| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi liên kết - ‘đầu tàu’ tạo lực kéo cho nông nghiệp Hà Nội

Thứ Bảy 27/11/2021 , 12:13 (GMT+7)

Để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, mất an toàn thực phẩm và bảo đảm “đầu ra”, thời gian gần đây Hà Nội đã đẩy mạnh chuỗi liên kết.

Ngày 11/5/2021 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2085 về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025.

Những mục tiêu của kế hoạch này gồm: 100% liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code; 100% các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật sản xuất cũng như năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến, hiện đại, tạo giá trị gia tăng cho liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

Dán tem cho trứng gà cà gai leo. Ảnh: NNVN.

Dán tem cho trứng gà cà gai leo. Ảnh: NNVN.

Theo ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cách làm nông nghiệp đơn lẻ, rời rạc từng khâu hiện nay khó cạnh tranh trên thị trường nên phải có chuỗi liên kết từ sản xuất - tiêu thụ nông sản. Tính đến hết quý III năm 2021, thành phố đã có 141 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ có chuỗi liên kết mà nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia vào có gia tăng giá trị kinh tế 15 - 20%, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhờ có chuỗi liên kết mà người tiêu dùng cũng được đảm bảo an toàn chất lượng nông sản, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.

Nhờ có chuỗi liên kết mà trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều công đoạn của sản xuất thông thường bị đứt gãy thì vẫn kết nối,  ổn định được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho hàng chục triệu người dân của Thủ đô.

Hà Nội đã tập trung rà soát các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Đối với các doanh nghiệp, đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến... nhằm nâng cao khả năng phân phối. Đối với các HTX, đã hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng.

Sản phẩm trứng của Tiên Viên. Ảnh:NNVN.

Sản phẩm trứng của Tiên Viên. Ảnh:NNVN.

Trong trồng trọt xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất với hệ thống nhà kính sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chế biến thành dược liệu kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; HTX Rau quả sạch Chúc Sơn với 10 ha canh tác tại huyện Chương Mỹ ứng dụng công nghệ viễn thám để dự báo thời tiết, sâu bệnh, dùng công nghệ thông tin cho các khâu trồng, chăm sóc, công nghệ tự động cho in nhãn mác, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất;

Mô hình sản xuất nấm trong nhà lạnh theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại huyện Mỹ Đức với tổng vốn đầu tư trên 60 tỉ đồng, năng suất đạt 2-3tấn/ngày, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng.

Trứng mới ra đời. Ảnh: NNVN.

Trứng mới ra đời. Ảnh: NNVN.

Trong chăn nuôi xuất hiện 59 chuỗi có nguồn gốc động vật tiêu biểu  như: HTX Hoàng Long với chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm A - Z, quy mô chăn nuôi 500 lợn nái và 5.000 lợn thịt, phong phú về chủng loại từ thịt mát đến các sản phẩm chế biến giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua... tạo việc làm cho hơn 40 lao động. Mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt mát và 0,5 tấn sản phẩm chế biến cho 5 cửa hàng ngoài nội thành, 30 nhà trẻ, mẫu giáo tại trong huyện.

Chuỗi trứng gà Tiên Viên, sản lượng 50.000-80.000 quả trứng/ngày, yất cả sản phẩm khi xuất xưởng đều có thời hạn sử dụng rõ ràng, có mã QR code tiện để truy xuất. Nhờ đảm bảo chất lượng, minh bạch về nguồn gốc nên vừa rồi thành phố đã cấp chứng nhận OCOP 4 sao cho trứng gà ta Tiên Viên, trứng gà quê Tiên Viên, trứng gà Tiên Viên và trứng cút Tiên Viên. Ngoài ra còn có chuỗi thực phẩm Organic Green, thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, sữa Vinh Nga…

Chính những chuỗi này đang đóng vai trò “đầu tàu” để thúc đẩy sản xuất của các nông hộ, trang trại, HTX. Một phần nhờ đó mà thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 của Hà Nội đã đạt 55 triệu đồng/năm với những đơn vị top đầu như Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.