| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII

Chuyên nghiệp và hiệu quả, chỉ còn con đường liên kết

Thứ Năm 15/09/2022 , 06:47 (GMT+7)

Việc liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, đồng thời nắm bắt được tín hiệu thị trường.

Empty

Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa người nông dân với doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chuyên nghiệp hóa nhờ liên kết với doanh nghiệp

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH, cho biết, hiện nay, nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất gì để bán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng rất mong muốn xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và minh bạch. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa người nông dân với doanh nghiệp.

Bài liên quan

Sau nhiều năm liên kết với hộ nông dân khác tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, mô hình trồng rau sạch xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc của ông Nguyễn Văn Linh đã cho kết quả tốt.

“Việc chuyển sang làm ăn có liên kết đã giúp nông dân chúng tôi chuyên nghiệp hơn. Trong tương lai tôi rất muốn mở rộng mô hình, liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Linh bày tỏ.

Đưa ra những phương pháp, hướng đi nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng, thứ nhất, cần phải hợp tác nhiều người nông dân với nhau. Nếu người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.

“Phải có quy mô đủ lớn chúng ta mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là quy luật khách quan, không phải chúng ta muốn hay không muốn mà được. Sản xuất theo quy luật của thị trường chính là hướng sản xuất chuyên nghiệp nhất”, ông Lê Văn Nghị nhấn mạnh.

Thứ hai, đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho rằng phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào.

“Bài học của Israel đã minh chứng rõ nhất điều này. Công thức của họ là khoa học công nghệ cao kết hợp với mô hình HTX sẽ mang lại thành công. Do đó, chúng ta phải áp dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới mong hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra những nông dân chuyên nghiệp”, ông Lê Văn Nghị phân tích.

Nếu người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.

Nếu người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ ba, ông Nghị cho biết thời đại hiện nay là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu, giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10, 20 lần. Muốn có thương hiệu cần liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc… Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.

“Thứ tư, chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà không nhiều thành công. Theo tôi mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 "nhà" là nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì dooanh nghiệp bẻ kèo. Do đó, 2 "nhà" này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng bẻ kèo chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn”, đại diện Liên minh HTX Việt Nam nêu quan điểm.

“Phía doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ mà phải kết nối thông qua các HTX. Tuy nhiên, có một thực tế khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia các HTX. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được HTX kiểu mới và chỉ ra được những lợi ích khi người nông dân tham gia HTX”, ông Ngô Tiến Dũng phân tích.

Niềm tin từ doanh nghiệp quốc tế

Theo bà Hoàng Thị Chắp ở xã Cốc San, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, tại địa phương, trong đợt bão giá thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi đã thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nếu có hợp đồng, mối quan hệ làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp, chi phí đã được giảm đi nhiều, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Empty

Trong chuỗi kiên kết hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp, lòng tin và uy tín rất quan trọng. Ảnh: TL.

Ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, cho biết, kinh nghiệm của De Heus tại khu vực châu Âu và thế giới là luôn luôn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật để góp phần giúp người chăn nuôi độc lập phát triển sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn nữa.

Tại Việt Nam, trong suốt thời kì đại dịch Covid-19 căng thẳng, nông dân Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm 2021, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng nề vì khó tiêu thụ nông sản, giá bán sản phẩm thấp.

Thời điểm đó, De Heus đang tham gia chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam bộ. Doanh nghiệp cung cấp con giống gà màu, gà công nghiệp cho bà con và thu mua gà lông để cung cấp cho các nhà máy giết mổ.

“Tuy nhiên vào lúc đó, giá gà lông tại thị trường chỉ được dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá kí cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg. Dù thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng nhưng De Heus vẫn thực hiện theo cam kết. De Heus hiểu rằng, trong chuỗi kiên kết hợp tác, lòng tin và uy tín là rất quan trọng”, ông Johan Van Den Ban nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thông minh hóa nền nông nghiệp

Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện Hàn Quốc đang “thông minh hóa nền nông nghiệp”, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho nông dân cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Empty

Phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, ông Hong Sun phân tích, quá trình “thông minh hóa nền nông nghiệp” yêu cầu phải đầu tư vốn lớn, nhiều hơn từ 4 - 5 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.

Bên cạnh đó, thực tế ở Hàn Quốc cho thấy, một trong những rào cản khiến khó thực hiện “thông minh hóa nền nông nghiệp” là do nhiều người lớn tuổi không mặn mà với nông nghiệp thông minh do khó tiếp cận với các tiến hộ khoa học, công nghệ.

“Tôi nghĩ đây cũng chính là vấn đề mà nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Do đó, chúng ta cần đầu tư thêm công tác đào tạo từ sớm, từ đầu và phải thật bài bản”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu quan điểm.

Cùng với đó, ông Hong Sun cho rằng chính sách về đất đai ở Việt Nam đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những vấn đề ưu tiên cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp: “Rất nhiều bạn bè tôi là doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư làm nông nghiệp ở Việt Nam nhưng họ không đàm phán được khi thuê đất do giá quá cao”.

Empty

Khoa học công nghệ cao kết hợp với mô hình HTX sẽ mang lại thành công. Ảnh: TL.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra kiến nghị, đề xuất Nhà nước, Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh; đồng thời sớm hoàn chỉnh những hạn chế trong thể chế, chính sách để việc đầu tư vào nông nghiệp được thuận lợi hơn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Xem thêm
Trà Vinh chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập

Trà Vinh Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.