| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/04/2024 , 09:32 (GMT+7)
Võ Hoàng Cương

Võ Hoàng Cương

Bí thư Huyện ủy Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp 09:32 - 04/04/2024

Chuyện phải làm

Học tập, làm theo Bác Hồ 'tự lực, chăm chỉ, hợp tác', quán triệt thông suốt, thực hiện tốt trong hệ thống chính trị và lan tỏa thật sâu rộng trong toàn dân.

Người xưa có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” lâu nay nhiều người vẫn nhắc. Nhưng thời kỳ công nghệ 4.0 thông tin bùng nổ, một sự kiện xảy ra, chỉ trong vài phút có thể chia sẻ khắp toàn cầu. Thế nên, có nhiều điều đã làm thay đổi truyền thống vốn có lâu nay, đâu đó xuất hiện câu “Sống một ngày khỏe gom một mẻ dại, khôn”.

Thiết nghĩ, điều này thật thấm thía đối với những người nông dân gắn bó quanh quẩn bên mảnh vườn, thửa ruộng, bởi xưa nay, nông dân chúng ta được mệnh danh là người ít đi đó, đi đây. Nếu bà con biết ứng dụng công nghệ thông tin và để ý một chút, chỉ cần có sức khỏe, ngồi ở nhà cũng có thể “gom khôn, nhặt dại”. 

Nhờ vào đó, nhiều bà con nông dân đã nắm bắt kịp thời những sự kiện liên quan, tự trang bị những kiến thức và kinh nghiệm sống. Bà con có thể cân nhắc và đưa ra quyết định cho tương lai, sự nghiệp của chính mình một cách đúng đắn. Do đó, chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ năm nay của tỉnh Đồng Tháp với phương châm phát huy tinh thần “tự lực, chăm chỉ, hợp tác”, trở nên thật ý nghĩa.

Mỗi mùa vụ đi qua là một bài học lớn, không chỉ về tinh thần, sức mạnh, giá trị của sự tự lực, chăm chỉ, hợp tác mà còn là thước đo mức độ hoàn thiện của mỗi người trên lĩnh vực mình đảm nhiệm. 

Mỗi người chúng ta đều phải tự lực phấn đấu, học tập, lao động, sáng tạo không ngừng. Chăm chỉ miệt mài bằng sức lực, trí lực. Hợp tác với những người cùng ngành nghề, hoàn cảnh và khát vọng. Từ đó, dễ dàng hiện thực hóa ước muốn, giảm bớt rủi ro, tạo ra những giá trị bền vững. Nếu soi rọi ở góc tiếp cận này, mỗi mùa vụ đi qua có nhiều điều làm chúng ta khó nói.

Lâu nay ai cũng nói “Phải liên kết lại, hợp tác lại trong sản xuất để tạo liên kết trong sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nông sản với tất cả những gì đang có" nhưng rồi ước mơ vẫn là mơ ước bởi mọi ước mơ và thực tại vẫn còn một khoảng cách chính là lòng người. 

Ở xứ Lai Vung (Đồng Tháp) là một điển hình dễ thấy, bao năm rồi nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ra đời. Tuy nhiên, không ít HTX vẫn tồn tại khó khăn về số lượng người tham gia hạn chế, cách vận hành dù được cải tiến nhưng mang tư duy truyền thống.

Đa phần anh em cứ chăm bẵm vào lợi nhuận đơn thuần, còn cái lớn hơn, sâu hơn, bền vững hơn về sự hài hòa lợi ích của người sản xuất, thành viên HTX, sự phát triển bền vững rạch ròi giữa người bán, người mua, ít ai nghĩ đến.

Chứ đừng nói đến việc làm cho thật tốt, cũng chính vì vậy, người sản xuất cần cân nhắc thậm chí suy tư, day dứt việc mình có nên minh bạch quá trình sản xuất hay không? Minh bạch từ chi phí đầu, quy trình sản xuất. Việc đảm bảo tính an toàn trong quy trình sản xuất và sản phẩm vẫn đang là câu chuyện khó.

Bước đi đầu tiên không thể suôn sẻ, làm sao liên kết được với người khác? Vì thế, mang tiếng tham gia HTX/THT, Hội quán nhưng cái kiểu việc ai nấy làm vẫn đang phổ biến. Từ đó, chúng ta khó có thể xác định, công khai chi phí đầu vào. Minh bạch sản phẩm để xác định giá trị thực của nông sản trong mỗi vụ mùa. 

Hậu quả khi bán, chúng ta không thể ngồi thương thảo hợp đồng với bất cứ ai vì sợ ký với họ “một” rồi thị trường tăng “hai” làm sao? Do đó, nhiều bà con nông dân không còn cách nào khác là tự hài lòng với việc gửi sự nghiệp của mình vào vận số rủi may, hàng ngày cứ thắp hương khấn vái trời đất, thánh thần gia hộ “cho con trúng mùa, trúng giá”, vậy thiên hạ còn lại thì sao? Ít ai nghĩ tới.

Trớ trêu thay, nông dân muốn cậy trời nhưng lại không ưng thuận hợp tác với trời, không liên kết được với thiên hạ vì thiên hạ nghĩa là trời ở mặt đất, còn thiên thượng thì vô hình. Vô tướng ở đâu tận mây xanh chưa ai nhìn thấy bao giờ, vì thế khó khăn cứ chồng chất theo năm tháng là điều khó tránh. 

Trong thực tế, nếu bán một ký nông sản cho doanh nghiệp với giá 1 đồng mà doanh nghiệp bán lại người tiêu dùng 2 đồng, tâm lý người nông dân xót lắm, thậm chí có người còn đau khổ, nhất quyết mùa sau không liên kết với doanh nghiệp nữa. Thế nhưng, khi doanh nghiệp chỉ bán lại được nửa đồng, người sản xuất đa phần có tâm lý “mình hên quá” nếu không bán được cho doanh nghiệp thì chết rồi. Thậm chí, một số người chỉ biết lợi nhuận của mình, còn người mua phân phối, chế biến lại có ra sao là việc của họ. Chính sự vô cảm đó, tôi nghĩ rằng nếu có cơ hội gặp lại nhau ai dám nhìn mình? 

Để có được lợi nhuận người sản xuất phải chăm chỉ, cần mẫn lắm… Nhưng rủi ro dịch bệnh, thiên tai xảy ra, vườn ruộng vẫn ở đó, vụ mùa thất thu vẫn còn vụ mùa sau, còn cả chính sách hỗ trợ khắc phục, khôi phục của Nhà nước.

Doanh nghiệp thì sao? Cũng là người như mình nhưng có nhiều khó khăn hơn. Nhất là khi doanh nghiệp thua lỗ có thể phá sản không gượng dậy nổi, có người mất khả năng thanh toán vốn đầu tư ngân hàng, mất trắng sự nghiệp, có khi còn vướng vào lao lý… đau lắm phải không!

Tinh thần hợp tác phải trên nền tảng của sự bền vững, suy cho cùng vẫn là sự hài hòa lợi ích với nhau. Để tăng thêm một đồng lợi nhuận doanh nghiệp phải đầu tư kênh phân phối, hệ thống vận tải, kho bãi logistic để giữ chất lượng sản phẩm tốt nhất. 

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tổ chức đội ngũ nhân viên săn tìm vùng nguyên liệu thông qua các HTX/THT, Hội quán, giám sát quy trình sản xuất an toàn; Xây dựng hệ thống tổ chức nghiên cứu phân tích nhu cầu thị trường, yếu tố thời vụ, sự cạnh tranh của hàng hóa, hoạt động truyền thông quảng bá…

Được bao nhiêu người nông dân nghĩ cho công sức và chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra? Phải chăng “khoảng trống” cần được khai thông, qua việc kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc liên kết và hợp tác giữa những người sản xuất với nhau cũng lắm bộn bề. Nếu rải vụ chi phí đầu tư từng thời điểm khác nhau. Không ai chịu hài hòa lợi ích cho nhau, chen chúc nhau làm chính vụ rồi tranh nhau bán. Chưa kể đến việc giấu nghề vì sợ người khác học hỏi sẽ làm tốt hơn, nếu có chia sẻ kinh nghiệm, cũng giữ lại một “bí kíp” nào đó của riêng mình. Hệ quả “hên, xui” vẫn mãi là vòng luẩn quẩn.

Từ đó nên học tập và làm theo Bác Hồ tinh thần “tự lực, chăm chỉ, hợp tác” không chỉ quán triệt thông suốt, thực hiện tốt trong hệ thống chính trị, lan tỏa thật sâu rộng và biến thành hành động trong toàn dân, đặc biệt là người nông dân ở xứ sở đất sen hồng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm