| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang gặp khó khi tăng đàn heo

Thứ Bảy 14/12/2024 , 14:38 (GMT+7)

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Kiên Giang đang được duy trì và phát triển nhưng còn thấp so với kế hoạch, việc tăng đàn gặp khó khăn, nhất là đàn heo.

Đàn heo tại Kiên Giang tăng so cùng kỳ các năm trước là do giá thịt hơi tăng và kiểm soát dịch bệnh khá tốt, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ quan tâm tăng, tái đàn. Ảnh: Trung Chánh.

Đàn heo tại Kiên Giang tăng so cùng kỳ các năm trước là do giá thịt hơi tăng và kiểm soát dịch bệnh khá tốt, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ quan tâm tăng, tái đàn. Ảnh: Trung Chánh.

Chăn nuôi heo khó tăng đàn

Kiên Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp khá đang dạng và có diện tích, sản lượng  lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hầu hết các đàn vật nuôi chính như trâu, bò, heo và gia cầm đều tăng trưởng chậm, không đạt so với kế hoạch đề ra.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, tại thời điểm đầu tháng 10/2024, tổng đàn heo của tỉnh là gần 265.280 con. Mặc dù đàn heo tăng gần 30.000 con so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên so với kế hoạch đề ra của năm 2024 mới đạt khoảng 68%.

Đàn heo tăng so với cùng kỳ các năm trước là do giá thịt hơi tăng và kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Do đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ quan tâm tăng, tái đàn để đón đầu nhu cầu thị trường, nhất là vào các dịp lễ, Tết cuối năm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn, việc thu hút các doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư chăn nuôi trang trại theo “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang” còn gặp nhiều khó khăn nên khả năng tăng đàn chăn nuôi gặp khó khăn, nhất là gia tăng đàn heo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn ít các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn, nhất là đầu tư phát triển chăn nuôi heo công nghệ cao để dẫn dắt phát triển chăn nuôi.

Đàn trâu tại Kiên Giang đang có dấu hiệu sụt giảm qua từng năm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đồng cỏ để chăn thả. Ảnh: Trung Chánh.

Đàn trâu tại Kiên Giang đang có dấu hiệu sụt giảm qua từng năm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đồng cỏ để chăn thả. Ảnh: Trung Chánh.

Thiếu diện tích chăn thả

Không chỉ chăn nuôi heo, mà các đàn vật nuôi có lợi thế khác như trâu, bò, gia cầm cũng sụt giảm theo từng năm. Theo số liệu thống kê, hiện đàn trâu của tỉnh Kiên Giang giảm chỉ còn 3.826 con, đạt khoảng 86% kế hoạch và giảm trên 570 con so với cùng kỳ. Đàn bò hiện có với gần 9.630 con, chỉ đạt chưa tới 79% kế hoạch và giảm khoảng 590 con so với cùng kỳ.

Nguyên nhân đàn trâu, bò giảm so với cùng kỳ các năm trước là do tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn xanh và thiếu đồng cỏ để chăn thả.

Tương tự, đàn gia cầm chỉ đạt 97% kế hoạch, với tổng đàn trên 5,67 triệu con, giảm trên 502.000 con so với cùng kỳ. Đàn gia cầm giảm chủ yếu do đàn vịt chạy đồng giảm do vùng chăn thả giảm. Nguyên nhân do nhiều cánh đồng thâm canh tăng vụ, nông dân sản xuất lúa 3 vụ/năm, thời gian giãn cách giữa các vụ chỉ khoảng 20 ngày, các chủ chăn nuôi vịt phải di chuyển liên tục và tốn kém chi phí thuê đồng.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, ngoài Đề án phát triển chăn nuôi, UBND tỉnh Kiên Giang còn ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Cùng với đó là kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn.

Phát triển đàn gia cầm tại Kiên Giang không đạt kế hoạch, chủ yếu do giảm đàn vịt chạy đồng, do vùng chăn thả giảm. Ảnh: Trung Chánh.

Phát triển đàn gia cầm tại Kiên Giang không đạt kế hoạch, chủ yếu do giảm đàn vịt chạy đồng, do vùng chăn thả giảm. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn cho biết, đã chỉ đạo và phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc xúc tiến thực hiện các nội dung liên quan Đề án, kế hoạch phát triển chăn nuôi nêu trên.

Đến nay, đã thực hiện các nội dung như khai báo chăn nuôi, cung ứng con giống, từng bước hoàn thiện cơ sở giết mổ động vật, củng cố và tăng cường năng lực ngành chăn nuôi - thú y. Đặc biệt là xúc tiến đầu đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, nhất là chăn nuôi công nghệ cao, để tạo động lực phát triển lĩnh vực chăn nuôi.

Ông Lê Hữu Toàn cho biết, đàn heo của tỉnh từng bước được phục hồi sau khi dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trong năm 2019. Tuy nhiên, việc tăng đàn hàng năm khá chậm và còn rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.