| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa là 'đòn bẩy' cho tổ chức sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư 12/02/2025 , 18:33 (GMT+7)

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc TTKNQG cho rằng ứng dụng cơ giới hóa là 'đòn bẩy' để giảm công, nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Hồng (đứng), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận họp báo.

Ông Hoàng Văn Hồng (đứng), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận họp báo.

Chiều 12/2, tại TP.HCM, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng chủ trì họp báo công bố Triển lãm AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”.

Phát biểu kết thúc sự kiện họp báo, ông Hoàng Văn Hồng , Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, không một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển nào không gắn liền với cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất.

Trước ý kiến "nền nông nghiệp hiện nay đang cơ bản 'kịch trần' về năng suất và cần phát huy lợi thế về giá trị. Điều này yêu cầu tổ chức sản xuất một cách hợp lý nhất và trong đó ứng dụng cơ giới hóa là 'đòn bẩy' để giảm công lao động, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, giúp giảm chi phí đầu vào, trong đó có giống, phân bón", theo ông Hồng, với đà phát triển của nông nghiệp Việt Nam, đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất quy mô lớn, hiện đại hơn, tổ chức sản xuất là khâu cốt lõi trong ứng dụng cơ giới hóa với điều kiện hiện nay.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, sự kiện triển lãm sẽ được tổ chức luân phiên tại Thái Lan (năm 2026) và Việt Nam (năm 2027 trở đi), nhằm tạo điều kiện triển lãm có quy mô và hiệu quả ngày càng lớn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, đây là nền tảng quan trọng để giới thiệu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các hợp tác xã và nông dân có thể tiếp cận và lựa chọn các giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong đó, ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh vai trò của khuyến nông cơ sở để gắn kết các HTX với doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên quy mô lớn. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho từng hộ sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa được xem là vấn đề cốt lõi và rất thời sự trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Các công nghệ như công nghệ gieo trồng, công nghệ bảo vệ thực vật... có thể giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động và giá trị sản xuất.

Ngoài ra, triển lãm được coi là nơi gặp gỡ, kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hợp tác xã, nông dân. Thông qua triển lãm, các bên có thể ký kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ, công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Ban tổ chức cam kết sẽ đồng hành cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam để truyền thông mạnh mẽ về triển lãm, cũng như đồng hành kết nối với các hợp tác xã, cán bộ khuyến nông, nông dân và phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ, các bên liên quan tổ chức triển lãm thành công”, ông Hoàng Văn Hồng khẳng định.

Nhiều cơ hội học hỏi, tiếp nhận công nghệ

Tại họp báo, trả lời các câu hỏi liên quan đến các sản phẩm sẽ được trưng bày tại AGRITECHNICA ASIA VIETNAM 2025, ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi, đại diện BTC cho biết, triển lãm dựa trên nguyên lý cung - cầu, do đó các sản phẩm được mang đến sẽ dựa vào nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi.

Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi.

“Các nhà triển lãm đến từ gần 30 quốc gia đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam trước khi quyết định tham gia và sẽ mang những sản phẩm phù hợp nhất đến triển lãm, với mong muốn mang lại nhiều lợi ích nhất”, ông Nguyễn Bá Vinh chia sẻ.

Đánh giá cao vai trò của công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây nhưng ông Vinh cho rằng đem cả dây chuyền đến triển lãm là không khả thi. Thay vào đó, ông cho rằng khách hàng có nhu cầu có thể tìm hiểu bằng cách trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất.

Bên cạnh việc trưng bày sản phẩm, tại triển lãm cũng tổ chức các tọa đàm mời doanh nghiệp tham gia để chia sẻ về vấn đề chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Cùng với đó là hàng trăm bài trình bày thiết thực với khách tham quan, ví dụ như việc tái sử dụng nước, đánh giá chất lượng nước để thích ứng biến đổi khí hậu.

Bổ sung ý kiến của ông Nguyễn Bá Vinh, ông Peter Grothues cho biết, đối với các mặt hàng như sầu riêng, tiêu và lúa gạo, DLG có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế. Người tham gia như nông dân, doanh nghiệp, HTX có thể đặt các câu hỏi và vấn đề cần giải quyết, sau đó các chuyên gia có chuyên môn sâu của từng lĩnh vực có thể trả lời và cùng tìm kiếm giải pháp thích hợp.

Xem thêm
'Vua dê' Bắc Giang

Nhiều bà con tại xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa vẫn nói vui ông Ngô Văn Biên là 'vua dê Bắc Giang' bởi quy mô cũng như sự thành công của ông.

Olmix Asialand Việt Nam và PetHealth ký kết hợp tác chiến lược lĩnh vực thú cưng

HÀ NỘI Olmix Asialand Việt Nam và Bệnh viện Thú y PetHealth ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thú cưng tại Việt Nam.

Nông dân An Giang nhận thưởng hơn 90 triệu đồng từ lúa giảm phát thải

Mô hình BNS triển khai tại An Giang ngoài giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất còn là động lực giúp bà con trồng lúa giảm phát thải hiệu quả hơn.

Bình luận mới nhất