| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi cá ngừ còn điểm nghẽn

Thứ Năm 04/07/2019 , 09:05 (GMT+7)

Trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản của Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cá ngừ đại dương (CNĐD) được xem là sản phẩm thủy sản chủ lực.

15-18-11_1
Ngư dân vận hành thiết bị câu cá ngừ do Nhật chuyển giao.

Để nghề đánh bắt CNDD phát triển bền vững, tỉnh Bình Định thực hiện thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tuy đã phát huy hiệu quả, nhưng chuỗi cá ngừ cũng đã bộc lộ điểm bất cập.

Trong vòng 5 năm qua, nghề đánh bắt CNĐD ở Bình Định phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2014 tỉnh này chỉ có 1.522 tàu cá chuyên khai thác cá ngừ thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên đến 2.134 chiếc. Kích thước tàu đánh bắt CNĐD cũng ngày càng tăng và vật liệu đóng tàu cũng ngày càng hiện đại hơn.

Cách đây 5 năm, tàu đánh bắt CNĐD ở Bình Định chỉ là tàu vỏ gỗ, có chiều dài dưới 24m thì hiện đã có 34 tàu có chiều dài hơn 24m, 18 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ composite.

Trước năm 2011, ngư dân Bình Định đánh bắt CNĐD chủ yếu bằng nghề câu vàng. Từ năm 2012, ngư dân chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng. Nghề này cho năng suất đánh bắt cao, thời gian đi biển ngắn, sản lượng trung bình đạt từ 1,2 - 2 tấn/chuyến biển, thời gian khai thác quanh năm, nên hầu hết ngư dân đã chuyển hết sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng.

Số lượng tàu làm nghề câu tay kết hợp ánh sáng tính đến nay là 1.337 tàu, chỉ còn 14 tàu câu vàng. Nghề lưới vây khai thác cá ngừ cũng là thế mạnh của Bình Định với 726 tàu khai thác vùng khơi.

Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện 3 mô hình liên kết theo chuỗi: Chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật; chuỗi khai thác, tiêu thụ của các tàu vây cá ngừ và chuỗi liên kết giữa chủ tàu khai thác với doanh nghiệp chế biến.

Bước đột phá của nghề đánh bắt CNĐD là ngư dân được chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và XK CNĐD. Ngư dân đã biết vận hành thiết bị, công nghệ Nhật và ứng dụng vào SX, nhờ vậy mỗi tàu đánh bắt CNĐD giảm được 1 lao động, chất lượng cá ngừ được nâng cao và tăng hiệu quả SX.

Về chuỗi khai thác, tiêu thụ của các tàu vây cá ngừ có đội tàu 14 chiếc của lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) tham gia. Trong nhóm tàu này có sự liên kết giữa các tàu với nhau từ khai thác, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Chủ đội tàu khuyến khích thuyền viên góp vốn vào tàu mình đang đi và cùng chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn. Thu nhập các thành viên trong đội tàu phụ thuộc vào kết quả khai thác của tàu mình và có sự dung hòa thu nhập của cả đội tàu...

15-18-11_2
Cá ngừ đại dương Bình Định XK sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, Bình Định còn thực hiện chuỗi liên kết giữa Cty TNHH Thịnh Hưng (Khánh Hòa) với 160 chủ tàu khai thác CNĐD ở huyện Hoài Nhơn thông qua 2 cơ sở thu mua Hải Hà và Quốc Thu; chuỗi liên kết giữa Cty Hồng Ngọc và Phúc Hưng (Phú Yên) cam kết thu mua CNĐD với hơn 400 tàu của ngư dân Bình Định, thông qua các đại lý.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, sau khi thực hiện các chuỗi nói trên, nghề đánh bắt CNĐD đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng đã bộc lộ những bất cập.

Ví như liên kết khai thác, tiêu thụ của các tàu vây cá ngừ tuy có kết quả tốt nhưng rất khó nhân rộng, bởi để thực hiện mô hình này đòi hỏi người “cầm chịch” phải góp vốn lớn và có uy tín với các thuyền viên, có năng lực trong việc điều hành toàn bộ hoạt động của đội tàu.

Hoặc mô hình liên kết giữa các Cty và ngư dân, tuy các chủ tàu có cam kết bán hàng cho các đại lý vệ tinh của các Cty, nhưng không có hợp đồng mua bán ràng buộc. Vậy nên nếu giá thu mua của các cơ sở khác cao hơn giá của các đại lý của Cty thì ngư dân sẽ bán ra ngoài, vì vậy chuỗi này chưa có sự liên kết chặt chẽ.

“Việc xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề CNĐD có vai trò quan trọng, nhưng do thiếu lực nên Bình Định chưa thực hiện được, trong đó khi chưa có chính sách xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ địa phương kêu gọi vốn ODA hoặc có cơ chế chính sách để xã hội hóa việc xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ và cơ sở dịch vụ hậu cần”, ông Trần Văn Phúc.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.