| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng Việt Nam: Cẩn thận thua ngay từ lúc bắt đầu

Thứ Hai 11/09/2023 , 07:59 (GMT+7)

'Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, là duy nhất thì chẳng chóng thì chầy sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu...', Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Thị Thu Hương tâm tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam - Đơn vị thường trực Tổ diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.

Thời gian: Từ 8h00 - 11h45, thứ Hai ngày 11/9/2023.

Địa điểm: Trực tiếp tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, số 1 - 3 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và trực tuyến tới 1.000 điểm cầu trong cả nước .

Đơn vị chỉ đạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Đơn vị thực hiện và chủ trì: Báo Nông nghiệp Việt Nam - Đơn vị thường trực Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở NN-PTNT Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.

Thành phần tham dự: Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT: Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Cục Trồng trọt; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp... và các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...

Hình ảnh tại đầu cầu Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, số 1 - 3 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Hình ảnh tại đầu cầu Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, số 1 - 3 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về việc tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, vi phạm các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm sầu riêng... để chuyển đến các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trả lời, giải đáp trước, trong và sau Diễn đàn.

Diễn đàn được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Nông nghiệp - NongnghiepTV và tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam nongnghiep.vn.

Rất đông các đại biểu, phóng viên tham dự tại đầu cầu Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.

Rất đông các đại biểu, phóng viên tham dự tại đầu cầu Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.

Để tham dự diễn đàn trực tuyến qua Zoom xin mời bấm vào đây. Hoặc bằng Zoom ID: 921 5055 3574 & mật khẩu: 230911

Tất cảTổng thuật

11 giờ 45 phút

Không thỏa hiệp với vấn đề tác động xấu tới ngành sầu riêng

z4682880948343_bea99de90e11d4794af22db446e68445

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau 4 tiếng làm việc, với nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, các chuyên gia, doanh nghiệp, diễn đàn đã đạt được mục tiêu cơ bản về nhận diện các vấn đề cơ bản thực trạng sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đồng thời cũng đề cập tới nhiều giải pháp để phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững.

“Có nhiều điều cần làm để thực hiện mục tiêu này song có một điều chúng ta cần làm và thống nhất ngay, đó là không thỏa hiệp với những vấn đề tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín của ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Côn cho biết.

Cộng đồng ngành hàng sầu riêng Việt Nam đều mong muốn đi xa và cần đi đồng hành cùng nhau để ngành hàng phát triển hơn nữa. Trên cơ sở đó, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân có thể xác định được những công việc cụ thể cần làm.

11 giờ 30 phút

Sầu riêng Việt Nam: Cẩn thận thua ngay từ lúc bắt đầu

ba nguyen thi thu huong

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, khẳng định thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc. 8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.

Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường lớn nhất và gần như cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào tháng 7/2022 và đến tháng 9/2022 đã xuất khẩu lô đầu tiên tại Đắk Lắk. Cho đến nay đã có 1 năm để triển khai.

“Sắp tới đây Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ - một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”, bà Hương nói thêm.

Nói về quy định của Trung Quốc hiện nay, bà Hương cho hay, quy định của Trung Quốc nhưng cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất là yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký; phải quản lý được sinh vật gây hại; được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc… Về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều; đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất…

Thời gian tới, bà Hương mong muốn Bộ NN-PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…

Bà Hương cho biết, thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.

Bà Hương nhấn mạnh, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh không chóng thì chầy thì sẽ phá sản thôi, những đơn vị làm ăn uy tín thì sẽ tồn tại. Lý thuyết đúng là như vậy nhưng điều này sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Vậy những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình.

“Hiện nay các đối thủ của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, là duy nhất thì chẳng chóng thì chầy sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu.

Theo đó, tôi rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu; cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, bà Hương nói thêm.

11 giờ 20 phút

Nền nông nghiệp hiện đại phải được tổ chức theo chuỗi giá trị

ong le duc thinh

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản trị từ sản xuất tới thu mua, không cắt đoạn giữa chừng để liên kết.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ: Dù chậm hay nhanh thì nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi giá trị.

Trong chuỗi giá trị, yếu tố giá rất khó quản trị, do đó, HTX doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên hỗ trợ phúc lợi cho nông dân (hỗ trợ nông dân giảm giá thành sản xuất, thông tin thị trường, tiếp cận nguồn tín dụng…) sẽ tốt hơn so với việc ký hợp đồng đơn thuần.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ngoài ra, bộ cũng đang xây dựng kế hoạch về hệ thống logistics trong nông sản. Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất hoạt động hiệu quả.

Ông Thịnh cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản trị từ sản xuất tới thu mua, không cắt đoạn giữa chừng để liên kết. Bên cạnh đó, tất cả các chủ thể cần đẩy mạnh công tác truyền thông, minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng.

11 giờ 10 phút

Ngành hàng sầu riêng cần định hình theo các FTA

ong nguyen quoc toan

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, nêu 6 nút thắt chính trong phát triển ngành hàng sầu riêng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thừa nhận, sầu riêng đã tăng trưởng nóng suốt mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng cần nhìn thẳng vấn đề là ngành hàng của chúng ta đã đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines nên cần có cách ứng phó phù hợp. “Không thể chỉ nhìn vào chất lượng, sản lượng sầu riêng của Việt Nam để vội mừng”, ông chia sẻ.

Đề xuất giải pháp, ông Toản kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Theo ông Toản, ngành hàng sầu riêng không chỉ có Đắk Lắk. Nhìn rộng hơn, hạ tầng giao thông của VIệt Nam đã và đang phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đang muốn tìm hiểu về mặt hàng sầu riêng.

"Đâu là nút thắt?" - Ông Toản đặt câu hỏi. Ông tin rằng, có 6 nút thắt chính, đó là tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn nhân lực, quy trình chuẩn.

Để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Toản đề cao vai trò của chính quyền cơ sở. Đây là nơi sát với hoạt động thực tiễn của ngành hàng, có những chính sách điều hành, ứng phó kịp thời.

Lấy ví dụ về việc Sơn La hỗ trợ cho các cơ sở sấy nhãn, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kêu gọi Sở NN-PTNT Đắk Lắk nói riêng và các vựa sầu riêng lớn khác nói chung quan tâm hơn đến sầu riêng cấp đông. Nếu giải quyết được chuyện này, nhiều sầu riêng hơn của Việt Nam sẽ đến với thị trường quốc tế.

Trong hành trình nâng tầm sầu riêng, ông Toản không quên vai trò của truyền thông. Đây sẽ là khởi nguồn cho việc nông dân tự chủ hơn trong quy trình canh tác, quyết định mua bán, đồng thời để các nhà cung cấp, sơ chế, chế biến có cái nhìn sát hơn với yêu cầu thị trường.

Cuối cùng, ông Toản đề nghị quan tâm hơn đến các thị trường khác, thông qua các FTA thế hệ mới. “Từ đầu diễn đàn, tôi chỉ thấy chúng ta bàn nhiều về Trung Quốc, mà đang bỏ quên Hoa Kỳ, EU…”, ông nêu vấn đề.

Hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu.

11 giờ 00 phút

Không phân biệt đối xử giữa các vùng trồng

ong ngo xuan nam

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc SPS Việt Nam, thông tin các vấn đề liên quan đến cấp mã số vùng trồng.

Trả lời các câu hỏi tại diễn đàn, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc SPS Việt Nam lưu ý các vấn đề liên quan đến cấp mã số vùng trồng.

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong các quy định của WTO và các hiệp định FTA, các nghị định thư đều nêu rõ, không phân biệt, đối xử trong việc phân chia, cấp mã vùng trồng cho các đơn vị khác nhau. Ông Nam cho rằng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp, HTX cần phối hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích và cùng nhìn về lợi ích chung cho cả ngành hàng sầu riêng.

Về vấn đề thuê kho để tập kết nguyên liệu sầu riêng, ông Nam nhìn nhận, hoạt động này có thể dẫn đến nguy cơ chúng ta không đáp ứng đúng quy định của Trung Quốc. “Doanh nghiệp phải đóng gói ở đúng địa điểm đã đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói”, ông Nam nhấn mạnh. Về các hướng dẫn chi tiết, ông Nam đề xuất doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cục BVTV hoặc các Chi cục địa phương.

Về vấn đề thu mua sầu riêng vãng lai như một số câu hỏi phản ánh, đây không thuộc thẩm quyền của Văn phòng SPS Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng hoạt động này có thể nảy sinh vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật.

Theo ông Nam, nếu có sự cố xảy ra, phía Trung Quốc sẽ truy xuất nguồn gốc về nơi đã đăng ký và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, mọi hoạt động cần tuân thủ nghiêm những nội dung trong nghị định thư, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và tính bền vững của chuỗi ngành hàng sầu riêng.

10 giờ 45 phút

Việc phân loại chất lượng là cần thiết

ong pham van duy

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường giải đáp thắc mắc về tiêu chuẩn phân loại sầu riêng.

Liên quan đến câu hỏi của độc giả Vũ Tuấn, việc xếp loại sầu riêng, loại 1, 2, 3 căn cứ vào đâu, có quy định tiêu chuẩn để xếp loại Nhà nước không hay doanh nghiệp, thương lái tự đánh giá cảm tính, tự xếp loại…?

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khẳng định, bất kể sản phẩm gì làm ra đều có chất lượng khác nhau, có sự sai sót, sai số, do đó phải phân loại để định giá thành. Đương nhiên những sản phẩm tự nhiên lại càng có sự khác biệt. Sầu riêng cũng vậy, khác nhau về giống, quy trình sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng…, do đó chắc chắn sẽ có chất lượng khác nhau, vì thế việc phân loại là cần thiết.

Vậy phân loại dựa vào đâu, ông Duy cho hay, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về sầu riêng quả tươi có ký hiệu là TCVN 10739:2015. Tiêu chuẩn quốc gia bao giờ cũng chỉ là tiêu chuẩn, căn cứ để các tổ chức, cá nhân soi vào để áp dụng hoặc có thể xây dựng tiêu chuẩn riêng, gọi là tiêu chuẩn cơ sở. Tất nhiên tiêu chuẩn cơ sở phải theo luật và không được thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.

Ông Duy thông tin thêm, tiêu chuẩn đối với sản phẩm quả sầu riêng tươi căn cứ vào 3 nhóm chính, thứ nhất là hình thái, kích cỡ, các chỉ tiêu cảm quan; thứ hai là yêu cầu về chất lượng tối thiểu, theo từng loại, từng giống; thứ ba là độ phát triển, độ chín và những vấn đề khác.

10 giờ 35 phút

Các doanh nghiệp sầu riêng cần bắt tay thay vì đối đầu

ong nong ngoc trung

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn) kêu gọi các doanh nghiệp sầu riêng bắt tay thay vì đối đầu.

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), doanh nghiệp chuyên về chế biến sâu nông sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết: Để minh bạch việc đưa hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt đối với Trung Quốc, thị trường có nhiều quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm.

Là một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch với phía Trung Quốc trong lĩnh vực nông sản, công ty có liên kết với một số đối tác nước này để xuất khẩu sầu riêng. Ông Trung nhận định Việt Nam đang khá yếu kém về mảng chế biến sầu riêng so với nước bạn Thái Lan. Trong thời gian tới, lĩnh vực này cần tập trung hơn để thúc đẩy xuất khẩu.

Đối với tình hình này, ông Trung cũng nhìn nhận thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, ông Trung cho rằng các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả.

Với tinh thần đó, ông Trung kiến nghị Hiệp hội Sầu riêng kết nối các doanh nghiệp có đủ năng lực, tiềm năng tham gia vào chuỗi sản xuất để đưa sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng vươn xa, từ nhà vườn đến thị trường.

10 giờ 25 phút

Nông dân, HTX, doanh nghiệp không thỏa hiệp với vấn đề tiêu cực

ba thanh thuc

Bà Nguyễn Thị Thành Thực kêu gọi các bên liên quan bớt “bức xúc”, nhịn lại để cùng nhau bảo vệ tài sản, ngành sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Auto Agri nêu thực trạng, khi làm ăn với thị trường Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào thì căn cơ vẫn là tuân thủ quy định pháp luật của thị trường nhập khẩu đó.

Áp lực thị trường, nguồn cung hàng hóa đang tạo tiêu cực trong vấn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Bà Thực cho rằng nông dân, HTX, doanh nghiệp không thỏa hiệp với vấn đề tiêu cực, song trong giai đoạn này nếu làm triệt để, thực hiện theo đúng mong muốn của tất cả mọi người trong ngành sầu riêng thì ngành sẽ ngay lập tức sẽ rất khó khăn, do vậy, bà Thực kêu gọi các bên liên quan bớt “bức xúc”, nhịn lại để cùng nhau bảo vệ tài sản, ngành sầu riêng.

Ngành sầu riêng là ngành yêu cầu nguồn vốn lớn, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư Trung Quốc lại đổ nguồn tiền khổng lồ vào lĩnh vực này do đây là một ngành hàng hot tại thị trường tỷ dân. Từ thực trạng này, bà Thực cho rằng nên để thị trường điều tiết tình hình.

Bên cạnh đó, cần xây dựng ngành chế biến nông sản, trong đó có sầu riêng, chanh leo… để thúc đẩy bảo đảm xuất khẩu bền vững.

10 giờ 15 phút

Thương lái xúi dân phá hợp đồng, bẻ cọc sẽ bị xử lý thế nào?

ba nguyen thi mai hien

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên cho biết, việc phá vỡ hợp đồng sẽ căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để xử lý hoặc theo quy định pháp luật về dân sự, kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) thông tin: Liên quan tới quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có 2 Nghị định: Nghị định 31 năm 2016 và Nghị định 31 năm 2023 xử lý vi phạm hành chính trong quá trình sản xuất, kinh doanh cây trồng… Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy định trong Nghị định 115, 124 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Về câu hỏi thương lái xúi dân phá hợp đồng, bẻ cọc sẽ bị xử lý thế nào? Bà Hiên trả lời: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các chủ thể, nên việc phá vỡ hợp đồng sẽ căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để xử lý hoặc theo quy định pháp luật về dân sự, kinh tế.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hành vi xúi giục, tuy nhiên có thể nghiên cứu áp dụng những quy định tại Nghị định 75 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó quy định nhiều hành vi ép buộc trong kinh doanh.

10 giờ 00 phút

Trong chuỗi liên kết, không có chủ thể nào là quan trọng nhất

ba nguyen thi thai thanh

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, khẳng định: Trong chuỗi liên kết, không có chủ thể nào là quan trọng nhất.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ về vai trò của nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Thanh, nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, quyết định chất lượng, sản lượng nguyên liệu đầu vào…

HTX là đầu mối liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ truyền thông, cung cấp thông tin về khoa học, kỹ thuật, giá cả thị trường để nông dân có thông tin chính xác, từ đó điều chỉnh sản xuất phù hợp…

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc mua sản phẩm từ nông dân hoặc hợp tác xã, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp…

Chuỗi liên kết giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đưa sản phẩm ra thị trường. Trong chuỗi liên kết này, chủ thể nào cũng đóng một vai trò quan trọng nhưng không ai là quan trọng nhất. Do đó, để chuỗi liên kết phát triển bền vững, 3 chủ thể này cần phải phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Bà Thanh cũng cho rằng, hiện nay, trong liên kết cùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh những thuận lợi như điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển thì ngành hàng sầu riêng vẫn đang đối diện với một số khó khăn như: Giao thông không thuận lợi, chi phí logistics cao chiếm 30% chi phí cấu thành giá, chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu, diện tích canh tác còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, chưa có quy trình chuẩn từ cây giống, sản xuất nên chất lượng chưa thực sự ổn định, còn đối phó. Các liên kết giữa doanh nghiệp - nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao.

Về thị trường, giá không ổn định, chưa có chế tài đối với việc kiểm soát giá và chất lượng sản phẩm, chưa có chương trình truyền thông về giá trị sản phẩm và dự báo thị trường, chưa đa dạng thị trường…

Trên cơ sở đó, bà Thanh kiến nghị: về logistics, cần có các cơ chế chính sách để đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi, khuyến khích phát triển các dịch vụ logistics, cảng cạn tại vùng nguyên liệu, tiến hành thành lập cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần sớm thiết lập các điển hình liên kết tiên tiến giữa các doanh nghiệp - nông hộ - HTX về mọi mặt.

9 giờ 50 phút

HTX bức xúc về công tác quản lý mã số vùng trồng

ong nguyen huu chien

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bức xúc về công tác quản lý mã số vùng trồng sầu riêng.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nói “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Vị giám đốc đặt ra 3 vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Ông Chiến cho rằng “Các doanh nghiệp trong nước đang đánh nhau và tự thua trên sân nhà”.

Do các vấn đề trên, nên các thành viên HTX Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn. Cùng với đó, HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng.

“Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Chiến bức xúc.

Thông qua diễn đàn, Giám đốc HTX Tân Lập Đông đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo ông Chiến, có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, doanh nghiệp trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân.

Đặt ra vấn đề, các bên liên quan “có làm hay không làm” trong công tác quản lý mã số vùng trồng, ông Chiến mong muốn cơ quan quản lý, HTX và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn nữa, để thực hiện tốt mảng tiêu thụ sầu riêng, sau khi đã tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

9 giờ 35 phút

Thương lái ép giá, chịu thiệt thòi vẫn là người nông dân

ong le anh trung

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP. HCM) cho biết: Đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (hoạt động chính trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ớt, yến, khoai lang, chanh dây, sầu riêng…) cho biết: Hiện nay, Tập đoàn Vạn Hòa (TP. HCM) đã hoàn thiện hệ thống cơ sở đóng gói tại Đắk Lắk lên đến 30.000m2 với công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn/năm. Những khách hàng của cơ sở này là các chuỗi - hệ thống siêu thị chợ đầu mối lớn nhất Trung Quốc.

Đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hoà đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Nêu thực trạng của ngành hàng sầu riêng tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên, ông Trung cho biết Tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

Ông Trung nhận định, đối với khu vực miền Tây, tình hình không biến động như tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên do người nông dân tại đây có nghề và am hiểu về sầu riêng. Việc liên kết sản xuất ngày xưa chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết song trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15-20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.

Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, 'cò' đất sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi”, ông Trung nêu vấn đề và cho biết trong quá trình Tập đoàn thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong công ty tiếp tục hợp tác, song chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.

Với khó khăn trên, ông Trung nêu một số giải pháp trong thời gian tới. Ông đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền trong liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp.

9 giờ 20 phút

Tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững để phát triển

Nhập chú thích ảnh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau.

Gợi mở hướng thảo luận tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này. Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.

Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.

Bộ trưởng cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.

ma so vung trong1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc.

Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước địa phương là người gần nhất với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất; phải đưa họ vào không gian chung, tổ chức chung để truyền thông, thông tin, thống nhất trong sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường. Các địa phương có thể áp dụng cách tiếp cận mới với người dân thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, Chi cục trồng trọt, BVTV, Hội nông dân, doanh nghiệp… Từ đó, khoanh vùng trồng để quản lý, hướng dẫn cho người dân sản xuất tránh những rủi ro.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán chứ chưa phải tư duy hợp tác. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.

Do đó, tất cả các chủ thể phải có niềm tin và phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa.

9 giờ 10 phút

Tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc

ong Nie

Ông Y Djoang Niê (ảnh), Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Krông Pắc là một huyện miền núi nhưng địa hình tương đối bằng phẳng, phần lớn diện tích đất thuộc nhóm đất Bazan nâu đỏ màu mỡ, thuận lợi trong việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ... Riêng với cây sầu riêng, hiện đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân cũng như các cơ sở, đại lý thu mua sơ chế, đóng gói, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn.

Ông Y Djoang Niê thông tin, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 7.157 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.000 - 3.200 ha (kể cả diện tích thu bói). Tổng sản lượng ước tính 57.000 - 60.000 tấn. Để đảm bảo phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn sản phẩm.

Trong những năm gần đây, huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn như Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) sản xuất hữu cơ; xây dựng, quản lý vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích người dân hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở doanh nghiệp thu mua đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số theo quy định. Đến cuối năm 2022, số diện tích sầu riêng đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện là 653 ha với 594 hộ dân sản xuất.

Tuy nhiên, đi kèm về những lợi thế tốt cũng kèm theo những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu…, có thể dẫn đến tình trạng mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo đó, ông Y Djoang Niê đã đề xuất một số kiến nghị để ngành sầu riêng phát triển hiệu quả, bền vững. Cụ thể, đối với Trung ương, tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng mới đối với các diện tích vùng trồng sầu riêng trên địa bàn huyện đã lập hồ sơ đề nghị Cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương xem xét, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm sầu riêng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc…

Đối với UBND tỉnh, tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn và hỗ trợ huyện thực hiện các giải pháp quản lý, giám sát đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá phát triển thương hiệu sầu riêng Krông Pắc.

Đối với các cơ sở kinh doanh, cần thực hiện tốt công tác hợp tác chặt chẽ giữa các hộ dân trồng sầu riêng và các đơn vị cơ sở kinh doanh đảm bảo thực hiện tốt liên kết sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng theo đúng quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc.

“Về phía người dân, cần nâng cao nhận thức về các quy định an toàn chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, không bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giữ gìn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng…”, ông Y Djoang Niê nói thêm.

8 giờ 50 phút

Đắk Lắk khát giải pháp cho sầu riêng trồng xen

ong vu duc con

Ông Vũ Đức Côn (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện 34 tỉnh trên cả nước đã trồng sầu riêng, trong đó có 3 tỉnh trồng trên 10.000ha. Ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng thử nghiệm loại cây được xem là “vua của các loại quả”. Tính tổng, sản lượng cả nước ước khoảng 900.000 tấn. Đặc biệt, vụ thu hoạch sầu riêng được rải khá đều, từ Nam bộ lên Tây Nguyên, rồi Duyên hải miền Trung.

Về giá, những tháng đầu năm do là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, là chính vụ, giá sầu riêng không biến động nhiều. Đây cũng là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia. “Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn ở mức khá cao”, ông Côn nói.

Sầu riêng được trồng tại 12/15 huyện của Đắk Lắk, với diện tích hơn 28.000ha, tăng hơn 6.000ha so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, diện tích trồng xen của địa phương khá lớn. Diện tích trồng thuần, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, chưa tới 10.000ha.

Một lý do nữa khiến ông Côn lo ngại, là Đắk Lắk mới kinh doanh khoảng một phần ba diện tích sầu riêng. Phó Giám đốc Sở ước tính, nếu toàn bộ diện tích đang phát triển hiện tại cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng của tỉnh sẽ vượt 300.000 tấn, gấp rưỡi hiện nay.

Về việc liên kết, thu mua, Đắk Lắk đang có 3 hình thức chính. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn.

Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa. Nguyên nhân là do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV… chăm sóc cho vườn cây.

Thứ ba, một số đối tượng thương lái, cò vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000-90.000 đồng/kg. Điều nay gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường.

Về tiêu thụ, sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu thông qua hình thức bán quả tươi. Tỷ trọng chế biến thấp. Trên cơ sở đó, ông Côn đề xuất các cơ quan quản lý phát huy hơn nữa vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Nhập chú thích ảnh

Sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu tiêu thụ thông qua hình thức bán quả tươi.

Đồng thời, xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sầu riêng, đảm bảo quyền lợi cho người dân, chủ vườn.

Để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững, ông Côn nhắc lại về vấn đề trồng xen. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen”.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; Tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp mã vùng trồng từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

8 giờ 40 phút

'Đồng sức, đồng lòng’ để đưa trái sầu đi xa

z4682105435385_3da0c4fd674ab9df324dbbfc5cbd6f94

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương kêu gọi mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên, phát triển ngành hàng sầu riêng.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin, đến nay cả nước có hơn 112 ngàn ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25% trong 5 năm gần đây, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 ngàn tấn; trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên hơn 52 ngàn ha (khoảng 47%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33 ngàn ha (khoảng 30%), Vùng Đông Nam bộ 21 ngàn ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23 ngàn ha, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200 ngàn tấn.

Hai năm qua, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh, đối mặt với những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do tăng trưởng nóng.

“Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần 'đi cùng nhau' trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng”, ông Dương kêu gọi.

z4680670215181_b2d06fdfc665da0027b16aaa77704508

Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó (Ảnh minh họa).

Đại diện Sở NN-PTNT đề xuất diễn đàn thảo luận các vấn đề xoay quanh các nội dung như thống nhất quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu về xây dựng liên kết lâu dài, bền chặt, tạo niềm tin, cùng đồng hành; lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ. Xây dựng ngành hàng chất lượng, minh bạch, trách nhiệm; Tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực của thị trường, của đối tác…

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của các cấp, các ngành, của Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.

Ông cũng mong muốn diễn đàn sẽ có những đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp hữu hiệu để tận dụng, phát huy có hiệu quả tiềm năng, cơ hội và giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn phát sinh trong thực tiễn.

8 giờ 30 phút

Niềm tin 'sầu riêng' sẽ luôn mang đến 'niềm vui chung'

DSC_7435

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch tin tưởng "sầu riêng" sẽ luôn mang đến "niềm vui chung".

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch dẫn lại thông tin cách đây đúng 1 năm, trong bài viết “Câu chuyện sầu riêng” của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân sự kiện lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngoài chia vui với bà con nông dân, hợp tác xã, Bộ trưởng cũng đưa ra những cảnh báo: Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành “trái đắng”.

Tròn 1 năm sau, “sầu riêng” đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỉ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỉ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cảnh báo 1 năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”.

z4680653379146_05b0736fa0e10dd9f8ff8ca38eeb9182

7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỉ USD.

Thực tế, trong thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trực tiếp là sự quan tâm sát sao của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cơ quan Thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ trì phối hợp Sở NN-PTNT Đắk Lắk, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và Giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.

Mục tiêu của Diễn đàn là các cơ quan cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà vườn, các hợp tác xã, thương lái cùng “ngồi với nhau”, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng. Từ đó, cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật, hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Ông Thạch tin rằng, với phương châm “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, “sầu riêng” sẽ luôn mang đến “niềm vui chung” và tự hào viết tiếp câu chuyện: “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” như kỳ vọng của người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.