| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc thúc đẩy 'dự án xanh' sông Dương Tử

Thứ Năm 09/05/2019 , 10:15 (GMT+7)

Chính quyền Trung Quốc vừa thông qua cơ chế hỗ trợ các dự án giúp bảo vệ và cải tạo môi trường tại các vùng thuộc Vành đai kinh tế sông Dương Tử.

Mục tiêu Trung Quốc hướng tới là kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm khu vực sông Dương Tử bị báo động.

Trung Quốc hướng tới tăng trưởng kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường trong Vành đai kinh tế sông Dương Tử.

Các khoản trợ cấp sẽ được “đổ” vào những dự án giải quyết vấn đề môi trường quan trọng dọc sông Dương Tử, hoặc dự án giao thông kết nối các cảng sông với đường sắt và đường bộ, theo thông báo của Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) mới đây. Kế hoạch sẽ bao gồm dự án ở 11 tỉnh thuộc Vành đai kinh tế sông Dương Tử.

Tuy nhiên, NDRC cho biết về nguyên tắc dự án sẽ chỉ được triển khai ở 8/11 tỉnh, gồm: An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức và sẽ kéo dài tới hết năm 2020. 

Tuỳ dự án, nguồn trợ cấp sẽ có sự thay đổi. Ví dụ, trợ cấp cho các dự án xử lý nước sông Dương Tử ở các tỉnh miền trung sẽ được giới hạn ở mức 45% tổng giá trị đầu tư của dự án. Đối với các tỉnh miền tây nghèo hơn, mức giới hạn trợ cấp sẽ được nâng lên 60%. Mỗi dự án, số tiền trợ cấp không vượt quá 14,78 triệu USD.

Theo NDRC, điều kiện để các dự án được trình lên chính phủ thông qua trợ cấp là không tạo nên các khoản nợ “ẩn giấu” đối với địa phương, cũng như không làm giảm khả năng tài chính của địa phương đó. Chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm thiết kế dự án, kiểm soát chặt chẽ quy mô đầu tư của chính phủ, đặc biệt ở những khu vực có khả năng rủi ro cao. 

Theo Reuters, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã thừa việc nền kinh tế đang chịu áp lực vì các khoản nợ kéo dài nhiều năm, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường khiến hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực. Tình hình càng xấu ở thời điểm căng thẳng thương mại với Mỹ làm tổn thương những nhà xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong nước.
 

Mục tiêu phát triển phải sau bảo vệ môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước dọc sông Dương Tử đã được báo động trong nhiều năm qua. Đây là khu vực chiếm 20% diện tích Trung Quốc, với 40% dân số, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 2014, Trung Quốc vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế thuộc Vành đai kinh tế sông Dương Tử. Tới năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự một cuộc họp liên quan đã nhấn mạnh, các dự án kinh tế cần tập trung cho vấn đề bảo vệ môi trường, đặt lên trên mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng. 

Từ đó tới nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều dự án liên quan tới môi trường thuộc các tỉnh thành dọc theo sông Dương Tử. Năm 2015, Trung Quốc đã đóng cửa 25 dự án gây ô nhiễm ở khu vực này.

Hồi tháng 2 vừa qua, giới chức Trung Quốc cũng thông qua các điều luật tăng trừng phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường dọc Vành đai kinh tế sông Dương Tử, như xả chất thải phóng xạ, truyền nhiễm hoặc gây độc nguồn nước. Quyết định được thông qua sau cuộc họp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc (SPP), Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công An, Bộ Tư pháp và Bộ Môi trường.

“Điều này cho thấy quyết tâm của chúng tôi trong việc sử dụng các biện pháp pháp luật cứng rắn nhất đối với các đối tượng gây ô nhiễm, và cũng là công cụ răn đe mạnh mẽ tội phạm về môi trường”-phát ngôn viên SPP, Wang Songmiao cho biết.  

Theo Chinadaily, Bộ Tài nguyên nước và Uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã thông qua khoản đầu tư lên tới 2,62 tỉ USD để phục vụ cho các dự án liên quan tới bảo vệ môi trường dọc sông Dương Tử. Trên thực tế từ hồi năm 2002 đến nay, chính quyền các địa phương ven sông đã triển khai nhiều hoạt động nhằm làm sạch nguồn nước, tuy nhiên mối quan tâm chỉ được đặc biệt tăng cao các năm vừa qua.

(Theo Chinadaily, Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.