| Hotline: 0983.970.780

OCOP - Chất xúc tác nâng tầm đặc sản nông thôn xứ Nghệ

Thứ Năm 19/12/2019 , 09:36 (GMT+7)

Nghệ An không thiếu những sản phẩm đặc trưng, nhưng vì nhiều nguyên do nên thương hiệu chưa thể bay xa được như kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển.

Nhu cầu cấp thiết

Thông qua các chương trình, đề án, thời gian qua chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn Nghệ An đã tập trung mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống có lợi thế để cải thiện nguồn thu, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống.

Rượu men lá Con Cuông.

Chi tiết hơn, huyện Anh Sơn chủ trương hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chè gay; thị xã Thái Hòa hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể tinh bột nghệ; huyện Con Cuông xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rượu men lá, nhãn hiệu tập thể cam, làng nghề mây, tre đan...

Qua thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu cho hàng chục sản phẩm tiềm năng, bao gồm 22 nhãn hiệu tập thể, 9 nhãn hiệu chứng nhận, trên 10 nhãn hiệu hàng hóa truyền thống, đặc sản địa phương. Đáng nói, một số sản phẩm sau khi được chức thực về mặt chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc nhanh chóng tạo ra sức cạnh trạnh, nổi bật phải kể đến gà Thanh Chương, trà hoa vàng Quế Phong, trám đen Thanh Chương, rượu men lá Con Cuông...

Thành quả là điều không phủ nhận nhưng chừng đó là quá ít ỏi với một địa bàn giàu tiềm năng và lắm lợi thế như Nghệ An. Nhìn nhận dưới góc độ khách quan, địa phương cơ bản chưa có chuỗi sản phẩm đặc sản như kỳ vọng, thị trường tiêu thụ nhìn chung còn bó hẹp, riêng việc phục vụ nhu cầu xuất khẩu gần như đang ở con số không. 

Qua phân tích, đánh giá có nhiều rào cản khiến sản phẩm đặc trưng xứ Nghệ chưa thể cất cánh: kỹ năng quảng bá; nguồn nguyên liệu thiếu ổn định; chưa chủ động về an ATVSTP; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để cải tiến dây chuyền sản xuất; khách hàng khó phân biệt được sản phẩm thật, giả; nguy cơ dần mai một bản sắc văn hóa…

Huyện Anh Sơn chủ trương hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chè gay.

Trong bối cảnh đó, Chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm ra đời được kỳ vọng sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để các bên liên quan (nhà nông, doanh nghiệp, HTX, chính quyền) cùng nhau sớm tháo gỡ những nút thắt.
 

Hồ hởi

Ý thức được lợi thế sẵn có, những năm qua xã Kim Liên (Nam Đàn) đã chủ động mở rộng quy trồng sen trên những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng. Ngoài mục đích tạo cảnh quan thiên nhiên, mục tiêu quan trọng không kém là nâng cao giá trị kinh tế từ mặt hàng này.

Qua tìm hiểu, năm 2018 HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chăm sóc, chế biến, cung ứng các giống sen với sự đa dạng đến từ hệ thống sản phẩm (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; hương sen…)

Để phục vụ quá trình kinh doanh, sản xuất, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến. Các sản phẩm làm ra được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác đầy đủ. Đánh giá khách quan, mặc dù được thị trường đón nhận khá tích cực nhưng để phát triển lớn mạnh theo hướng hàng hóa là điều HTX chưa thể cáng đáng.

Hưởng lợi từ chương trình OCOP, HTX Sen quê Bác có đến 5 sản phẩm chủ lực được lựa chọn để tham gia, bao gồm 2 mặt hàng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen: “Dẫu biết kỳ vọng đi kèm với thách thức nhưng chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn để tạo ra bước đột phá trong thời gian tới”, anh Phan Kim Tiến, thành viên HTX chia sẻ.

Nhìn chung OCOP bước đầu đã tạo nên không khí hồ hởi ở khắp các huyện, thị, từ miền biển đến đồng bằng trung du, lên tận vùng cao tất thảy đều hân hoan đón nhận.

Cam của xã Tân Phú là 1 trong 4 sản phẩm được huyện Tân Kỳ lựa chọn tham gia OCOP.

Tân Kỳ là huyện miền núi với 38.000 ha đất lâm nghiệp cùng hệ thống núi đá đặc trưng được đánh giá phù hợp để phát triển mô hình chăn nuôi dê thương phẩm. Ghi nhận toàn huyện có tổng đàn hơn 30.000 con. 

Năm 2018, Cục Sở hữu Trí Tuệ đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Dê Tân Kỳ”. Hưởng ứng chương trình OCOP, huyện xác định đây là giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, qua đó tạo động lực thúc đẩy xây dựng NTM.

Không riêng gì sản phẩm này, huyện Tân Kỳ đã rốt ráo chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để đánh giá, lựa chọn sản phẩm đồng hành. Từ cơ sở thực tế, 4 sản phẩm gồm cam của xã Tân Phú, trứng gà của xã Nghĩa Hoàn, mật mía ở xã Tân Hương và mật ong ở xã Nghĩa Bình được “chọn mặt gửi vàng”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.