| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII

Giữ đất nông nghiệp nhiều nhất có thể, ưu tiên tín dụng

Thứ Tư 14/09/2022 , 07:15 (GMT+7)

Thực tế hiện nay, việc tiếp cận các nguồn vốn cũng như những chính sách về đất đai đang cản trở quá trình chuyên nghiệp hóa của người nông dân.

Empty

Hiện người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dư nợ trong nông nghiệp, nông thôn hơn 2,83 triệu tỷ đồng

Thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề lớn nhất của nông dân Việt Nam là phải biết nắm bắt và sản xuất theo nhu cầu, yêu cầu của thị trường. Để có thể làm được điều đó, người nông dân phải luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động mọi nguồn lực để có thể nắm bắt cơ hội ngay khi có tín hiệu từ thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần “trợ lực” cho bà con nông dân chính là những chính sách ưu đãi về nguồn vốn.

“Hiện nay, về vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi không lo. Nỗi lo chính của chúng tôi là, để thu mua sản phẩm nông nghiệp của người nông dân, chúng tôi cần rất nhiều vốn lưu động. Và hiện nay chúng tôi vẫn chưa nắm được cụ thể có những nguồn vốn nào để tiếp cận”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Tân Thành (tỉnh Bắc Kạn) nêu vấn đề tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022.

Empty

Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bài liên quan

Trả lời những băn khoăn của người nông dân, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhận thức được vai trò, vị trí của phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này.

Cụ thể, thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chính sách trụ cột, có rất nhiều cơ chế, chính sách chi tiết để khuyến khích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường.

Thứ ba, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù như cho vay giảm tổn thất nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp tại các huyện nghèo.

IMG_0304

Đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đặc biệt, trong 2 năm 2022 và 2023, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay vốn, niêm yết công khai tại Chi nhánh, Phòng giao dịch; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm.

“Với việc triển khai quyết liệt các chính sách như vậy, đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Bắc cho hay.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết số 19/NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20/NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để các bộ ngành triển khai các chương trình, kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật HTX. Đây cũng là cơ sở để các bộ, ngành triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

“Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ tổ chức các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất – kinh doanh của HTX”, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Giải bài toán về quỹ đất nông nghiệp

Bên cạnh vấn đề liên quan đến nguồn vốn, những vướng mắc về đất đai, quỹ đất trong nông nghiệp cũng đang cản trở quá trình chuyên nghiệp hóa của người nông dân. Theo bà Trần Thị Thanh Thoan (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), có một thực tế ở nhiều địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nam hiện nay, quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, có tình trạng nông dân thiếu đất để sản xuất.

Empty

Quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, có tình trạng nông dân thiếu đất để sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Hiện tôi đang phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa bò. Để mở rộng quy mô đàn bò sữa, tôi rất mong được thuê hoặc thầu lại những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất nông nghiệp có xu hướng bị bỏ hoang ở một số địa phương để phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Thực tế cho thấy việc thuê, mượn lại đất còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các hướng dẫn, cơ sở pháp lý”, bà Trần Thị Thanh Thoan trăn trở.

Liên quan đến vấn đề quỹ đất trong nông nghiệp, theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thời gian qua, trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng đến việc giữ lại nhiều đất nhất có thể để phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp.

“Liên quan trực tiếp đến chính sách bồi thường nếu thu hồi đất của nông dân, hiện nay chúng tôi đang chỉnh sửa quy định theo hướng cụ thể hơn nữa. Thứ nhất là đa dạng hóa trình tự, thủ tục. Thứ hai là phương án bồi thường, tái định cư phải đi trước, trước khi có ý định thu hồi đất của người dân phải có phương án tái định cư ổn định cho người dân. Thứ ba là lập quỹ hỗ trợ cho những người mất tư liệu sản xuất”, ông Mai Văn Phấn thông tin.

Empty

Trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng đến việc giữ lại nhiều đất nhất có thể để phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Về vấn đề tập trung đất đai cho tư liệu sản xuất, ông Phấn cho biết, hiện nay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần, so với trước đây là 10 lần. Đồng thời, bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đến là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

“Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phân tích.

Empty

Hiện nay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần, so với trước đây là 10 lần. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cuối cùng, ông Mai Văn Phấn cho biết, người nông dân hoàn toàn có thể linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

“Hiện trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất có 10,2 triệu hộ là nông dân. Trong 33 triệu ha đất có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Qua thống kê, có thể thấy tỷ lệ đất là dành cho nông lâm nghiệp là rất lớn”, ông Mai Văn Phấn nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất