| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu

Thứ Ba 15/12/2020 , 17:50 (GMT+7)

Chiều 15/12, Hiệp hội Nông nghiệp số, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội thảo về “Chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

Hội nghị về chuyển đổi số trong nông nghiệp có sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Ảnh: Đinh Tùng.

Hội nghị về chuyển đổi số trong nông nghiệp có sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Ảnh: Đinh Tùng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 5 năm gần đây, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,71%/năm và kim ngạch xuất khẩu không ngừng phát triển.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp không ngừng được triển khai rộng khắp, đi sâu vào nâng cao năng suất chất lượng giá trị gia tăng. Tổ chức sản xuất cũng không ngừng đổi mới, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng mở rộng công nghệ hiện đại.

Để đạt được những thành quả trên, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, phải kể đến việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.

Thành công của chuyển đổi số

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong ngành trồng trọt, công nghệ IoT, BigData bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…

Với chăn nuôi, chăn nuôi, công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH, Công ty Vinamilk.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ NN-PTNT nói về những thành công của chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua. Ảnh: Đinh Tùng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ NN-PTNT nói về những thành công của chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua. Ảnh: Đinh Tùng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, ngành thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu-thả lưới chụp,  công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản có thể ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Ở góc độ địa phương, Lâm Đồng được đánh giá là một trong những tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 12 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức với 52 doanh nghiệp sử dụng nhưng có tới 25 trong số đó là ở Lâm Đồng.

“Tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức phổ biến kiến thức, phát triển công nghệ, đặc biệt là thông qua các hội thảo, xác định được nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng thế nào, nông nghiệp thông làm gì, áp dụng cho những cây, con gì. Từ đó, thông qua Sở NN-PTNT để giúp doanh nghiệp, người dân lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá để liên kết sản xuất”, ông Phạm S chia sẻ về kinh nghiệm số hóa nông nghiệp của Lâm Đồng.

Trên cơ sở đó, hiện nay tỉnh đã có một số mô hình thành công trong ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp như Công ty CP sinh học rừng hoa, Công ty Đà Lạt Hasfarm, Tập đoàn TH…

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về thành công của địa phương. Ảnh: Đinh Tùng.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về thành công của địa phương. Ảnh: Đinh Tùng.

Mở rộng chuyển đổi số

Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) tham gia hội nghị, ông Thân Văn Hùng, Phó chủ tịch VIDA cho biết, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp.

Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Đối với VIDA, hiệp hội đang có những chiến lược hành động rất cụ thể. Đó là hỗ trợ các doanh nghiệp trong hiệp hội tiếp cận các công nghệ mới, giới thiệu các doanh nghiệp công nghệ như FPT, VNPT đến với các doanh nghiệp làm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, VIDA cũng tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước như Chính phủ, Bộ NN-PTNT để khuyến khích, hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiệp hội cũng làm vai trò kết nối cho các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tối ưu cho số hóa nông nghiệp”, ông Thân Văn Hùng chia sẻ về cách làm của VIDA.

TGĐ Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông nói về ứng dụng công nghệ trong quản lý. Ảnh: Đinh Tùng.

TGĐ Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông nói về ứng dụng công nghệ trong quản lý. Ảnh: Đinh Tùng.

Là doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ cách đây hơn 10 năm, ông Phan Minh Thông, TGĐ Công ty CP Phúc Sinh cho biết, quá trình này đã giúp tối ưu được nhiều hoạt động trong đơn vị.

Ví dụ như, kế toán từ 20 người rút xuống còn 4, công việc cũng được đảm bảo đúng kế hoạch, ít phải làm thêm giờ, tất cả là nhờ vào ứng dụng các phần mềm hiện đại vào quản lý. Hay việc áp dụng bán hàng trực tuyến cũng giúp công ty nâng cao được doanh số trong thời gian qua.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại được. Do đó, chúng ta phải làm tốt hơn nữa vì vốn đã xuất phát chậm hơn so với thế giới. Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai”, ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.

Người đứng đầu Công ty CP Phúc Sinh cũng chia sẻ thêm, các cơ quan quản lý đang kêu gọi chuyển đổi số và đây là tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, cần có thêm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi vì họ đang phải vật lộn rất nhiều với thị trường.

“Nếu doanh nghiệp đang không đủ tiền trả lương nhân viên, phải xoay xở để trả tiền cho nhà cung cấp thì rất khó có thể đầu tư cho công nghệ để chuyển đổi số được. Do đó, cần có các chính sách để hỗ trợ cho khu vực này”, ông Phan Minh Thông kết luận.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).