Giá sầu riêng tại Đắk Lắk đang xuống thấp sau thời gian đạt đỉnh. Hiện nay, giá tại vườn đang ở quanh mức 75.000 đồng/kg, so với trước đây từ 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Lý giải về điều này, một thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc cho biết, vào thời điểm đầu mùa, các thương lái chốt giá sầu riêng tại vườn trên 90.000 đồng/kg và đã cắt được một đợt. Tuy nhiên, hiện nay, do giá sầu riêng trên thị trường đã giảm nên thương lái chỉ có thể mua với giá 70.000 - 75.000 đồng/kg.
“Sầu riêng đang vào chính vụ nên sản lượng mỗi ngày khá cao. Điều này khiến giá bắt đầu giảm so với đầu vụ. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của mặt hàng này cũng giảm so với đầu mùa. Chính vì vậy, đơn vị thu mua không cắt ồ ạt mà theo đơn hàng. Hiện các nhà vườn đang hối thương lái cắt, tuy nhiên các vựa cũng đang tạm ngưng”, thương lái này nói.
Ông Lâm Nhật Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa cho biết, vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, doanh nghiệp cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
“Để duy trì cam kết và đảm bảo uy tín với các khách hàng, Tập đoàn Vạn Hòa thậm chí phải chấp nhận bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm thì sẽ càng thua lỗ. Do đó, việc duy trì cam kết với các đối tác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và trong tương lai, doanh nghiệp sẽ không thể bao tiêu sản phẩm cho người nông dân”, ông Dân nói.
Ông Dân cho biết thêm, trong thời gian tới, doanh nghiệp hy vọng các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng.
“Khi nông dân biết giá trị thực của quả sầu riêng thì mới ổn định giá cả, giúp cho doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững, lâu dài”, ông Dân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, do giá sầu riêng tăng cao nên đến thời điểm này, doanh nghiệp mới hoạt động 40% công suất.
Theo ông Huy, giá nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam hiện nay đang cao hơn giá thu mua tại các chợ bên phía Trung Quốc. Do đo, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
“Giá nguyên liệu cao nên các doanh nghiệp khi đóng hàng xuất khẩu sẽ lỗ. Hiện nay, tại Đắk Lắk có khoảng 50% các doanh nghiệp đóng cửa không hoạt động”, ông Huy chia sẻ.
Từ 8h00-11h45 ngày 11/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức cùng Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Sở NN-PTNT Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.
Dự kiến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham dự và phát biểu tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Địa điểm: Trực tiếp tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, số 1 - 3 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và trực tuyến tới khoảng 1.000 điểm cầu trong cả nước.
Thành phần tham dự: Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT: Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Cục Trồng trọt; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... Đại diện Sở NN-PTNT các địa phương có vùng trồng sầu riêng. Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Quý vị có thể tham dự diễn đàn trực tuyến qua Zoom ID: 921 5055 3574; Mật mã: 230911