| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/07/2019 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 06/07/2019

Chuyện dài éo le của dự án siêu cấp

Chỉ số tín nhiệm của mấy thế hệ lãnh đạo TPHCM đều được quần chúng đánh giá qua hành động ứng xử của họ với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra dài 14 trang về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do ông Đặng Công Huấn ký. Sau hơn 20 tháng tổ chức thanh tra, một kết luận được đưa ra với ngôn từ chừng mực, chứng tỏ sức nóng của dự án này vẫn là một câu chuyện dài không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

07-24-45_thu_thiem_phi_ben_ki_song_si_gon
Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm quận 1 có một đoạn sông Sài Gòn.

Trước hết, cần khẳng định Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án siêu cấp. Tách một phần đất của quận Thủ Đức để thành lập quận 2, nhưng quận 2 không phát triển tự nhiên như thông lệ những đơn vị hành chính cấp quận khác. Quận 2 được quy hoạch thành một trung tâm tài chính - kinh tế - văn hóa mang tầm quốc tế, mà giá trị cốt lõi nằm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đó chính là lý do vì sao phê duyệt của Chính phủ năm 1996 cho phép dự án Thủ Thiêm chia làm hai phần, khu đô thị mới 770 ha và khu tái định cư 160 ha.

Thế nhưng, sau 2 thập niên, rất nhiều điều chỉnh khéo léo cộng với rất nhiều thủ thuật cao minh, đã khiến diện mạo của Thủ Thiêm ngày càng xa bản đồ quy hoạch ban đầu. Thậm chí, kế hoạch đưa các cơ quan hành chính quan trọng nhất của TPHCM sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng không thể thực hiện như ý nguyện trước đây, vì phần lớn quỹ đất đã rơi vào tay các đại gia bất động sản.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “UBND TPHCM phải thu hồi và hoàn trả ngay hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng quy định”, đồng thời “sớm có giải pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng với tổng số tiền hơn 4.286 tỉ đồng để đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

Hai con số nghìn tỷ, nghe rất đáng hãi hùng, nhưng chưa phải mấu chốt dư luận băn khoăn. Bởi lẽ, 26.000 tỷ đồng là tiền tạm ứng phải hoàn trả đúng lộ trình, nhưng UBND TPHCM không thực hiện, chứ chưa phải là khoản thất thoát. Khoản vay 4.286 tỷ đồng cũng phải hoàn trả, là chuyện đương nhiên. Vấn đề phải lưu tâm chính là… thâm hụt của tài sản Nhà nước từ việc chuyển nhượng đất đai.

Theo đúng giấy tờ đã thẩm định công khai, quỹ đất sạch của Thủ Thiêm khoảng 221 ha. UBND TPHCM đã áp giá 26 triệu đồng/m2, mà theo Thanh tra Chính phủ thì chỉ tương đương 50% giá thực tế. Nghĩa là, mỗi mét vuông đất ở Thủ Thiêm đã tùy tiện lấy đi 26 triệu đồng của ngân sách. Làm một phép nhân đơn giản sẽ thấy ngay, suốt quá trình xây dựng Thủ Thiêm thì cách giao đất cho doanh nghiệp của UBND TPHCM đã làm hơn 57.700 tỷ đồng không cánh mà bay.

Thanh tra Chính phủ phân tích: Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 221 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. UBND TPHCM đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai. Vì vậy, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.

Vẫn phải nhắc lại, vị trí của Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất đắc địa, vì chỉ cách quận 1 một đoạn sông Sài Gòn. Khi hầm vượt sông Sài Gòn được thông xe, thì không có một thương hiệu bất động sản uy tín nào của Việt Nam không có mặt tại quận 2, và Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành miếng ngon béo bở cho những cuộc tranh giành quyết liệt lẫn những cuộc bàn bạc mờ ám.

Chỉ số tín nhiệm của mấy thế hệ lãnh đạo TPHCM đều được quần chúng đánh giá qua hành động ứng xử của họ với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với tầm vóc của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể trông cậy vào những cán bộ ngơ ngác không? Hoàn toàn không! Tất cả vị trí then chốt đều được chọn mặt gửi… kim cương. Vậy mà, sai phạm cũng phát sinh từ đó.

Sau khi làm Bí thư quận 2 một thời gian ngắn, ông Tất Thành Cang được luân chuyển về làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM và đã dự phần tích cực cho một tình huống có tính bước ngoặt của những bức xúc xung quanh Thủ Thiêm. Có lẽ nhờ sự hiểu biết thấu đáo về bao nhiêu cơ hội bạc vàng ở Thủ Thiêm, ông Tất Thành Cang đã ký văn bản phê duyệt dự án làm 4 tuyến đường có tổng chiều dài 12 km, với kinh phí kỷ lục là 12.182 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí dự phòng và chi phí lãi vay).

Lúc ấy ông Tất Thành Cang chỉ mới là ủy viên UBND TPHCM, nhưng đã đóng dấu “mật” vào văn bản để tạo điều kiện đối tác triển khai nhanh chóng.

Bây giờ, ông Tất Thành Cang đã bị mất ghế Ủy viên Trung ương Đảng và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM vì sai phạm ở dự án khác, còn trách nhiệm của ông Tất Thành Cang ở khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn là câu hỏi để ngỏ.

07-24-45_cong_trinh_o_thu_thiem
Hàng chục dự án bất động sản cao cấp đã và đang triển khai tại Thủ Thiêm.

Cách phê duyệt dự án mà Thanh tra Chính phủ xác định “chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan”, thì phải hiểu hành vi của ông Tất Thành Cang như thế nào? Dĩ nhiên, ông Tất Thành Cang không thể một tay che trời. Vai trò của những người đồng thuận và hợp tác với ông Tất Thành Cang trong chủ trương làm 4 con đường đắt giá nhất thế giới, với mỗi km tiêu tốn hơn 1.000 tỷ đồng, phải suy xét ra sao? Động cơ gì phải nâng giá khủng khiếp như vậy, rất dễ hiểu, để phía doanh nghiệp ưu ái được nhận một diện tích đất rộng lớn hơn, béo bở hơn, màu mỡ hơn.

Sự kiến nghị của Thanh tra Chính phủ “các cơ quan liên quan xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà Nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên cơ sở đó, tính mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án” rất hợp lý, nhưng nghe chừng đã quá muộn. Bởi lẽ, một khi các thương gia bất động sản đã giải xong bài toán “đổi đất lấy hạ tầng” thì họ lập tức triển khai phân lô bán nền với tốc độ tên lửa, để thu được nguồn lợi cao nhất. Bây giờ mỗi mét vuông đất có giá hàng trăm triệu đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính từ hầm vượt sông Sài Gòn đến đường dẫn vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đều đã chuyển nhượng cho tư nhân đứng tên sở hữu.

Muốn trả lại diện mạo phù hợp pháp lý và phù hợp tiêu chuẩn cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, e rằng chỉ có phương pháp bắt buộc những cá nhân từng làm càn làm quấy trên cương vị được cộng đồng giao phó, phải tự bỏ tiền đền bù cho ngân sách.

Những lãnh đạo UBND TPHCM qua hơn hai thập niên hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ phản ứng tích cực để lấy lại niềm tin của người dân chăng? Ông Lê Thanh Hải, một gương mặt lãnh đạo cao cấp ở TPHCM từ năm 2001 đến năm 2016, trong đó có 5 năm làm Chủ tịch UBND TPHCM và 10 năm làm Bí thư Thành ủy TPHCM, khi được hỏi về kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã cho rằng: “Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà trả lời!”

Để Khu đô thị mới Thủ Thiêm tiếp tục được vun đắp xứng đáng một dự án siêu cấp, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: "Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật".

Chỉ còn 6 tháng để bồi hoàn thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng, dường như đó là kế hoạch bất khả thi đối với UBND TP HCM và những người liên quan.