| Hotline: 0983.970.780

Chuyện huy động nguồn lực xây nông thôn mới ở huyện nghèo Ứng Hòa

Thứ Sáu 13/08/2021 , 07:40 (GMT+7)

Là một huyện nghèo nhất nhì của TP Hà Nội nhưng không vì thế mà công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa không có những điểm độc đáo, sáng tạo...

Thực tế thu ngân sách của Ứng Hòa mới đáp ứng được một phần chi nên rất khó bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ bản trong khi đó hệ thống giao thông trên địa bàn huyện lại còn lắm hạn chế, khó khăn cho việc giao thương. Tuy vậy huyện vẫn “liệu cơm, gắp mắm” và đặt quyết tâm để xây dựng nông thôn mới (NTM).

Kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, đất đai có giá trị thì những đóng góp hiến đất, mở đường của người dân Ứng Hòa lại càng đáng quý. Trước khi triển khai các dự án đường giao thông nông thôn, căn cứ khảo sát thực trạng tuyến để xem xét khả năng mở rộng, sau đó các cấp chính quyền thôn, xã đã vận động nhân dân hiến đất nhằm phát triển kinh tế xã hội.

Từ bước đầu thực hiện còn khó khăn, có hộ các cấp chính quyền phải vận động rất nhiều lần, có hộ yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ vật liệu để xây dựng lại công trình sau khi phá dỡ. Nhưng sau đó, khi khí thế sục sôi của đại bộ phận nhân dân thì mọi việc đã trở nên dễ hơn nhiều ở các xã như Hòa Xá, Hòa Nam, Hòa Phú, Liên Bạt, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Đông Lỗ, Sơn Công...

Bữa ăn của trẻ em ở trường mẫu giáo xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Bữa ăn của trẻ em ở trường mẫu giáo xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân toàn huyện đã hiến trên 80.900m2 đất. Nổi bật là hộ gia đình ông Phạm Đình Đoàn ở xã Trầm Lộng ủng hộ 236,85 triệu đồng cho người nghèo, quỹ khuyến học, trồng cây xanh trên địa bàn xã, cải tạo sân UBND xã; Gia đình ông Nguyễn Vạn Xuân ở xã Đại Hùng ủng hộ 196 triệu đồng làm đường giao thông ngõ xóm; Gia đình ông Đào Đức Chính ở xã Đông Lỗ ủng hộ 476 triệu đồng làm sân đá bóng, xây cầu, sửa sân vận động...

Sau phong trào hiến đất, những địa phương này đã tạo được quỹ đất công để xây dựng nhà văn hóa, mở rộng đường thôn, xóm, trung bình từ trước chỉ rộng cỡ 2m lên 4-5m. Rõ nét nhất từ năm 2016 đến nay Ứng Hòa đã có hơn 300km đường liên xã, liên thôn được đầu tư thảm nhựa, đổ bê tông; 56km đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu được cải tạo, nâng cấp giúp đi lại thuận tiện. 

Không gian xanh của một gia đình ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Không gian xanh của một gia đình ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Để tạo nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Ứng Hòa đã tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” với trên 1.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân tham dự. Đã chỉ đạo các xã, các thôn, mặt trận tổ quốc huyện cùng các đoàn thể tổ chức lễ phát động, tổ chức hội thi tại các cụm dân cư, các thôn, làng tạo phong trào thi đua sôi nổi trong quần chúng. Đến nay toàn huyện đã huy động được hơn 313 tỷ đồng từ nhân dân dân đóng góp với nhiều hình thức như bằng tiền mặt, hiến đất nông nghiệp, ngày công lao động để làm đường làng ngõ xóm, bằng nguyên vật liệu....

Bên cạnh sự chung sức của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, huyện cũng đã khéo léo huy động được sự giúp đỡ của các đơn vị quận trong chương trình "Nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng NTM”, tiếp thêm nguồn lực giúp các địa phương khó khăn như Ứng Hòa về đích.

Tính đến hết năm 2020, Ứng Hòa đã nhận được hỗ trợ của 4 quận với tổng kinh phí 126 tỷ, một con số có rất nhiều ý nghĩa. Cụ thể quận Đống Đa hỗ trợ 38,12 tỷ đồng cho xã Đông Lỗ mua trang thiết bị y tế và xã Phương Tú xây dựng trường mầm non; Quận Cầu Giấy hỗ trợ 23 tỷ xây dựng nhà văn hóa thôn xã Hòa Phú và xã Hòa Lâm xây dựng trạm y tế, nhà văn hóa thôn,  trụ sở; Quận Hoàng Mai hỗ trợ 30 tỷ để cải tạo, sửa chữa trường tiểu học Tân Phương của thị trấn Vân Đình; Quận Tây Hồ hỗ trợ 35 tỷ để xây dựng trường mầm non xã Sơn Công.

Để khuyến khích người dân thực hiện táng văn minh, từ năm 2020 đến nay UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành đề án hỗ trợ khuyến khích hỏa táng thay cho hung góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, mức hỗ trợ mỗi trường hợp là 2 triệu đồng. Đến hết năm 2020 toàn huyện có 678/1.255 ca chết đi hỏa táng chiếm tỷ lệ 54,02%, tăng 44,26% so với năm 2012.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.