| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm giàu của 2 tỷ phú

Thứ Sáu 15/03/2013 , 08:03 (GMT+7)

Được tiếp cận nguồn vốn đầu tư về nông nghiệp - nông thôn của Agribank, rất nhiều nông, ngư dân ở Bình Định gây dựng nên cơ nghiệp.

Được tiếp cận nguồn vốn đầu tư về nông nghiệp - nông thôn của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), rất nhiều nông, ngư dân ở Bình Định gây dựng nên cơ nghiệp. Câu chuyện sau đây là tấm gương tiêu biểu cho khát vọng vươn lên làm giàu từ đồng vốn ít ỏi...

Tỷ phú 1

Nói về sự làm giàu của bà Trần Thị Như Hoa (60 tuổi) ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định) quả có nhiều gian truân. Trong chiến tranh, bà Hoa là cán bộ thoát ly (1968), công tác tại tỉnh Quảng Ngãi. Vào năm 1972, trong 1 chuyến công tác xuống đồng bằng nhận gạo tiếp tế cho bộ đội, tổ công tác của bà Hoa bị địch phục kích tại huyện Nghĩa Hành. Trận ấy, bà Hoa bị thương loại ¾.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Hoa trở về nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn - Bình Định). Vừa về quê, bà liền xây dựng gia đình rồi theo về quê chồng ở xã Tam Quan Bắc. Là con dân của 1 xã miền núi làm dâu ở vùng quê biển, nhưng bà Hoa nhanh chóng thích ứng vào không khí làm ăn ở quê chồng để trở thành 1 lái buôn cá cơm, cá nục cung ứng cho các cơ sở chế biến nước mắm ở Cà Ná (Phan Thiết).

Không cam chịu thân phận “lái buôn cá”, suốt quá trình ra vào buôn bán cá tại Cà Ná, bà Hoa đã âm thầm “học lóm” nghề chế biến nước mắm. “Khi ấy, gia đình tôi rất nghèo. Ngôi nhà ở chỉ được dựng gạch ống, không có vữa để xây nên phải dùng thanh tre xỏ qua những lỗ gạch để những viên gạch “đứng” được, tạo vách tường.

Năm 1995, để khởi nghiệp nghề làm nước mắm, tôi vay của Ngân hàng NN-PTNT huyện Hoài Nhơn 10 triệu đồng. Từ số vốn ít ỏi này tôi xây được 2 hồ muối cá tại nhà ở, mỗi hồ muối được 40 tấn cá, mỗi ngày cho ra được 1.000 lít nước mắm. Hồi đó, để tiêu thụ được số lượng nước mắm nói trên, hàng ngày tôi phải đạp xe đạp vượt những đoạn đường 70-80km chở sản phẩm đi bán rong, đến tận cả những huyện miền núi”, bà Hoa tâm sự.


Bà Hoa (người mặc áo đen) đang hướng dẫn nhân công mới

Làm ăn tích góp được ít vốn liếng, đến lúc huyện Hoài Nhơn xây dựng cụm công nghiệp chế biến thủy hải sản tại xã Tam Quan Bắc, bà Hoa vay thêm của Ngân hàng NN-PTNT Hoài Nhơn, xây dựng cơ sở chế biến nước mắm Như Hoa bây giờ.

Bà Hoa cho biết thêm: “Để xây dựng cơ sở, tôi phải trả tiền thuê đất hết 500 triệu đồng. Sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hết 1,6 tỷ đồng nữa. Hiện nay cơ sở chế biến nước mắm của tôi có 40 hồ ướp cá, mỗi hồ ướp được 30 tấn cá; thị trường tiêu thụ nước mắm Như Hoa được mở rộng khắp cả nước, sang cả nước bạn Lào và Campuchia. Từ đó đến nay, mỗi khi mua sắm thêm trang thiết bị mới, tôi lại gắn bó với Ngân hàng NN-PTNT. Hiện tôi đang dư nợ tại ngân hàng này hơn 1 tỷ đồng”.

Cũng từ nguồn vốn vay ngân hàng, bà Hoa vừa sắm thêm được chiếc xe tải 1,4 tấn với số tiền hơn 200 triệu và máy thổi chai nhựa hơn 300 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2013 này, bà Hoa tậu luôn dây chuyền ép giấy, đóng thùng để khép kín quy trình SX. “Từ 10 triệu đồng vay được từ Ngân hàng NN-PTNT thuở đầu đã giúp tôi nuôi 4 đứa con ăn học thành tài và gầy dựng nên cơ nghiệp hôm nay”, bà Hoa bộc bạch.

Tỷ phú 2

Vừa ghé nhà ông Bùi Thanh Ninh (1957) ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định), ông Ninh khoe ngay: “Ngày 15 tháng Chạp năm trước tui vừa hạ thủy chiếc tàu thứ 11 mang số hiệu BĐ 96789 TS, ngày 20 mở biển ngay và cập bờ vào ngày 14 tháng Giêng năm nay, làm được hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa. Sau khi trừ tổn, mỗi lao động được chia hơn 5 triệu đồng. Chuyến biển “mở hàng” được vậy là vui lắm rồi. Còn 1 chiếc tàu đóng mới đang hoàn thành công đoạn cuối. Qua tháng 2 âm lịch này, tui sẽ cho hạ thủy tiếp, đó là chiếc tàu thứ 12 trong đội tàu của tui”.

Quá trình xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì của ông Ninh, ai nghe cũng phải “bái phục”. Năm 1976, ông Ninh nhập ngũ, đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980 ông xuất ngũ, về nhà với chiếc ba lô cũ sờn đựng mấy bộ quân phục. Ở quê biển không làm biển thì không biết làm nghề gì khác, ông xin vào chân đi bạn cho 1 tàu cá ở địa phương.

Lúc ấy hầu hết tàu cá ở địa phương có công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ nên cho thu nhập rất thấp. Đi bạn cho tàu đánh bắt cá chuồn kiếm không đủ tiền nuôi vợ con, ông liền mở sang hướng làm ăn mới là mua bán cá chuồn. Sau khi tìm hiểu thị trường tiêu thụ cá chuồn, ông Ninh nhận ra loại cá chuồn phơi khô đang được thị trường các tỉnh phía Bắc ăn mạnh.


Ông Ninh bên chiếc ô tô thứ 2 mới sắm được

“Biết là biết vậy, thế nhưng với 2 bàn tay trắng thì lấy vốn đâu ra đi buôn cá chuồn. May sao, khi ấy nhà vợ tui ở gần nhà ông Đỗ Ngọc Thân (GĐ Phòng giao dịch thuộc Chi nhánh NH NN-PTNT huyện Hoài Nhơn), biết gia cảnh vợ chồng tui đang gặp khó khăn, ông Thân đề xuất cho tui vay 10 triệu đồng để làm ăn. Được lời như cởi tấm lòng, vậy là giấc mơ đi buôn cá chuồn của tui đã thành hiện thực. Thế nhưng chưa biết làm ăn ra sao nên tui chỉ dám vay 5 triệu. Chính 5 triệu này đã làm ra cơ nghiệp này”, ông Ninh nói.

Hiện tại, ông Ninh đang là ông chủ của 1 đội tàu đánh bắt xa bờ gồm 12 chiếc có công suất từ 300CV-450CV. Quá trình xây dựng đội tàu cá của ông Ninh lại là 1 câu chuyện đáng nể khác. Sau thời gian dài đi buôn cá chuồn, đến năm 1994, ông Ninh dồn mọi khoản tiền dành dụm được và vay Ngân hàng NN-PTNT huyện Hoài Nhơn thêm 200 triệu nữa để đóng chiếc tàu đầu tiên. Khoản lãi ròng hàng năm từ chiếc tàu ông Ninh dành để trả lãi vay cho ngân hàng. Sau khi có tích lũy, ông Ninh lại vay tiếp để đóng chiếc tàu thứ 2.

“Trong năm 2012, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh tại Bình Định đã cho vay phục vụ nông nghiệp - nông thôn với doanh số 5.378 tỷ đồng, tăng 38,38% so năm 2011, dư nợ đến cuối năm là 4.031 tỷ, chiếm tỷ trọng 94% trong tổng dư nợ”, ông Phan Trung, GĐ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bình Định.

Cứ thế, vài năm sau ông Ninh có thêm trong tay chiếc tàu thứ 3. Thời gian sau đó, rất nhiều ngư dân ở địa phương muốn làm ăn chung với ông Ninh, ngặt nỗi họ không có đủ vốn để hùn hạp. Ông Ninh lại nảy ra 1 ý, những người có nguyện vọng tham gia vào đội tàu, ai có được bao nhiêu vốn thì hùn vào, ngoài phần ông góp vốn vào thêm, khoản thiếu ông Ninh sẽ đứng ra liên hệ với Ngân hàng NN-PTNT vay.

Sau khi tàu hoạt động, khoản thu nhập mỗi chuyến biển được trích ra để trả dần vốn và lãi suất cho ngân hàng. Ý tưởng này của ông Ninh nhanh chóng được thực hiện thí điểm. Sau đó, từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình này ngày càng được nhân rộng, phát triển đội tàu lên đến 12 chiếc. Hiện tại, khoản dư nợ của ông Ninh tại Ngân hàng NN-PTNT huyện Hoài Nhơn là 1 tỷ đồng.

“Đội tàu của tui thường xuyên thu hút từ 120-150 lao động đánh bắt trên biển với mức thu nhập 60 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới, tui sẽ bàn với anh em trong đội tàu vay thêm vốn để đóng 1 chiếc tàu khác chuyên làm công tác hậu cần cho 12 chiếc trực tiếp đánh bắt nhằm làm giảm phí tổn cho 12 chiếc tàu kia ở mỗi chuyến biển”, theo ông Ninh.

Trên đây chỉ là những đơn cử. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bình Định đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, hiện còn có rất nhiều nông dân ở tỉnh này đã trở thành “tỷ phú chân đất”.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm