| Hotline: 0983.970.780

Có chuyện gì lấn cấn cứ về với dân là tiêu tan

Thứ Năm 25/03/2021 , 07:29 (GMT+7)

80 con bê Hà Nội hỗ trợ cho hộ nghèo huyện Ba Vì, chị Đỗ Thị Thu Thủy, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện đều nhận diện và thuộc đặc tính từng con.

Nhìn mũi là biết bò khỏe hay ốm

Bởi thế, thi thoảng người dân lại gọi điện mô tả triệu chứng để chị Đỗ Thị Thu Thủy bắt bệnh, chữa trị giúp. Con bê giá cả chục triệu nên là tài sản lớn trong gia đình, là cả niềm hi vọng nên bà con nông dân rất quý, bê mà ốm có khi gia chủ cũng muốn ốm theo.

Chị Hợp ở xã Phú Cường, Ba Vì là một trường hợp như vậy. Con bê nhà chị Hợp đã hơn 10 ngày kém ăn, gày trơ xương, mũi khô chứ không ướt như thường lệ là chị Thủy biết bị ốm, lại phải hội chẩn cùng với thú y xã để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh. Mất thêm mấy lần xuống xã nữa con bê mới khỏe trở lại.

Những hộ nghèo trong xã đa phần thuộc gia đình hoàn cảnh, không vợ chồng trẻ mới ra ở riêng thì cũng là già cả, ốm đau hay thiếu lao động. Trước khi phát bê cho họ, chị Thủy phải cho tập huấn rồi xuống nhắc nhở việc trồng cỏ làm thức ăn, sửa sang chuồng trại sao cho hợp lý nhất có thể theo từng điều kiện kinh tế.

Chị Đỗ Thị Thủy, cán bộ khuyến nông Hà Nội đang kiểm tra bò trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đỗ Thị Thủy, cán bộ khuyến nông Hà Nội đang kiểm tra bò trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đó có thể là một chuồng lợn từ lâu không nuôi, một cái chòi, căn bếp bỏ hoang được tận dụng lại hoặc một chuồng dựng mới bằng khung gỗ, khung tre phủ mái bạt.

Ngày nhận bê, Trạm Khuyến nông Ba Vì cử đại diện của các gia đình đi đến trại giống để chọn lựa, gắp thăm. Tuần đầu tiên đưa về chính là thời điểm mà cán bộ khuyến nông bận rộn nhất vì cần hướng dẫn từ chuyện bê nhát phải lấy tay che mắt, xoa lên vú để làm quen ra sao, vận chuyển bị xây xát xử lý thế nào, rồi đến stress, rối loạn tiêu hóa, khi chúng ăn dây khoai lang hay cỏ mới gặp mưa bị đau bụng phải chữa ngay để khỏi bị sút cân,...

Mỗi bê mỗi tính, có con không ăn được rơm mà chỉ thích cỏ, có con lại chỉ thích ăn cám nên phải luyện dần. Sau đó là hàng loạt các kỹ thuật khác khi chúng lớn, như theo dõi động dục, chăm sóc chửa giai đoạn tháng ba tháng bảy, đỡ đẻ, hộ lý cho mẹ, cho con mới sinh…     

Gần 30 năm gắn bó với nghề từ khi hệ thống này thành lập năm 1993, chị Thủy tâm sự, hồi ấy khái niệm khuyến nông mới đến mức vẫn bị dân nhầm là thuế nông với thủy nông đã đành mà còn lẫn nhau về nhiệm vụ với phòng nông nghiệp. Sau đó, khuyến nông đã đi theo con đường riêng để chuyên tâm làm các mô hình đào tạo từ dân cho đến cán bộ.

Những con bò lai BBB trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những con bò lai BBB trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi đầu, có những lúc chị Thủy phải ở cơ sở mấy ngày để phụ trách tiêm phòng cho trâu đàn, bò đàn trên núi xuống, không có thừng chão gì nên phải lựa thế đứng ra sao cho khỏi bị đá. Tất cả những chủ nhiệm HTX, lãnh đạo xã hầu như chị đều biết nhà riêng vì năng tìm đến bàn bạc công việc. Qua thông tin tuyên truyền, hoạt động khuyến nông dần mạnh lên, đi sâu vào làng, vào xã và tới tận từng gia đình.

Sức khỏe hạn chế vì đã trải qua hai lần phẫu thuật, đặc biệt là năm ngoái bị tắc đường dẫn mật, chị Thủy phải nằm viện hơn 20 ngày, truyền tới 170 chai nước, thuốc. Tốn kém đã đành mà người còn yếu đến mức cái điện thoại cũng không với nổi, phải để ngay cạnh gối nằm mới bấm được.

Ấy vậy mà khi nghỉ phép xong, người mới hồi lại chị Thủy đã xuống các trang trại. Ba Vì có 7 xã miền núi, khá xa xôi nhưng chị vẫn đi xe máy đến đều đặn. Có những mô hình dù đã hết thời gian nhưng khi thời tiết thay đổi, chuyển mưa rét con vật dễ bị ốm chị vẫn xuống để hướng dẫn cho dân cách che bạt chống gió lùa, kiểm tra chuồng xem có thấm dột hay không. Chị cho biết, mùa đông cũng là mùa hay phát sinh bệnh lở mồm long móng, hay xảy ra tình trạng vật nuôi chết rét nên cần phải tuyệt đối phòng ngừa.

“Cứ mỗi khi có chuyện gì lấn cấn trong đầu, về với dân là tôi cảm thấy tiêu tan hết, còn cứ ngồi lì ở cơ quan nhiều tôi không chịu nổi. Niềm vui của họ khi chăn nuôi đạt hiệu quả cũng chính là niềm vui của chính tôi. Khi chăn nuôi gặp khó khăn về đầu ra, về dịch bệnh tôi cũng thấy buồn. Năm kia người nuôi lợn buồn còn vừa rồi người nuôi gà lại buồn. Có khi trong một gia đình, người khóc không phải là phụ nữ mà chính là đàn ông bởi thương con của, bởi tiếc tài sản. Giờ chỉ có nuôi bò là mang tính bền vững hơn cả”. Chị Thủy tâm sự.

Chị Đỗ Thị Thủy kiểm tra giống cỏ voi cho bò ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đỗ Thị Thủy kiểm tra giống cỏ voi cho bò ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Câu chuyện "con bê rắc vôi"

Con bê "rắc vôi" của nhà mình đâu rồi nhỉ? Vừa gặp vợ chồng ông Nguyễn Xuân Khanh ở xóm Bãi Già, xã Phú Châu, huyện Ba Vì chị Thủy đã hỏi như thế bởi lúc đẻ ra con vật mang trong mình dòng máu BBB ấy có da trắng toát như bị tung vôi lên mình, nom đến ngộ.

Đó là con của một mẹ bò lai Sind đã đẻ được hàng chục lứa lại kiêm luôn nhiệm vụ kéo xe cỏ từ bãi về chuồng. BBB là giống bò lực sĩ thân cuồn cuộn cơ bắp, hay ăn, chóng lớn, cơ thể khổng lồ nhưng dù có vực cũng không biết làm, chỉ dành để nuôi hướng thịt. 

Mới chỉ 3,5 tháng tuổi, nặng 55kg thôi mà nó đã được lái định giá 18 triệu nhưng chưa được ông bà Khanh đồng ý bán bởi nuôi thêm chừng 3 tháng nữa là được 25 triệu, trừ chi phí vẫn lãi 15-18 triệu. Ngoài 3 con bê mới sinh, trại vẫn còn có 16 con bò nái được phối tinh BBB bụng đang lùm lùm nữa. Tất cả đều được ông bà định hướng sau sinh sẽ giữ lại để nuôi theo hướng thịt đến to mới bán bởi khi vỗ béo chúng có thể tăng trọng tới 1,3 kg/ngày, trong khi giống bò lai bình thường chỉ tăng trọng cỡ 8 lạng/ngày.

“Nông dân của mình giờ đây cái gì cũng có khả năng làm được. Về quy mô cũng như trình độ thâm canh có những cái trước đây người ta chỉ nghĩ trại lớn quốc doanh mới có giờ nông dân cũng có. Ví dụ như ở trang trại nhà ông Khanh quy mô nuôi tới 60 con bò, có hệ thống máng uống dùng phao tự động, có máy băm cỏ, biết phối trộn, ủ chua thức ăn, áp dụng thụ tinh nhân tạo theo định hướng mình mong muốn, đo vòng ngực để tính toán trọng lượng…

Con bê 'rắc vôi' trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con bê "rắc vôi" trong trang trại nhà ông Khanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vốn chỉ có nghề hàng xáo, năm 2009 thấy mảnh đất quỹ hai rộng 2,5ha ngoài bãi bị bỏ hoang, chỉ toàn là hầm hố nên vợ chồng ông Khanh tiếc của xin thuê thầu lâu dài. Khởi nghiệp nông nghiệp thiếu vốn, họ được quỹ khuyến nông quan tâm cho vay mấy lần, đợt cuối là 300 triệu. Thiếu kỹ thuật họ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc, hễ có dịp đi thăm mô hình hay hay ở đâu lại kéo ông đi cùng.

Chăm chỉ lại yêu nghề, hơn 10 năm qua ông bà Khanh chăn nuôi toàn tấn tới cộng may mắn nên chưa hề thất bại: “Nuôi gà, lợn có thể lãi cao nhưng rủi ro cũng cao còn nuôi bò chắc ăn hơn bởi hầu như chỉ tốn mỗi vốn mua giống, công cắt cỏ lại ít bệnh tật. Trước đây chúng tôi chỉ nuôi vỗ tức mua bò gầy về chăm 3-4 tháng lại bán bò béo nhưng hiện nay đã chuyển hướng một nửa sang bò nái với quy mô 20 con phối tinh BBB.

"Nuôi bò vỗ béo tuy mỗi năm lãi 200-300 triệu nhưng khá vất vả bởi phải đi tìm mua rồi lại đem về mà cũng có rủi ro bởi không biết chúng có bị bệnh tật gì không. Nuôi bò nái kiểu này đỡ công đi hơn lại yên tâm về khoản dịch bệnh vì tiêm phòng ngay từ khi bê sinh ra được 1 tháng. Tính ra mỗi năm chúng tôi có thể lãi trên 300 triệu”. Ông Nguyễn Xuân Khanh bộc bạch.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.