Khởi sắc
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, khuyến nông đang ở giai đoạn bắt đầu khởi sắc. Trong đó, đầu tiên phải nói đến tính kết nối hệ thống, cần xác định khuyến nông là hệ thống xuyên suốt và chỉ khi kết nối thành một hệ thống thì lan tỏa vấn đề đặt ra đối với khuyến nông mới được thông suốt.
Ví dụ, khi giao khuyến nông là đơn vị chuyển giao công nghệ, muốn mang công nghệ từ người có công nghệ, đến người cần công nghệ thì phải có một hệ thống, một mạng lưới. Hiện nay, từ đầu mối là Trung tâm gắn kết với trung tâm khuyến nông các địa phương, rất nhiều tỉnh đã phê duyệt chương trình khuyến nông dài hạn từ nguồn ngân sách tại chỗ. Nhờ đó, kích hoạt được hệ thống, kết nối được hệ thống, giúp hoạt đông trở nên xuyên suốt.
Thứ hai, trước đây khuyến nông chủ yếu làm theo kế hoạch nhưng hiện nay đã bắt được hơi thở của cuộc sống, gắn được với sản xuất, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị của Bộ NN-PTNT. Sau chỉ đạo của Bộ, sau các giải pháp của các đơn vị nghiên cứu thì khuyến nông đã cụ thể hóa thành những hành động, thành những sản phẩm cụ thể trực tiếp phục vụ cho sản xuất.
Có thể kể đến câu chuyện hạn mặn của ĐBSCL, sau những chỉ đạo của Bộ, các giải pháp của các nhà khoa học thì khuyến nông đã tích hợp thành quy trình rất cụ thể thông qua mạng lưới đến tận người sản xuất.
“Hạn mặn phải thay đổi cơ cấu thế nào, giống thế nào, tránh thế nào, cây ăn trái tích nước, giữ nước thế nào… điều đó thể hiện đúng vai trò của khuyến nông. Từ đấy khẳng định được khuyến nông đã nắm hơi thở của sản xuất để cùng với nông dân hành động ngay”, Giám đốc Lê Quốc Thanh chia sẻ.
Với lũ lụt ở miền Trung, sau chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đã có những gói kỹ thuật đến thẳng người nông dân, có những lớp tập huấn ngay tại hiện trường và cùng đồng hành với người dân, với địa phương. Đó là sự khởi sắc nổi bật trong khuyến nông hiện nay. Cây trồng vụ đông khuyến nông cũng có các gói kỹ thuật khi Bộ chỉ đạo tăng cường, ví dụ như ngô sinh khối.
“Chúng ta làm được điều đó, có nghĩa là đến lúc chúng ta phải như thế, giành lấy sự chủ động trong điều hành. Trước đây làm kế hoạch, có cái hay là nếu xảy ra đúng dự kiến thì sẽ chủ động được. Tuy nhiên, thực tế thường xảy ra không như kế hoạch, nhất là với nông nghiệp, có nhiều yếu tố ảnh hưởng, như thời tiết, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn, gắn với sản xuất.
Một trong những chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của khuyến nông là thông tin tuyên truyền. Nếu như trước đây chỉ đơn thuần là thông tin, chỗ này tốt chỗ kia xấu, cái này hay… thì bây giờ, thông tin truyền thông là phải mang tính định hướng cho sản xuất.
Ví dụ, định hướng truyền thông cho ngô sinh khối thì phải trở thành một chiến dịch lôi kéo được sản xuất. Từ đó sẽ hình thành vùng sản xuất, vùng nguyên liệu và khuyến nông định hướng, tạo ra động lực cho sản xuất chứ không còn là mô tả lại sản xuất. Đó là điều khuyến nông đã làm và sẽ làm mạnh mẽ hơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định.
Bên cạnh đó, khuyến nông cũng sẽ đồng hành với người nông dân, để giúp họ định hình được các nông sản làm ra sẽ đi đâu. Nếu muốn có sản phẩm tốt thì đầu vào phải tốt, muốn bán cho thị trường nào phải theo tiêu chuẩn của thị trường đó. Như vậy, khi tham gia vào thị trường hàng hóa, nông dân phải chấp nhận việc sản xuất có điều kiện và khuyến nông sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Cải thiện các mô hình
Trao đổi về vấn đề mô hình, ông Lê Quốc Thanh cho rằng, mô hình không cần quá lớn nhưng phải đầy đủ, các hoạt động khác phải xoay quanh mô hình, đã gọi là mô hình thì phải gọi là mẫu mực, được gắn với một môi trường cụ thể và được xem xét dưới nhiều khía cạnh và có khả năng cảnh báo.
"Mô hình phải để tham quan học tập thì tất cả các hoạt động tham quan học tập của lĩnh vực đó phải dựa vào mô hình đó. Trước đây khuyến nông làm mô hình có một năm rồi di chuyển đi nơi khác, đó gọi là xóa đói giảm nghèo không gọi là mô hình.
Mô hình là phải liên tục bồi bổ nó có thể là không cần đến nguồn tiền của nhà nước. Muốn mô hình sống được phải đặt nó vào môi trường rất cụ thể, từ đó huấn luyện đào tạo, thông tin, tuyên truyền cũng đi theo mô hình", người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói.
Ví dụ chuyện trồng hoa ly bán được 1 tỷ/ha nhưng nếu trên 1 ha thì bán cho ai? Do đó cần đến sự phản biện, trước đây chúng ta gần như chỉ là các mô hình để truyền thông, không có sự phản biện.
Hiện nay, mô hình là phải dựa trên nền tảng liên kết chuỗi, sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn thế nào, phải gắn vào thực tiễn sản xuất, chứ không phải mô hình chỉ để vẽ ra. Chúng ta phải chấp nhận thực tiễn đấy, ông Thanh chia sẻ thêm.
Mục tiêu của khuyến nông hiện nay là hướng tới trục sản xuất hàng hóa, lấy sản xuất lớn, lấy giá trị gia tăng làm cốt lõi, mọi hoạt động của khuyến nông quốc gia phải đi theo cái hướng đó.
Tất nhiên, song hành với đó là tạo được sinh kế ở những vùng khó khăn và trong các chính sách của Nhà nước, của Bộ đã có giải pháp cho vấn đề này. Khi đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ phối hợp với một số đơn vị như xây dựng Nông thôn mới, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn… để thực hiện các nhiệm vụ nặng hơn về an sinh xã hội và yêu cầu các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Thay đổi theo xu thế PPP
"Con đường hợp tác công tư - PPP trong hệ thống khuyến nông là xu thế tất yếu", ông Thanh khẳng định. Theo ông, khi khởi xướng hoạt động hợp tác công tư trong hệ thống khuyến nông đã mang lại hiệu quả rất bất ngờ.
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã ban hành một số nguyên tắc cơ bản trong hợp tác công tư khuyến nông, làm cơ sở để phân định rõ nhà nước làm gì, đối tác làm gì, doanh nghiệp làm gì, quốc tế làm gì… mục đích chính là người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Phải thẳng thắn đánh giá rằng, hệ thống của chúng ta đang vận hành chưa đến 50% công suất, nguyên nhân cơ bản là do thiếu nguồn lực. Do đó, chúng ta cần kêu gọi các nguồn lực bên ngoài từ các doanh nghiệp, các quỹ quốc tế, các tổ chức chính trị xã hội... Hiện nay, không phải chỉ khuyến nông viên làm khuyến nông mà ai cũng có thể làm, nên chúng ta có thể hòa làm một.
Năm qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia ký được 15 bản ghi nhớ, trong đó 1/3 đã trở thành hợp đồng, điều đó cho thấy hợp tác công tư xuất phát từ nhu cầu có thật của thực tiễn.
Cái hay của PPP là tăng cường được nguồn lực từ các thành phần bên ngoài cho hệ thống khuyến nông, khai thác năng lực của hệ thống này. Từ đó, tạo động lực cho sản xuất để tạo ra những sản phẩm rất cụ thể.
Ví dụ như, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Bayer hỗ trợ gói kỹ thuật cho nông dân sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng của Covid. Khi đó, Bayer sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vì dựa vào hệ thống có sẵn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia mà tính lan tỏa lại cao hơn hẳn.
Muốn phát huy được thế mạnh của hình thức hợp tác này, bản thân khuyến nông cũng đang dần thay đổi, nâng cao năng lực để phù hợp với các đối tác.
“Khuyến nông có hệ thống nhưng hệ thống đó phải đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn, phù hợp với các doanh nghiệp mới có thể hợp tác hiệu quả được”, ông Lê Quốc Thanh nói và cho biết trung tâm đã mở các lớp đào tạo năng lực cho cán bộ theo hướng kết nối, liên kết trong năm 2020 và sẽ tiếp tục trong năm nay.
Ngoài ra, trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với đặc thù của ngành khuyến nông. Cuối năm 2020, trung tâm ra mắt được ứng dụng Khuyến nông xanh, trở thành môi trường tương tác của người sản xuất, doanh nghiệp, chuyên gia... và các thông tin trên ứng dụng này được kiểm soát bởi các chuyên gia.
Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ hơn trong đào tạo và truyền thông. Ví dụ, thay vì giảng dạy đơn thuần như trước đây, các clip hướng dẫn sẽ được xây dựng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
“Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, xã hội vận động có thời điểm, có giai đoạn, có nút thắt cần phải tháo gỡ. Dù là ai, trong giai đoạn này cũng sẽ phải vận động và thay đổi. Đó không còn là vấn đề cá nhân mà là yêu cầu của cả hệ thống, để bắt kịp với từng giai đoạn của lịch sử, với xu thế của thời đại”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.