| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm của toàn xã hội

Thứ Năm 09/01/2020 , 09:06 (GMT+7)

Đó là nhận định của Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sau gần 2 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Lan tỏa mạnh mẽ

Ngày 8/1, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện chương trình OCOP năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

15-07-23_2
Toàn cảnh hội nghị đánh giá thực hiện chương trình OCOP.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu. Chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, được sự ủng hộ của xã hội và chính quyền các cấp. Qua đó mang đến động lực tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai đề án/kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, có 37 tỉnh phê duyệt đề án, 19 tỉnh ban hành kế hoạch, 5 tỉnh ban hành cả đề án và kế hoạch.

Nhiều tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Nhiều địa phương, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo (Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu). Các tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện chương trình OCOP cho ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh.

Một loạt các tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bến Tre… đã nhanh chóng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai chương trình OCOP.

Ông Thắng đánh giá, các địa phương sau khi cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đã nghiêm túc thực hiện việc cấp quyền sử dụng, quản lý nhãn hiệu, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để đạt được những kết quả kể trên, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, đào tạo tập huấn cán bộ tham gia chương trình.

Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức và chủ đề phong phú, với hàng nghìn tin bài, ảnh phóng sự, hình ảnh, video được thực hiện trên các trang báo, báo mạng, website, truyền hình ở địa phương, Trung ương. Nhiều kênh truyền hình và các báo lớn của Trung ương, địa phương đều mở chuyên đề, chuyên mục riêng về OCOP giúp thông tin lan tỏa cả nước.

Cũng theo ông Thắng, hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ chương trình OCOP diễn ra sôi nổi khắp cả nước, từ Trung ương đến địa phương. Ngoài hội chợ OCOP quốc tế, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức, phối hợp tổ chức 6 hội chợ, triển lãm cấp vùng.

Đồng thời, kết nối, phối hợp với Tập đoàn Central Group và một số tỉnh tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Tổ chức thí điểm Hội chợ OCOP và quảng bá đặc sắc văn hóa ẩm thực tại tuyến phố đi bộ của Thủ đô Hà Nội.
 

Làm chậm mà chắc

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tốc độ triển khai chương trình tại các địa phương còn chậm so với kế hoạch. Hệ thống tổ chức thực hiện chương trình từ Trung ương đến cấp tỉnh còn thiếu về số lượng, nhất là ở cấp tỉnh. Việc kiêm nhiệm nhiều ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo điều hành, triển khai.

Khi chương trình triển khai trên diện rộng, cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trong đó, nổi bật là việc triển khai, tuân thủ chu trình OCOP còn lúng túng, chưa chặt chẽ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, chương trình đã thực sự nhận được quan tâm của toàn xã hội. “Tôi đi bất kỳ địa phương, vùng miền nào, hội nghị nào, người dân hay lãnh đạo ở đó đều nói về OCOP. Nhiều tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới huyện, xã để triển khai chương trình. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ”, Thứ trưởng Nam chia sẻ.

15-07-23_1
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Đối với 2 tỉnh chưa ban hành kế hoạch triển khai, Thứ trưởng Nam cho rằng, đây là chương trình chiến lược, mang tính chất lâu dài nên không cần phải thúc ép thực hiện. Các địa phương cần học hỏi lẫn nhau, làm có thể chậm nhưng phải chắc, không ào ào chạy theo số lượng để rồi hỏng việc.

Năm 2020, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương cần huy động nhiều hơn nữa sức mạnh của cộng đồng để thực hiện chương trình này. Các tỉnh cần nghiên cứu các vùng nguyên liệu sản xuất, giúp các sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn. Về cấp Trung ương, năm 2020, Bộ NN-PTNT cũng sẽ sớm hoàn thiện, chuẩn hóa bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình cho cả 63 tỉnh, thành.

Tính đến nay, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm, vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 2.218 sản phẩm, nhóm đồ uống có 397 sản phẩm, nhóm thảo dược có 264 sản phẩm…

Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử (BigC, Vinmart, VNPost… ) ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.