| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của giáo sư Dương Quảng Hàm

Thứ Bảy 31/08/2024 , 06:12 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên giữa giáo sư Dương Quảng Hàm và hiền thê Trần Thị Vân lớn hơn 2 tuổi, được chia sẻ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 31/8.

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Chuyện tình khó quên của giáo sư Dương Quảng Hàm xuất phát từ một cuộc hôn nhân do mai mối giữa hai dòng họ. Ở làng Phú Thị (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có hai gia tộc nổi tiếng là họ Dương và họ Trần đều đỗ đạt khoa cử, nhưng lại có hiềm khích tích tụ. Để hóa giải oán cừu, họ Dương và họ Trần quyết định kết tình thông gia. Anh trai của Dương Quảng Hàm được hứa hôn với chị gái của Trần Thị Vân.

Tuy nhiên, trước ngày cưới thì chị gái của Trần Thị Vân đột ngột qua đời. Lời đính ước giữa hai dòng họ không thể bị phá vỡ, thế là cuộc hôn nhân khác được nhanh chóng thiết lập cho Dương Quảng Hàm và Trần Thị Vân.

Giáo sư Dương Quảng Hàm sinh ngày 14/7/1898. Bà Trần Thị Vân lớn hơn ông Dương Quảng Hàm 2 tuổi, bước về làm dâu theo đúng nghi lễ phong kiến còn sót lại ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Bà Trần Thị Vân tư chất thông minh, thời thơ ấu cũng được học chữ Nho, nhưng lại thể hiện năng khiếu ở lĩnh vực kinh doanh. Năm 8 tuổi, Trần Thị Vân đã theo mẹ ra chợ mua bán, và nhanh chóng biết cách tăng vốn sinh lời.

Đám cưới Dương Quảng Hàm và Trần Thị Vân tổ chức năm 1914. Sau hôn lễ, Dương Quảng Hàm lên Hà Nội học, còn Trần Thị Vân ở quê cùng bố mẹ chồng và tiếp tục buôn bán ở chợ Mễ Sở. Thỉnh thoảng Trần Thị Vân buôn vải nâu từ Mễ Sở lên Hà Nội và ghé thăm chồng.

Chuyện tình khó quên giữa Dương Quảng Hàm và Trần Thị Vân chỉ chính thức có những va chạm nhớ thương vào năm 1920. Khi Dương Quảng Hàm thi đỗ thủ khoa vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thì bà Trần Thị Vân chuyển lên đất Thăng Long đoàn tụ với chồng. Bà Trần Thị Vân mua căn nhà số 98B Hàng Bông để làm tổ ấm và cũng là nơi bà mở hiệu buôn Đông Phú.

Hôn nhân của Dương Quảng Hàm không phát khởi từ tình yêu, nhưng tình yêu được vun đắp từ hôn nhân. Bà Trần Thị Vân tôn thờ chồng và gánh vác mọi thứ lo toan cơm áo để chồng yên tâm sách vở.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với khóa luận “Khổng Tử học và học thuyết Khổng Mạnh trong nền tảng giáo dục cũ”, Dương Quảng Hàm dạy học ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An- Hà Nội) và tham gia biên soạn sách giáo khoa. Nhiều tác phẩm của giáo sư Dương Quảng Hàm vẫn còn giá trị đến hôm nay như “Quốc văn trích diễm”, Việt Nam văn học sử yếu”, “Việt Nam thi văn hợp tuyển”…

Cuộc sống vợ chồng của giáo sư Dương Quảng Hàm năm tháng êm đềm, được các con họ nhớ lại: "Mỗi sáng, mẹ chúng tôi chuẩn bị sẵn một ấm trà ngon, cùng bố chúng tôi thưởng thức và đọc báo. Sau khi tiễn bố tôi đến trường, thì mẹ tôi mới mở cửa hàng để kinh doanh. Bố mẹ chúng tôi không bao giờ to tiếng với nhau, luôn đối đãi với nhau ân cần và lễ độ".

Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, giáo sư Dương Quảng Hàm được cử làm Tổng Thanh tra Trung học của Bộ Giáo dục. Đáng tiếc, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, giáo sư Dương Quảng Hàm đã hy sinh vào ngày 23/12/1946. Mãi 54 năm sau, ngày 5/7/2000, giáo sư Dương Quảng Hàm mới được truy điệu và công nhận liệt sĩ.

Về sự ra đi đột ngột của giáo sư Dương Quảng Hàm, con trai út của ông là Dương Tự Minh chia sẻ: “Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, bố mẹ tôi được dân quân tự vệ đưa đến đền Hàng Bạc. Từ nơi này, tất cả người tản cư sẽ được dân quân tự vệ hỗ trợ di chuyển ra vùng tự do bằng cách đi qua bãi đất dưới chân cầu Long Biên có lính Pháp chiếm đóng. Dân quân tự vệ có chủ trương: Đàn bà đi trước, đàn ông đi sau. Cha mẹ tôi đành chia tay, để mẹ tôi đi trước và hẹn gặp nhau ở quê nhà.

Thế nhưng, khi mẹ tôi về đến quê, ngóng trông nhiều ngày vẫn chưa thấy bóng dáng chồng đâu. Đến khi có người báo tin, gia đình tôi mới biết, quá trình ra khỏi nội thành, cha tôi cùng nhóm dân quân tự vệ gặp phục kích của địch, bị bắn chết. Mặc dù vậy, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp mẹ con tôi vẫn hy vọng cha trở về. Sau này, giải phóng Thủ đô, niềm tin đó mới thực sự dập tắt. Đến nay thi thể cha tôi vẫn không rõ ở đâu”.

Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1945.

Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1945.

Nhìn lại cuộc đời giáo sư Dương Quảng Hàm, thế hệ sau ngoài việc ngưỡng mộ tinh thần cống hiến của ông, còn bày tỏ sự kính trọng dành cho người vợ đã đứng phía sau vun đắp cho sự nghiệp của ông. Bà Trần Thị Vân đã cùng giáo sư Dương Quảng Hàm tạo ra một gia tộc danh giá trong đời sống xã hội.

Trong số tám người con của vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm, nhiều người đã biết đến nhân vật Dương Thị Thoa (bí danh Lê Thi) là một trong hai thành viên Hội Phụ nữ Cứu quốc đã vinh dự được kéo cờ đỏ sao vàng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bà Dương Thị Thoa lúc sinh thời đã kể lại giây phút lịch sử ấy: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờ ở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, gặp một chị mặc quần áo Tày, hai chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.

Ngoài bà Dương Thị Thoa (1926-2020), 7 người con còn lại của giáo sư Dương Quảng Hàm đều được bà vợ đảm đang Trần Thị Vân nuôi dạy thành tài, như bác sĩ Dương Bá Bành, phát thanh viên Dương Thị Ngân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái, nhà báo Dương Thị Duyên, giáo sư Dương Thị Cương. 

Người con út của giáo sư Dương Quảng Hàm là ông Dương Tự Minh (sinh năm 1934) hiện vẫn cư ngụ trong ngôi nhà 98B Hàng Bông, Hà Nội mà thuở nào vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm - Trần Thị Vân từng ấm lạnh hạnh phúc bên nhau.

Ông Dương Tự Minh cho biết: “Ngôi nhà 98B Hàng Bông phần lớn từ tích lũy nhiều năm buôn bán của mẹ tôi. Cha tôi là một nhà nghiên cứu, suốt ngày chỉ đọc sách và viết lách. Vì vậy tất cả đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Bà vừa lo buôn bán kiếm tiền, vừa chỉ huy mọi việc lớn nhỏ. Cái tên Trần Thị Vân của bà chẳng mấy ai biết, vì mọi người luôn gọi bà là “bà Dương Quảng Hàm”. Và mẹ tôi cũng hãnh diện tự xưng với cái tên danh giá ấy”.

Bà Trần Thị Vân có được cuộc hôn nhân kéo dài 32 năm với giáo sư Dương Quảng Hàm. Trước khi mất ở tuổi 72, bà Trần Thị Vân vẫn day dứt vì chưa tìm được hài cốt giáo sư Dương Quảng Hàm, nên bà viết một bài thơ khắc khoải bái vọng chồng: “Vẫn mong ông trường thọ/ Thọ đến tuổi một trăm/ Ngày ngày cơm hai bữa/ Hai người ta cùng ăn/ Đêm đêm trên giường ngủ/ Hai người ta cùng nằm/ Trông bầy con thơ dại/ Cùng dạy bảo khuyên răn/ Ngồi mát trên sân thượng/ Cùng kể chuyện trăm năm/ Tôi chỉ chăm buôn bán/ Ông theo dõi nghề văn/ Lo sinh kế đầy đủ/ Xem thế cuộc thăng trầm/ Lúc sống cùng nhà ở/ Lúc chết cùng mồ nằm”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Giáo sư Dương Quảng Hàm lương duyên lưu giữ trang sử trang văn” lúc 20h ngày 31/8 trên Nông nghiệp Radio.   

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.