Chiều 16/8, Hội nghị tham vấn ý kiến về triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc được tổ chức tại Đồng Nai. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì hội nghị.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.
Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia chọn năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia và xác định tập trung vào thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Trong đó, Đồng Nai cùng với 7 tỉnh (Bến Tre, Đồng Tháp, Quảng Nam, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên và Phú Thọ) được phân công tiên phong chỉ đạo triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, trong thời gian qua, các ngành các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai. Tuy nhiên, địa phương cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đây cũng chính là nội dung chính được ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai trình bày trong chuyên đề về thực trạng và giải pháp thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ông Trường cũng cho hay, tính đến nay, Đồng Nai có 1.174 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai đeo vòng và dán tem truy xuất tại các cơ sở đăng ký tham gia. Lũy kế đến ngày 30/6, có 47.537/540.000 con heo được truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đề án cũng gặp những khó khăn nhất định.
“Các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn không thực hiện truy xuất. Hoặc, các đơn vị này các đơn vị này không thực hiện dán tem truy xuất lên sản phẩm trước khi bán cho người tiêu dùng. Nhìn chung, doanh nghiệp và người dân còn khá thờ ơ hoặc làm với hình thức chống đối”, ông Trường cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện có 1.795 trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm, đạt tỷ lệ 85,48% so với số trang trại toàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ tính trong tháng 7/2023, chỉ có 243 trang trại duy trì báo cáo định kỳ, đạt 13,82% so với số trang trại đã đăng ký.
Ông Giang cũng phân tích nguyên nhân là do: Việc nhập số liệu là người chăn nuôi nhưng chưa có quy định nên tỷ lệ đạt chưa cao. Việc kê khai qua app còn mới nên người dân chưa tạo thành thói quen trong việc khai báo; người dân chưa thấy hết được lợi ích trong việc kê khai.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai vẫn còn hạn chế nhất định như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; Nhân lực cho công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhưng riêng lẻ, chưa đồng bộ và liên thông, đảm bảo chia sẻ dùng chung; phần mềm chưa được cập nhật dữ liệu thường xuyên,...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, chuyển đổi số ngành nông nghiệp là thách thức lớn, nhiều chuyện để làm và gặp nhiều khó khăn. Nếu như ở các ngành khác chuyển đổi số khó khăn một thì ở mảng nông nghiệp khó khăn được nhân lên gấp nhiều lần.
“Tuy ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng khoảng 14% GDP kinh tế nhưng giải quyết cho 66% dân số. Do đó, chấp nhận khó khăn và đương đầu với khó khăn là nghĩa vụ thiêng liêng của việc chuyển đổi số nông nghiệp. Đây chính là nhiệm vụ lửa thử vàng.
Chuyển đổi số là quá trình xuyên suốt và liền mạch, có bắt đầu và không kết thúc. Phải kết nối từ Trung ương đến địa phương, chính quyền đến địa phương. Chúng ta cần có cách nghĩ và cách làm khác mới thành công được. Phần mềm, máy tính, đám mây chỉ là công cụ. Người nông dân không tham gia với mình nếu như không có quyền lợi trong đó. Như thế sẽ thất bại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng Hiệp, Đồng Nai là tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số là chấp nhận đương đầu với những khó khăn. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm thì Đồng Nai cần có những chế tài, cân đối lợi ích hài hòa và thể hiện được vai trò, lợi ích thì mới có thể thành công.
Bộ NN-PTNT cũng đang gấp rút thực hiện bản đồ kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và sẽ ra mắt trong tháng 11 tới. Đây chính là bản lề để thực hiện chuyển đổi số, truy vết nguồn gốc và giúp các địa phương thực hiện đồng bộ hơn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kỳ vọng vào thành công của công tác chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin. Đây chính là một trong những cầu nối để tỉnh hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng với nhu cầu thị trường.
“Đồng Nai đã sẵn sàng và dự chi khoảng 2.000 tỷ cho vấn đề chuyển đổi số. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên vẫn chưa thể giải ngân được. Hy vọng Bộ NN-PTNT sớm triển khai thành công chuyển đổi sớm để Đồng Nai và các tỉnh có thể được kế thừa. Ví dụ, Đồng Nai có 11 mã số vùng trồng sầu riêng, cần có những quy chuẩn để triển khai và quản lý mã số vùng trồng. Để mã số vùng trồng nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền và cơ quan chức năng, đảm bảo lợi ích cho người dân”, ông Phi đặt kỳ vọng.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã sử dụng phần mềm Egov trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính giữa các bộ phận.
Hiện có 93 thủ tục hành chính thuộc 12 nhóm lĩnh vực, trong đó có 86 thủ tục được vận hành trên môi trường điện tử ở mức độ 3, 4, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 là 1.866 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,3%.