Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, việc chuyển giao kỹ thuật này với nhiều doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu cho quả vải Việt Nam.
Cùng với việc hướng dẫn chi tiết kỹ thuật xông lưu huỳnh bằng lý thuyết và thực hành tại nhà máy cho các doanh nghiệp, chuyên gia còn giúp doanh nghiệp và các cán bộ nông nghiệp ở các địa phương về kỹ thuật đóng gói, bao bì, nhãn mác, phương thức vận chuyển vải khi xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại), xông lưu huỳnh là yêu cầu bắt buộc để quả vải tiếp cận thị trường châu Âu và Trung Đông. Năm 2015 là vụ vải đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại mời chuyên gia quốc tế hướng dẫn kỹ thuật này nhưng với quy mô nhỏ.
“Bằng việc mở rộng quy mô tập huấn, chúng tôi mong muốn mở hướng cho quả vải Việt Nam vụ này sẽ sang được thị trường Trung Đông, một thị trường cực kỳ tiềm năng, có nhu cầu rất lớn, yêu cầu kỹ thuật không quá khắt khe và phù hợp với nông sản Việt Nam”, bà Thúy cho biết.
Đánh giá về tính ưu việt của kỹ thuật xông lưu huỳnh, chuyên gia quốc tế Michel Jahiel Pierre, người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật này cho biết, công nghệ bảo quản hoa quả bằng xông hơi lưu huỳnh sẽ cho phép bảo quản quả tươi được từ 30 - 40 ngày, trong điều kiện nhiệt độ thấp từ 1 - 2oC mà vẫn đảm bảo được chất lượng.
Như vậy, có thể vận chuyển quả vải xuất khẩu bằng đường biển, ít tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí vận chuyển theo đường hàng không, giúp các bạn tiếp cận được với những thị trường xa. Với quả vải, đây là phương pháp ít tốn kém nhất và dễ triển khai nhất.
Thêm vào đó, việc đầu tư để thực hiện xông lưu huỳnh cho vải rất đơn giản, chi phí thấp. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng được những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có tại nhà máy và hầu như không phải đầu tư thêm thiết bị. Phương pháp này cũng được hai quốc gia xuất khẩu vải lớn nhất thế giới là Madagasca và Nam Phi áp dụng rất phổ biến.