| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/02/2022 , 19:16 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

19:16 - 14/02/2022

Chuẩn mực xưng hô trong nhà trường

Với một đặc điểm như thế, cách xưng/gọi ‘con’ sẽ kìm hãm tư duy độc lập và ý thức phản biện; việc đặt câu hỏi, chất vấn, và truy vấn trở nên khó khăn.

Đầu năm mới Nhâm Dần, lại xuất hiện nhiều hình ảnh và website của không ít nhà trường công khai gọi học sinh là “con”. Đó là trên truyền thông, còn trong thực tế thì lối xưng hô này đã trở nên phổ biến ở khắp ba miền đất nước.

Dư luận quan tâm và đặt câu hỏi, liệu lối xưng hô này có hợp tình, hợp lý, hay có ảnh hưởng ra sao đối với mục tiêu giáo dục con người “biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú”?

Ngôn ngữ nói chung và cách xưng hô nói riêng có ảnh hưởng to lớn đến thế giới tinh thần cũng như tâm thế, hành vi của chủ thể nói năng, điều này đã được triết học ngôn ngữ chứng minh và khẳng định trong suốt thế kỷ 20. Chính vì thế, việc ban hành về một quy định có tính chuẩn mực về xưng hô trong môi trường giáo dục là việc cần thiết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách xưng và gọi “con” trong các mối quan hệ xã hội vốn phổ biến ở miền Nam và phụ thuộc vào độ chênh lệch tuổi tác, rồi được lan vào nhà trường ngày một nhiều từ sau 1975. Khoảng 2 thập niên trở lại đây thì cách xưng hô này tràn ra các nhà trường ngoài miền Bắc. Hiện tượng này không chỉ phổ biến ở cấp mẫu giáo và tiểu học mà thậm chí còn thấy ở cấp 3 và đại học. Đó là một hiện tượng bất thường.

Vì sao bất thường? “Con” vốn là đại từ nhân xưng trong mối quan hệ gia đình, dùng để xưng và gọi giữa cha mẹ và con cái. Quan hệ gia đình là quan hệ huyết thống, nặng tình cảm cảm tính, có tính tôn ti, thứ bậc, mang nét nghĩa của sự vâng lời, phục tùng. Một mối quan hệ xã hội như thầy cô giáo với học sinh không thể dùng đại từ nhân xưng ấy.

Khi sử dụng từ “con”, giáo viên đứng trên tâm thế cha mẹ, đó là bề trên và cảm xúc cảm tính; học sinh ở vị thế con cái, nghe lời, hiếu thuận. “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đại từ này chính là hàng rào vô hình sẽ thiết lập một mối quan hệ gia-đình-hóa, khiến cho mỗi đương sự hiểu lầm vị trí và vai trò của mình.

Từ sự hiểu lầm ấy, sinh ra những ứng xử tương ưng. Thầy cô có thể áp đặt hoặc nuông chiều với vai cha mẹ của mình, học sinh thì phụ thuộc và “làm nũng” hoặc buộc phải cúi đầu, không dám “cãi” - nay gọi là thảo luận, tranh luận.

Với một đặc điểm như thế, các xưng/gọi “con” sẽ kìm hãm tư duy độc lập và ý thức phản biện; việc đặt câu hỏi, chất vấn, và truy vấn trở nên khó khăn, nếu không nói là sẽ bị triệt tiêu.

Trước đây chúng ta vốn đã có một lối xưng hô khá tốt và được dùng ổn định, là xưng gọi “thầy/cô” và “em”. Không hiểu vì sao ngày nay lối xưng hô ấy lại đang dần nhường chỗ cho “con”? “Em” là đàn em, là lớp người đi sau - rất hợp lẽ. Và điều hay là, không phải vì xưng “em” mà học trò lại gọi thầy cô là anh chị! Vẫn là “thầy/cô” nhưng xưng “em”, vừa đảm bảo được sự kính trọng, vừa không đánh mất vị độc lập thế của người học. Với những lý do ấy, gọi thầy/cô, xưng em cần được chuẩn hóa và trở thành quy định có tính pháp lý trong môi trường pháp lý.

Đối với những cấp học cao như THPT và nhất là đại học trở lên, thì nên khuyên khích người học xưng tôi. Đó là cách để nâng cao tư cách và ý thức công dân, “tập nhiễm” ý niệm tự chủ, tự do và phát triển con người cá nhân.

Giải phóng ngôn ngữ chính là giải phóng con người, không thể chấp nhận những lối xưng hô lệch chuẩn và gây hại trong những môi trường có tính chuyên môn, đặc biệt là trong giáo dục. Bộ chủ quan cần ban hành văn bản chính thức, quy định về chuẩn mực xưng hô trong môi trường sư phạm, đây chính là cơ sở có tính pháp lý để điều chỉnh thói quen giao tiếp của thầy cô giáo và học sinh, đặng góp phần kiến tạo một nền giáo dục tiến bộ, xây dựng nhân cách và giải phóng năng lực con người Việt Nam.

Yêu cầu giáo viên và Bộ Giáo dục - Đào tạo không gọi học sinh là "con"

Đây không phải lần đầu tôi và nhiều người quan tâm lên tiếng.

Chúng tôi yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:

1/ Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn"

2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn"

3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học

(Nhà nghiên cứu văn hóa - văn học Lại Nguyên Ân)

    Tags:

Bình luận mới nhất