| Hotline: 0983.970.780

Đảo Bé vào mùa “khát” nước ngọt

Thứ Sáu 28/03/2025 , 15:34 (GMT+7)

Đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang bước vào mùa cao điểm đón khách du lịch nhưng Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt lại vận hành không hiệu quả.

Muôn kiểu vẫn thiếu nước

Đảo Bé nằm cách đảo Lớn - khu vực trung tâm của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 3 hải lý. Dù chỉ có diện tích 0,69 km2 với hơn 400 nhân khẩu thuộc 80 hộ dân sinh sống nhưng đảo Bé được ví như “Maldives” của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, đảo Bé đón gần 60.000 lượt khách cả trong và ngoài nước.

Có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch nhưng vấn đề cản trở phát triển kinh tế của đảo Bé chính là thiếu nước ngọt. Hơn 30 năm trước, ngành địa chất đã khoan thăm dò hàng trăm mũi trên hòn đảo này nhưng tuyệt nhiên không gặp mạch nước ngầm nào. Chính vì vậy, người ta ví đảo Bé là “đảo khát”. Vì không có nước ngọt nên hơn 100 gia đình ở đây chỉ sống nhờ vào nước trời. Tất cả các mái nhà trên đảo đều biến thành nơi hứng nước mưa dẫn vào các bể chứa bên dưới.

Đảo Bé hút khách du lịch nhờ vẻ đẹp tự nhiên. Ảnh: Văn Hà. 

Đảo Bé hút khách du lịch nhờ vẻ đẹp tự nhiên. Ảnh: Văn Hà. 

Để “giải khát” cho cư dân trên đảo, chính quyền huyện Lý Sơn và cả tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần thuê các đoàn địa chất ra khoan thăm dò, tìm nguồn nước ngọt cho đảo nhưng đều bất thành.

Tháng 8/2012, từ nguồn tài trợ, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt An Bình được đầu tư xây dựng, trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Theo thiết kế lúc lắp đặt, nhà máy có công suất khử nước biển thành nước ngọt khoảng 100 m3/ngày đêm, đáp ứng 60-70% nhu cầu nước ngọt dùng trong sinh hoạt thiết yếu của người dân.

Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, huyện Lý Sơn giao cho xã An Bình (tức đảo Bé) quản lý và khai thác. Tháng 3/2020, Lý Sơn chỉ còn một đơn vị hành chính cấp huyện, nhà máy nước được giao cho Đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị và môi trường trực tiếp quản lý, điều hành hơn 4 năm qua.

Vì hoạt động trong môi trường nước biển, lại không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên nên hai tổ máy của nhà máy nước này bị xuống cấp và hư hỏng.

Ông Phạm Văn Mịnh, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị và môi trường cho biết, hiện một tổ máy hư hỏng từ năm 2021 chưa khắc phục nên chỉ có một tổ máy công suất 3,5 m3/giờ hoạt động. Việc vận hành cung cấp nước còn lệ thuộc vào nguồn điện từ nhà máy điện và thủy triều nên mỗi ngày nhà máy lọc và cung cấp khoảng từ 30-35m3 phục vụ Nhân dân.

Với công suất này, mức đáp ứng của nhà máy tiếp tục giảm sâu so với thiết kế ban đầu. Trong khi đó, bình quân mỗi năm có gần 60.000 lượt du khách ra đảo Bé, dẫn đến khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ.

Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt lại không vận hành hiệu quả. Ảnh: Văn Hà.

Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt lại không vận hành hiệu quả. Ảnh: Văn Hà.

“Mấy năm qua, dù nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nhà nào cũng vẫn tích trữ nguồn nước mưa trong lu. Còn vào mùa nắng, du khách nhiều thì phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chở sang với giá từ 250.000 đồng - 350.000 đồng/khối kể cả công vận chuyển”, bà Trần Thị Mai (73 tuổi) cư dân đảo Bé cho biết.

Đâu là giải pháp bền vững?

Dù khát nước, nhưng lượng du khách ra đảo Bé ngày càng đông, người dân đảo Bé cũng thạo dần với việc làm du lịch. Khu vực quanh bãi tắm, những chòi bằng lá dừa đơn sơ để che nắng được dựng lên. Dân đảo cho thuê áo phao, kính lặn biển, dịch vụ tắm nước ngọt... Dưới những ghềnh đá, nhiều người tận dụng làm nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món hải sản do tự mình nướng lấy. Chỉ có điều một phần không nhỏ doanh thu từ du lịch được bà con dùng để sang đảo bên… mua nước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, trong điều kiện đặc thù của đảo, không thể kéo nước từ đất liền ra, việc lọc nước biển thành nước ngọt và trữ nước mưa không phải là giải pháp bền vững, do đó, để giải bài toán “khát” nước ngọt của cư dân Lý Sơn, nhất là đảo Bé, phương án khả thi nhất là kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án ở Lý Sơn, muốn phát triển bền vững phải tính toán đến việc đảm bảo nguồn nước.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác vận hành tại Nhà máy lọc nước An Bình. Ảnh: Văn Hà. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác vận hành tại Nhà máy lọc nước An Bình. Ảnh: Văn Hà. 

“Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 nhà máy nước sạch cung cấp nước cho người dân tại đảo Bé An Bình và đảo Lớn. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nước ngọt của người dân du khách tăng cao vào mùa hè sắp tới, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với đơn vị vận hành khảo sát những hư hỏng để bố trí kinh phí khắc phục.

Mong UBND tỉnh quan tâm hằng năm bố trí kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng để huyện thực hiện đảm bảo cấp nước cho người dân”, bà Hương cho hay.

Xem thêm
Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc

Trong quá trình triển khai Đề án Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát hiện và đánh giá tài nguyên 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng.

5 trường hợp từ chối giao khu vực biển

Theo Nghị định số 65/2025/NĐ-CP, Chính phủ quy định có 5 trường hợp từ chối giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân.