| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên bên bến My Lăng một thời mộng mị

Thứ Bảy 14/10/2023 , 09:21 (GMT+7)

‘Chuyện tình khó quên’ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay, 14/10, chia sẻ những rung động duyên nợ của thi sĩ Yến Lan, tác giả bài thơ ‘Bến My Lăng’ nổi tiếng.

Tượng bán thân thi sĩ Yến Lan của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa.

Tượng bán thân thi sĩ Yến Lan của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa.

“Chuyện tình khó quên” của thi sĩ Yến Lan gây tò mò cho công chúng ngay từ cái bút danh. Chàng trai có tên thật Lâm Thanh Lang đã ghép nối tên gọi hai thiếu nữ mà mình quen biết thuở thanh xuân là Thái Thị Bạch Yến và Nguyễn Thị Lan, để thành bút danh Yến Lan.

Người đẹp Thái Thị Bạch Yến và người đẹp Nguyễn Thị Lan đều là học trò của thi sĩ Yến Lan, khi ông dạy học ở An Nhơn, Bình Định. Người đẹp Thái Thị Bạch Yến rất ngưỡng mộ thầy Yến Lan, nhưng lấy người khác làm chồng. Còn người đẹp Nguyễn Thị Lan ở lại bên cạnh thầy Yến Lan để cùng vun đắp “chuyện tình khó quên”.

Người đẹp Nguyễn Thị Lan có phải là mối tình đầu của thi sĩ Yến Lan không? Không phải, thuở trái tim mới lớn rộn nhịp cuồng si, Yến Lan say đắm một cô hàng xóm dòng dõi trâm anh thế phiệt. Dù Yến Lan có chút tên tuổi nhưng vẫn bị bố mẹ mỹ nhân kia khước từ. Đến ngày người trong mộng đi làm dâu xứ khác, Yến Lan đã trút xuống thơ nhiều nỗi day dứt: “Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên/ Cha mẹ em giàu dễ để yên/ Cho một lứa đôi không xứng vế/ Dập ngay nguồn lửa mới vừa nhen/ Đang lúc mùa thu ngập lá rơi/ Chồng em đến cổng đón em rồi/ Cây hai vườn vẫn giao cành lá/ Chỉ có mình anh đứng lẻ loi”.

Cũng may, khi tâm hồn run rẩy của thi sĩ Yến Lan đổ vỡ vì duyên mệnh éo le, thì người đẹp Nguyễn Thị Lan xuất hiện và gắn bó với ông qua bao nhiêu giông bão áo cơm lẫn ân tình. Bà Nguyễn Thị Lan nhỏ hơn Yến Lan 3 tuổi, chấp nhận làm vợ một thi sĩ nghèo. Bà theo ông tập kết ra Bắc, bà cùng ông nuôi dạy con cái, rồi bà cùng ông trở lại xóm chợ bên dòng sông Côn sống yên vui đến đầu bạc răng long.

Thi sĩ Yến Lan từ tuổi đôi mươi đã nổi tiếng với bài thơ “Bến My Lăng” đầy mộng mị xa vắng: “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Thi sĩ Yến Lan cùng những người bạn thơ Bình Định là Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Chế Lan Viên lập nên nhóm “Bàn Thành tứ hữu” nức danh thời Thơ Mới.

Vợ chồng thi sĩ Yến Lan những ngày sống tại 37 Hàng Quạt, Hà Nội năm 1969.

Vợ chồng thi sĩ Yến Lan những ngày sống tại 37 Hàng Quạt, Hà Nội năm 1969.

Thi sĩ Yến Lan tài hoa nhưng không đào hoa, vì ông có được một người vợ thủy chung và yêu chồng hết mực. Trong hồi ký “Yến Lan – Nhớ mãi về anh” phát hành năm 2011, bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Năm 1937, cha tôi ép gả tôi cho một gia đình giàu có, tôi phải vâng lời. Hai tháng ở nhà chồng, tôi như bị bỏ tù, lại phải chịu đòn roi nhà chồng, tôi bỏ đi Quy Nhơn, rồi mua vé tàu vào Nha Trang. Sau, cha tôi đến tìm bảo tôi về. Hàng ngày, tôi đi chợ mua thức ăn ngang qua chùa Ông, nơi anh ở. Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ.

Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy học ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”, nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20/4/1944”.

Ngoài hồi ký “Yến Lan – Nhớ mãi về anh” được người vợ tào khang Nguyễn Thị Lan công bố, “chuyện tình khó quên” của thi sĩ Yến Lan còn thể hiện rất rõ trong chính thơ ông. Khoảnh khắc mà bà Nguyễn Thị Lan khẳng định “cũng có để ý” đến thi sĩ Yến Lan, thì ông viết bài thơ “Hoa tặng” nhiều gửi gắm vào năm 1936: “Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa/ Tặng em, ngấp nghé chực quanh nhà/ Người không ra đón, hoa dần héo/ Héo cả làn mây đỉnh núi xa”.

Còn khoảnh khắc mà bà Nguyễn Thị Lan thổ lộ “Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”, nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý”, thì ông viết bài thơ “Sen nở” vào năm 1941: “Đêm nay sen nở lòng tươi thắm/ Hứng bóng nàng qua những nhịp cầu/ Từ tuổi tằm non sang tuổi bướm/ Đời nàng chưa nếm đủ mùi dâu”

Cả đời bà Nguyễn Thị Lan dành hết cho thi sĩ Yến Lan. Bao nhiêu tủi cực, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu hờn ghen… bà đều nhẫn nhịn gánh vác. Thi sĩ Yến Lan cảm nhận sâu sắc điều ấy và dành cho vợ những lời thơ tri ân: “Thiên nhiên hào phóng đến ngông cuồng/ Mưa suốt mùa mưa chẳng chịu dừng/ Khác thể phần em sao tặn tiện/ Một đời mắt lệ chỉ rưng rưng”.

Tuyển tập tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của thi sĩ Yến Lan.

Tuyển tập tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của thi sĩ Yến Lan.

Thi sĩ Yến Lan qua đời ngày 5/10/1998, ở tuổi 82. Thi sĩ Yến Lan được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Bà Nguyễn Thị Lan qua đời ngày 6/1/2013, ở tuổi 94. Những ngày họ gắn bó và nương tựa nhau xứng đáng được thế hệ sau thán phục và lưu truyền.

Kỷ niệm 25 năm tác giả bài thơ “Bến My Lăng” rời xa dương gian, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Thi sĩ Yến Lan nợ em cài bên cửa một vầng trăng” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 14/10.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.