| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia nêu thách thức với các nguồn nước tại Sơn La

Thứ Tư 02/04/2025 , 18:46 (GMT+7)

Sơn La Thách thức với các nguồn nước tại Sơn La hiện nay đến từ BĐKH, nguy cơ ô nhiễm do chế biến nông sản, chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn…

Ngày 2/4, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức Hội thảo tư vấn “Thực trạng và giải pháp về quản lý, bảo vệ, sử dụng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh”.

Tiềm năng lớn

Sơn La là địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên nước với 2 con sông lớn là sông Đà, dài 280 km với 32 phụ lưu; sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu, cùng 35 suối lớn. Mật độ sông suối trung bình từ 0,5-1,8 km/km2, nhưng phân bố không đều, sông, suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh do địa hình núi cao, chia cắt sâu.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Nga.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Nga.

Theo ước tính, tổng lượng nước mặt hàng năm của Sơn La đạt khoảng 19 tỷ m³, chủ yếu từ nguồn nước mưa được tích trữ trong hệ thống sông Đà và sông Mã. Trữ lượng nước dưới đất ước tính trên 3 triệu m³/ngày đêm; ngoài ra, còn nhiều mạch nước dưới đất chưa được phát hiện và khai thác.

Đến nay, toàn tỉnh có 182 công trình được cấp giấy phép tài nguyên nước, trong đó, 120 giấy phép do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực; 62 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 619 nguồn nước nội tỉnh, 35 nguồn nước liên tỉnh; 63 hồ chứa thủy điện được cấp giấy phép khai thác nước mặt theo thẩm quyền; 110 hồ chứa thủy lợi được quản lý, phân cấp theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Thách thức từ BĐKH và ô nhiễm môi trường

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề về: Công tác quy hoạch, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ tài nguyên nước gắn với bảo vệ môi trường; việc ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng tài nguyên nước; các thách thức trong quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn nước…

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, một trong những thách thức lớn hiện nay là sự thiếu hụt dữ liệu đầy đủ và cập nhật về tài nguyên nước, bao gồm trữ lượng, chất lượng, tình hình khai thác, sử dụng. Việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ thông tin còn hạn chế, gây khó khăn cho việc đưa ra các quyết định quản lý dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Hàng năm, Sơn La tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Nguyễn Nga.

Hàng năm, Sơn La tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Nguyễn Nga.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý tài nguyên nước. Sự thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến nguồn nước và chất lượng nước. Tình trạng ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm cả ô nhiễm nguồn nước dưới đất do chất thải chăn nuôi và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước còn hạn chế, dẫn đến sự tham gia chưa đầy đủ của người dân trong các hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn nước.

Ứng dụng AI trong dự báo, cảnh báo sớm về ô nhiễm nước

Nhiều giải pháp để bảo vệ, sử dụng bền vững các nguồn nước đã được các đại biểu đề xuất, từ hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường năng lực quản lý, cải thiện hệ thống giám sát đến thúc đẩy sử dụng bền vững, bảo vệ nguồn nước và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Một trong những ý kiến đáng lưu ý, theo đại diện Trường Đại học Tây Bắc là việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo, cảnh báo sớm về tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nước. Hiện nay, một số địa phương đã ứng dụng thành công Big Data và AI trong quản lý tài nguyên nước, có thể kể đến như: Hệ thống cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng AI trong giám sát chất lượng nước ở TP. Hồ Chí Minh; Dự án sử dụng AI để phát hiện rò rỉ nước tại Hà Nội.

Các công nghệ này sẽ giúp cơ quan chức năng và doanh nghiệp theo dõi liên tục chất lượng, trữ lượng nước, phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm, thiếu nước, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời. Không chỉ thế, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên nước còn hướng đến tăng độ chính xác trong giám sát và dự báo; giảm thiểu tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu; tối ưu hóa sử dụng nước và tiết kiệm tài nguyên; hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả…

Xem thêm
Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc

Trong quá trình triển khai Đề án Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát hiện và đánh giá tài nguyên 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng.

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.

Bình luận mới nhất