| Hotline: 0983.970.780

Chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa rất sống động

Thứ Tư 11/06/2014 , 09:17 (GMT+7)

Những chứng cứ, hiện vật sống động, là minh chứng quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đôi khi lại rất đời thường, giản dị./ Chuyên gia Hán Nôm vạch trần trò bịp của Trung Quốc

Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thẩm định các hiện vật, chứng tích lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với NNVN.

img-1084152514861

Hàng trăm, hàng nghìn bằng chứng vẫn còn

Thưa GS, là người chuyên tâm nghiên cứu về các hiện vật, chứng tích lịch sử và những căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, ông có thể nói khái quát về những chứng cứ mà ông đã nghiên cứu?

Tôi là một người nghiên cứu lịch sử, và là người nghiên cứu lịch sử chủ quyền của Việt Nam từ năm 1993 cho đến nay. Tôi đã từng làm chủ nhiệm đề tài lịch sử chủ quyền Việt Nam về Hoàng Sa – Trường Sa.

Tôi có nhiều cơ hội khai thác nguồn tư liệu trong nước và thế giới. Được giao nhiệm vụ này, đi đâu tôi cũng quan tâm khai thác, tập hợp tư liệu, trong đó có tư liệu về Trung Quốc, kể cả tư liệu người Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của họ ở biển Đông.

Phải nói rằng, hiện nay, các ban, ngành đã sưu tầm được hàng nghìn hiện vật, chứng cứ minh chứng cho việc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngoài ra, còn có rất nhiều chứng cứ quan trọng, gần gũi do chính người dân cung cấp, trao tặng.

Có thể khái quát thế này: Năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) giao cho ông Lý Chuẩn ra khu vực quần đảo Paracels (Hoàng Sa), thì lúc đó mới coi như là Trung Quốc có ý đồ, mục đích chiếm quần đảo Hoàng Sa. Mốc thời gian đó coi như là thời điểm họ phát hiện, đồng thời xuất hiện dã tâm muốn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

Nhưng từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa rồi, được thể hiện qua các cứ liệu lịch sử và chính người Trung Quốc và nhiều nước phương Tây từ trước đó cũng đã thừa nhận chúng ta có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Đến thế kỷ XIX, hoạt động của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được in dấu, thể hiện rất mạnh mẽ. Đó là vua Gia Long, đã khẳng định chủ quyền tuyệt đối, không ai có thể thay đổi, giành giật.

Đến đời vua Minh Mạng, thì chủ quyền đó tiếp tục được khẳng định tuyệt đối, cao nhất bằng việc ông đã chỉ đạo cho quân lính ra quần đảo Hoàng Sa, thuyền bè ra vào quần đảo tấp nập, điều này được thể hiện rõ nhất trong Châu bản triều Nguyễn.

Và mới đây, việc chúng ta tìm thêm được bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, trong đó có tấm bản đồ Partie de la Cochinechine có giá trị quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tấm bản đồ quý giá đầu tiên này được vẽ một cách tuyệt đối chính xác, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bộ Atlas là tài liệu vô giá, là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Như GS nói thì bằng chứng minh chứng cho chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là rất nhiều, không chỉ có ở Việt Nam mà còn lưu giữ ở nhiều nước trên thế giới?

Đúng như vậy. Chỉ riêng bản đồ của phương Tây đã có vài ba trăm tấm. Ban đầu, chúng tôi cũng giới thiệu hết nhưng sau đó chắt lọc lại, chỉ giới thiệu những tấm thật điển hình.

Vì thế, chúng tôi đã tập trung vào những bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam rõ ràng và chính xác nhất. Ví dụ bản đồ của Taberd (An Nam đại quốc họa đồ – bản đồ của nước An Nam), trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa với dòng chữ Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay là Cát Vàng) ở vị trí tương đối chính xác...

Taberd từng xác nhận đây là chủ quyền đích thực và ông cũng không nghĩ rằng sau này lại có ai tranh giành với vua Gia Long về quần đảo này. Ngay cả những điều khẳng định đó của tác giả, hội đồng thẩm định chúng tôi cũng phải dày công nghiên cứu thêm, trước khi đưa nó vào hệ thống các tài liệu, chứng cứ pháp lý để trưng bày.

img-1085152515569
Một trong nhiều tư liệu chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam

Phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát

Ngoài các chứng cứ, hiện vật lấy từ nguồn ngoài nước, GS có nghiên cứu gì thêm các tài liệu, hiện vật trong nước để có căn cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa?

Nhiều chứ! Ngoài các bản đồ, tài liệu của nước ngoài hiện còn lưu giữ ở Việt Nam, trong các cuộc triển lãm hiện vật, người dân đến xem triển lãm đã cung cấp cho chúng tôi vô số những chứng cứ khác. Chúng tôi trân trọng và đánh giá rất cao những chứng cứ, hiện vật này, dù nó rất đời thường, đơn giản nhưng sống động và chúng tôi coi đó là những chứng cứ hùng hồn nhất.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc hiện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định các hiện vật, chứng tích lịch sử, pháp lý về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông là một trong những người gắn bó từ đầu trong hội đồng thẩm định, trực tiếp tham gia hệ thống hóa, “giải mã” các hiện vật, chứng cứ lịch sử, pháp lý.

Tôi thực sự tự hào, hạnh phúc với những bằng chứng, tư liệu mà người dân đang gìn giữ, và đóng góp thêm để dầy dặn bộ hồ sơ pháp lý của chúng ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện thế này: Sau triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, một người dân đã cung cấp cho chúng tôi Giấy chứng sinh của một người sinh ra ở Hoàng Sa vào năm 1939, có giấy chứng sinh, có con dấu của chính quyền trên đảo Hoàng Sa khi đó xác nhận.

Giấy chứng sinh ấy, thực ra chỉ là một thủ tục tư pháp rất nhỏ và đơn giản, nhưng nó cho thấy được đời sống dân sự ở thời điểm đó là rất cao, rất đáng được đánh giá; tổ chức dân sự ở Hoàng Sa thời điểm đó cũng đã rất chặt chẽ, có tổ chức...

Qua những tư liệu như thế chúng tôi càng thấy rõ hơn được chủ quyền của ta đã được thực thi một cách đầy đủ và trọn vẹn ở Hoàng Sa.

Giấy chứng sinh đó thuộc về bà Mai Kim Quy, công dân trên đảo Hoàng Sa, sinh năm 1939. Mặc dù chỉ còn là một hiện vật cũ kỹ do thời gian làm cho ố màu, tuy nhiên, những thông tin chính về một công dân Việt Nam được chính quyền sở tại xác nhận về sự ra đời của công dân này vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ.

Thông tin trên giấy chứng sinh được ghi là Mai Kim Quy, giới tính nữ, con ông Mai Xuân Tập làm nhân viên khí tượng. Mẹ là bà Nguyễn Thị Thắng làm nghề nội trợ.

Ngoài ra, giấy chứng sinh cũng ghi rõ tên người làm chứng thứ nhất là bác sỹ Đông Dương Nguyễn Tăng Duẩn, người làm chứng thứ hai là Trưởng Đài phát thanh Đỗ Đức Mai. Người đại diện ký tên dưới giấy chứng sinh này là Chauvet (Đại diện phái đoàn ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nước An Nam).

Còn rất nhiều những hiện vật khác mà người dân đóng góp, chúng tôi khó có thể kể hết được.

Như vậy, rõ ràng chúng ta đang sở hữu những chứng cứ pháp lý hùng hồn và chính xác để minh chứng cho thế giới biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang ngược không công nhận. Theo ông, chúng ta phải làm gì?

Như tôi nói ở trên, tấm bản đồ Atlas kết hợp với các nguồn tư liệu mà chúng ta có, thì có thể thấy việc Trung Quốc nói họ có “lợi ích cốt lõi” ở biển Đông chỉ là bịa đặt.

Trước đây, họ đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa, giờ thì họ dùng hành động phiêu lưu nhằm chiếm thêm lãnh hải Việt Nam. Họ dùng tàu lao thẳng vào tàu Việt Nam là một hành động không thể tưởng tượng vì sao lại có ở một đất nước có nền văn hóa, văn minh rực rỡ. Nó không giống hành động của nước lớn, mà là hành động ăn cướp, khiến cả thế giới phẫn nộ.

Tôi cho rằng, chúng ta phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát. Mới đây bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar đã thể hiện ý chí, quyết tâm, khí phách của dân tộc Việt Nam theo đúng tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Chúng ta sẽ kiên trì bằng mọi cách, bằng mọi giá để đấu tranh ngoại giao, để nói cho họ biết chân lý thuộc về ai. Trung Quốc có cách hành xử ngạo mạn, bất chấp như vậy chỉ làm mất đi hình ảnh của một đất nước họ. Thật phiêu lưu nực cười khi Trung Quốc tưởng tượng ra “đường lưỡi bò” rồi bất chấp đạo luật và đạo lý để hiện thực hóa sự tưởng tượng đó.

Nếu kiện ra Tòa án quốc tế, chúng ta sẽ chắc thắng bởi tư liệu lịch sử của chúng ta dầy dặn, chính xác tuyệt đối trong khi tư liệu của họ là ngụy tạo, giả dối. Thế giới ngày càng văn minh, sẽ hành xử đúng luật và Tòa án quốc tế sẽ là trọng tài để xác định chân lý thuộc về chúng ta.

Tôi vẫn tin chúng ta “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta là hành động chính nghĩa, đại nghĩa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm
Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.