cho biết, hiện chỉ còn 1.599 tàu đánh bắt và 3.072 ngư dân chưa thể chuyển đổi do họ đều nằm trong khu vực do chính quyền địa phương quản lý.

Nhằm đảm bảo đời sống cho những ngư dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm sớm tìm được nguồn thu nhập thay thế, chính phủ đã phân bổ 9,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 tỷ USD cùng với nguồn ngân sách của các tỉnh thành lên tới 11,4 tỷ nhân dân tệ để đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho ngư dân.

Đa số ngư dân có sinh kế đánh bắt trên sông Dương Tử đã từ bỏ nghề và được tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp. Ảnh: China.org

Đa số ngư dân có sinh kế đánh bắt trên sông Dương Tử đã từ bỏ nghề và được tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp. Ảnh: China.org

Ông Ma cho biết: “Một loạt các biện pháp đã được thực hiện, như phát triển các ngành công nghiệp địa phương, giúp ngư dân kiếm việc làm mới hoặc bắt đầu công việc buôn bán, kinh doanh. Tính đến đầu tháng 12, đã có 218.000 ngư dân đã được ghi danh vào các chương trình phúc lợi xã hội và 165.000 người đã có việc làm mới”.

Theo ông Zhang Xianliang, Cục trưởng Cục Thủy sản, chính phủ sẽ theo dõi và cập nhật tình hình của tất cả các ngư dân đã từ bỏ nghề đánh bắt và sẽ tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ, từ đào tạo đến các chính sách cho vay một cách thuận lợi, và dự kiến sẽ đưa họ vào danh sách được hưởng lương hưu.

 “Chính phủ sẽ đảm bảo không để ngư dân rơi vào cảnh nghèo đói và đảm bảo rằng họ sẽ có thu nhập ổn định”, ông Zhang cam kết.

Kể từ cuối tháng 6, giới chức thực thi pháp luật dọc theo sông Dương Tử đã bắt giữ 7.160 trường hợp đánh bắt bất hợp pháp và tịch thu 32.000 tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm. Dự kiến lực lượng kiểm ngư sẽ triển khai các phương tiện được trang bị các công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái gắn camera hành trình, có thể giám sát 24/24 giờ để tăng cường hoạt động.

THX, Chinadaily

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.