Hiện Quảng Ninh có 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và được phân bố đồng đều giữa các địa phương, một phần ba các điểm bán hàng OCOP được địa phương hỗ trợ từ ngân sách, còn lại đều do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm từng bước được đầu tư khang trang, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh thu hút người tiêu dùng |
Là khách hàng quen thuộc tại điểm bán hàng OCOP, bà Nguyễn Thị Thu, phường Hà Trung, TP Hạ Long, thường đến lựa chọn sản phẩm được chế biến sẵn như ruốc hàu, giò lợn móng cái, thịt gà Tiên Yên để sử dụng, bà Thu cho biết: Vì điểm bán hàng nằm bên cạnh siêu thị BigC nên thay vì lựa chọn những sản phẩm có trong siêu thị, tôi lựa chọn gian hàng OCOP để mua những sản phẩm cần để sử dụng hàng ngày.
“Đến đây tôi không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa, hơn nữa giá cả phải chăng, không quá đắt đỏ, nên tôi hài lòng khi sử dụng và ủng hộ những sản phẩm của địa phương. Đặc biệt tại đây, những sản phẩm chế biến sẵn có hương vị truyền thống, phù hợp với gia đình tôi và được cửa hàng nhập hàng ngày, nên tôi không lo sử dụng những sản phẩm có chất bảo quản, ảnh hưởng tới sức khỏe”, bà Thu cho hay.
Anh Ngô Huy Hoàng, quản lý cửa hàng cho biết: Một ngày, trung bình có hơn 50 lượt khách đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng, trung bình có khoảng 30 đơn hàng được bán ra trong ngày, doanh thu tính đến ngày 24/12/2019 đạt gần 5 tỷ đồng.Tại TP Hạ Long, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP với khuôn viên sạch sẽ nằm cạnh siêu thị BigC được đánh giá là một trong những điểm hoạt động hiệu quả, góp phần quảng bá nông sản địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Được thành lập từ tháng 4/2017 đến nay, hoạt động thương mại luôn được duy trì ổn định góp phần tạo nên tên tuổi cho các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Được biết, các sản phẩm bày bán tại kênh thương mại luôn là những sản phẩm được phân hạng đánh giá sao trước khi đưa đến bày bán tại cửa hàng, đồng nghĩa những sản phẩm này hoàn toàn được kiểm định rõ ràng trước khi được đưa đến tay người tiêu dùng. Việc làm này được coi là phương thức đảm bảo, kết nối người tiêu dùng trong nhận diện chất lượng từng loại sản phẩm OCOP.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại BigC Hạ Long |
Ngoài ra, Ban Xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng luôn tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở, HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong năm 2019, tổ công tác liên ngành đã tích cực kiểm tra các cơ sở sản xuất của 14 huyện, thị xã, thành phố và phát hiện, yêu cầu các cơ sở sản xuất khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là điều kiện sản xuất đảm bảo vệ sinh đối với 6 sản phẩm (rượu gạo Đông Triều, rau mầm Song Hành; rượu bâu men lá Hoành Bồ; nước uống đóng chai Quang Hanh; măng mai khô Ba Chẽ, trà linh chi).
Đồng thời, kiến nghị không cấp lại sao và đưa ra khỏi chương trình 2 sản phẩm do đã dừng sản xuất (chanh đào mật ong Le'Honey; trà vối Bình Liêu), đưa ra khỏi chương trình 65 sản phẩm (chưa đạt sao) do khó khăn phát triển. Đa số sản phẩm đề nghị đưa ra khỏi chương trình đều tham gia OCOP từ những năm đầu (2013, 2014) nên không có sự thẩm định, không có quyết định chấp thuận của tỉnh, một số sản phẩm không đảm bảo các điều kiện để hoàn thiện phát triển. Quá trình đào thải này được coi là một bước tiến rõ rệt về chất lượng chung cho các sản phẩm OCOP ở địa phương.
Theo Ông Đinh Bá Trinh, Trưởng phòng nghiệp vụ OCOP Quảng Ninh: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đang tiến hành rà soát, đánh giá xây dựng bộ tiêu chí nhận diện trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Mặt khác, phán đoán nhu cầu thị trường, thay đổi cách thức vận chuyển để luân phiên sử dụng tất cả các sản phẩm OCOP trong tỉnh được bày bán tại trung tâm, cửa hàng OCOP. Ngoài ra, các sản phẩm bày bán phải được kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trước khi được đưa lên kệ các cửa hàng, đơn vị phân phối bán lẻ”.