| Hotline: 0983.970.780

Đặc sắc sầu riêng Khánh Sơn

Hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu

Thứ Hai 11/09/2023 , 05:55 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Cùng với sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng, sầu riêng Khánh Sơn đang thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư vào chế biến sâu, xuất khẩu.

Biến sầu riêng tươi thành nhiều sản phẩm

Trước đây trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), sầu riêng chủ yếu tiêu thụ quả tươi. Do thời vụ thu hoạch sầu riêng ngắn, chỉ hơn 1 tháng nên nhiều lúc gây khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Trước thực trạng đó, việc đưa ra những giải pháp để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, chủ động được trong việc tiêu thụ, nâng cao chất lượng sầu riêng là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Sầu riêng sau khi ủ chín được mang đi khui múi và đưa vào kho cấp đông nhanh với nhiệt độ âm 48 độ C. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng sau khi ủ chín được mang đi khui múi và đưa vào kho cấp đông nhanh với nhiệt độ âm 48 độ C. Ảnh: Kim Sơ

Bài liên quan

Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (gọi tắt là Công ty Thành Hưng) ở xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp ở huyện này, trong đó có sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Công ty Thành Hưng cho biết, với niềm đam mê sầu riêng, Công ty đã biến sầu riêng tươi thành nhiều sản phẩm như: Sầu riêng cấp đông nguyên trái, sầu riêng sấy khô và kem sầu riêng. Từ đó không chỉ giúp nâng cao giá trị cho quả sầu riêng mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Bài liên quan

Công ty Thành Hưng đã đầu tư, xây dựng kho cấp đông để lưu trữ và bảo quản sầu riêng với số lượng lớn nhằm cung ứng ra thị trường trong thời gian dài nhưng vẫn giữ nguyên độ tươi ngon. Điều này đã phát huy hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 khi xuất khẩu sầu riêng bị đình trệ, thị trường trong nước thương lái cũng không đến mua được. Mặt khác, nhận thấy sản phẩm sầu riêng sấy khô của Thái Lan được thị trường ưa chuộng, Công ty này đã tìm hiểu công nghệ và mua máy sấy về sấy sầu riêng.

Về quy trình bảo quản và chế biến sầu riêng, theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, sầu riêng sau khi thu hoạch được rửa sạch nấm mốc và bụi bẩn trên quả, sau đó được đưa vào kho mát để ủ cho chín. Sầu riêng sau khi chín được mang đi khui múi và đưa vào kho cấp đông nhanh với nhiệt độ âm 48 độ C giúp cho sầu riêng không bị biến chất.

Sầu riêng được áp dụng công nghệ sấy thăng hoa, giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, màu vàng tươi tự nhiên cùng hương vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng được áp dụng công nghệ sấy thăng hoa, giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, màu vàng tươi tự nhiên cùng hương vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng sấy khô được Công ty áp dụng cộng nghệ sấy thăng hoa giúp giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, màu vàng tươi tự nhiên cùng hương vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng. Hơn nữa, thời hạn bảo quản của sầu riêng cũng được dài hơn, có thể mang đi tiêu thụ bất cứ nơi đâu.

“Trung bình 450gram sầu riêng tươi thu được 100gram sấy khô. Hiện nay sản phẩm sầu riêng sấy khô của Công ty được tiêu thụ tại một số siêu thị ở Đà Nẵng, Hà Nội và các cửa hàng thực phẩm”, bà Hằng chia sẻ và cho biết thêm, đến nay, sản phẩm sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông và sầu riêng sấy khô của Công ty Thành Hưng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Năm nay, Công ty tiếp tục đưa sản phẩm kem sầu riêng và sữa chua sầu riêng đi dự thi, nâng cấp sao OCOP.

Hiện Công ty Thành Hưng có hơn 50ha sầu riêng, trong đó khoảng 22ha đã được cấp mã số vùng trồng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đang tiến tới trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Hiện nay, vườn cây chỉ bón phân hữu cơ vi sinh gồm đạm cá, phân gà và phân bò ủ hoai mục.

Toàn bộ vườn không bao giờ phun thuốc diệt cỏ mà để mọc tự nhiên, chỉ sau vụ thu hoạch mới tiến hành dùng máy cắt cỏ. Về phòng trừ sâu bệnh gây hại, Công ty sử dụng các chế phẩm sinh học.

Công ty Thành Hưng có hơn 50ha sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ, trong đó khoảng 22ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Sơ

Công ty Thành Hưng có hơn 50ha sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ, trong đó khoảng 22ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Sơ

Vườn sầu riêng của Công ty được thiết kế ngay hàng thẳng lối, cây cách cây khoảng 6 mét và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm hiện đại. Những diện tích sầu riêng trồng ở nơi đất bằng phẳng được Công ty đào rãnh để giải quyết vấn đề ngập úng vào mùa mưa, đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh gây hại và chống xói mòn, giữ độ phì cho đất. Chính vì vậy, những diện tích sầu riêng từ năm thứ 7 đến năm thứ 10 của Công ty cho năng suất khá cao, trung bình khoảng 20 tấn/ha.

“Năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi của Công ty đạt 400 tấn, trong đó 300 tấn được Công ty bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 90.000 đồng/kg. Số còn lại được Công ty dùng làm nguyên liệu chế biến để cung ứng cho thị trường quanh năm. Ngoài ra, Công ty còn thu mua thêm sầu riêng của các hộ dân địa phương trong huyện để phục vụ chế biến”, bà Hằng chia sẻ.

Liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng

Để phát triển sầu riêng hiệu quả và bền vững, ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, nhất là bảo đảm nguồn nước tưới. Đồng thời, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đăng ký mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Huyện Khánh Sơn đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa sản xuất sầu riêng vào quy củ theo hướng hữu cơ, VietGAP, gắn với cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Sơ

Huyện Khánh Sơn đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa sản xuất sầu riêng vào quy củ theo hướng hữu cơ, VietGAP, gắn với cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Sơ

Tại Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) hiện có 15 thành viên với diện tích 32ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018. Toàn bộ diện tích này đã được cấp mã số vùng trồng. Ông Lê Anh Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình cho biết, hiện nay, Tổ hợp tác đã ủy quyền mã số vùng trồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Tập đoàn Chánh Thu) để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Vụ sầu riêng năm nay, Tổ hợp tác cung cấp hơn 600 tấn sầu riêng cho Tập đoàn Chánh Thu với giá bán dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg. 

Ông Lê Anh Quang đánh giá, Tập đoàn Chánh Thu thu mua đúng giá theo thị trường và cam kết theo đúng hợp đồng. Do đó, nhiều bà con trong Tổ hợp tác tin tưởng rằng, việc liên kết chuỗi sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, giúp đầu ra sản phẩm ổn định, bà con an tâm hơn để sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, đến nay, toàn huyện có 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 200ha đã được cấp. Ngoài ra, hàng chục hồ sơ đã gửi đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng nhằm đảm bảo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Huyện Khánh Sơn có 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 200ha đã được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phương Chi

Huyện Khánh Sơn có 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 200ha đã được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phương Chi

Để duy trì các mã số vùng trồng, thời gian qua huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất sầu riêng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), cũng như vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, toàn huyện hiện có 450ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, cây sầu riêng đã giúp nhiều bà con trên địa bàn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Hiện có những nhà vườn lớn thu trên 10 tỷ đồng/năm.

“Có thể nói nhờ cây sầu riêng mà kinh tế bà con trên địa bàn huyện được nâng lên, nhiều hộ đã trở thành khá, giàu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, giúp xóa đói giảm nghèo, hướng tới năm 2025 huyện thoát nghèo”, ông Đông nói.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.