| Hotline: 0983.970.780

Chút tình gửi theo 'Hoa rơi hữu ý'

Thứ Hai 19/06/2017 , 08:31 (GMT+7)

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn là một cây bút quen thuộc của báo NNVN. Ngoài lĩnh vực truyền thông, anh còn hoạt động sáng tác và nghiên cứu văn học. NXB Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành cuốn phê bình “Hoa rơi hữu ý” của Lê Thiếu Nhơn đúng dịp 21/6 năm nay.

14-41-59_bi_sch
Cuốn phê bình “Hoa rơi hữu ý” của Lê Thiếu Nhơn

Phê bình thơ là một thể loại không đơn giản, rất kén người đọc và càng kén người viết. Thế nhưng, sau tập phê bình “Thi ca nết đất” in năm 2011, Lê Thiếu Nhơn vẫn kiên trì và tận tụy đọc thơ của các đồng nghiệp mình một cách nghiêm túc.

Trong lời mở đầu “Hoa rơi hữu ý”, tác giả xác định: “Xã hội càng tiến bộ, thơ càng được in ồ ạt. Tín hiệu ấy đáng mừng chứ không phải đáng lo, bởi ai cũng được bày tỏ niềm riêng, ai cũng được dự phần sáng tạo. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho độc giả, đòi hỏi phải chọn lọc hơn, đòi hỏi phải tinh tế hơn. Trước bao nhiêu vần điệu du dương một cách thỏa mãn, người đọc lương thiện sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều sự thật ê chề và nhiều trắc ẩn chênh vênh bị xua đuổi khỏi những trang thơ tán tụng đong đưa. Quá trình đô thị hóa hối hả, nhiệm vụ nặng nề của thi ca là níu giữ dùm cộng đồng chút giá trị ít ỏi của những vẻ đẹp thoáng qua như những nỗi mơ mộng hắt hiu”.

“Hoa rơi hữu ý” viết về 22 gương mặt nhà thơ Việt Nam, trong đó có những người đã khuất như Văn Cao, Phùng Cung, Đông Hồ, Hữu Loan, Chim Trắng… và cũng có những người đang thăng hoa trên văn đàn như Dư Thị Hoàn, Thanh Tùng, Lê Thành Nghị, Y Phương, Trần Thị Huyền Trang…

Đặc biệt, trong cuốn sách, tác giả dành nhiều tình cảm khi viết về hai nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng và Lê Đình Hòa. Qua hai số phận, một người bị mù từ năm 3 tuổi (Huỳnh Duy Siêng) và một người bị mù từ năm 20 tuổi (Lê Đình Hòa) ít nhiều tác giả giúp độc giả hiểu được thi ca có sức mạnh nâng đỡ cho con người giữa mệnh kiếp trớ trêu!

Cái hay của “Hoa rơi hữu ý”, không chỉ nằm ở sự tinh tế và sự sắc sảo, mà còn nằm ở sự thẳng thắn. Phê bình thường ngại đụng chạm, nhưng Lê Thiếu Nhơn đã vượt qua được trở ngại ấy. Ví dụ, nhận xét về thơ Thi Hoàng: “Thao tác làm thơ của Thi Hoàng chẳng khác gì một người câu cá chuyên nghiệp. Có khi cao hứng, Thi Hoàng cứ mài giũa lưỡi câu sao cho thật nhọn hoắc, sao cho thật sáng choang, khiến bao đồng nghiệp vị nể mà đàn cá cũng... hoảng sợ.

Và khi một lưỡi câu có nét lóng lánh của một... cây kim, chắc chắn không câu được con cá nào”, hoặc đánh giá về thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Vừa trọng âm vận vừa trọng nhạc tính, nên lời thơ thường tràn qua cả ý thơ. Hoàng Nhuận Cầm luôn muốn dùng một bài thơ để kể một câu chuyện nên khoảng trống thẩm mỹ lẽ ra được ưu tiên có mặt giữa những câu thơ hoặc những đoạn thơ, đành phải nhường chỗ cho ngôn từ cảm thán!”.

Đọc “Hoa rơi hữu ý”, điều đáng trân trọng là tác giả đã xác lập được giá trị cho nhiều nhà thơ mà xưa nay ít được công chúng quan tâm. Bằng những câu thơ trích dẫn thuyết phục, Lê Thiếu Nhơn mang đến sự cảm mến cho người đọc về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Thực, Hải Kỳ, Tường Vân…

Cuốn sách không dày, chỉ vỏn vẹn 170 trang, nhưng “Hoa rơi hữu ý” phác thảo được một diện mạo thơ Việt hôm nay. Và quan trọng hơn, “Hoa rơi hữu ý” thể hiện tấm lòng của một nhà báo - nhà thơ: “Người Việt muốn hội nhập văn hóa thế giới, điều trước tiên phải làm là tự soi rọi tâm hồn mình, để suy nghiệm tâm hồn Việt nắng mưa nhẫn nại, tâm hồn Việt gió mây chịu đựng, tâm hồn Việt dằn vặt yêu thương, tâm hồn Việt bãi bờ tha thứ, tâm hồn Việt đại ngàn khoan dung.

Thi ca có thể gánh vác sứ mệnh ấy, nếu công chúng chia sẻ được những thao thức của nhà thơ chưa bao giờ khô cạn trên từng dòng bản thảo xanh xao. Tập sách này được hoàn thành không có tham vọng gì lớn lao, ngoài mục đích truy vấn một câu hỏi vừa âm thầm vừa sốt ruột: Nhiều nhà thơ đã thả ưu tư vào bộn bề hôm nay như hoa rơi hữu ý, lẽ nào bạn đọc như nước chảy vô tình...?”

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm