| Hotline: 0983.970.780

Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

Thứ Bảy 14/12/2024 , 14:43 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Bù Đốp tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của bà Tám. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Bù Đốp tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của bà Tám. Ảnh: Trần Trung.

Những năm qua, người trồng cây hồ tiêu tại huyện Bù Đốp nói chung, xã biên giới Tân Thành nói riêng, gặp nhiều khó khăn do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh, chết nhanh, chết chậm…

Từ những diện tích hồ tiêu già cỗi, bà con nơi đây đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Mặc dù mô hình này mới được triển khai hơn một năm, nhưng nghề “ăn cơm đứng” đã mang lại hiệu quả kinh tế cho phụ nữ vùng biên.

Chúng tôi đến xã Tân Thành vào những ngày đầu của vụ tằm đông xuân. Trên những con đường quê quanh co, xen kẽ những vườn tiêu còn sót lại là những nương dâu xanh ngát. Người dân hăng say làm việc, không khí chăm sóc tằm rộn ràng, sôi nổi.

Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn phá bỏ vườn tiêu già cỗi để trồng dâu nuôi tằm, bà Nguyễn Thị Tám ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành, cho biết, nuôi tằm không khó, nhưng điều quan trọng là phải cẩn thận và chu đáo, thức ăn cho tằm phải sạch, trồng theo hướng hữu cơ. Ngoài việc cho tằm ăn đầy đủ, không bỏ bữa, còn cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ và phòng trừ bệnh tật. Có như vậy, tằm mới khỏe mạnh, cho kén đều, tơ đẹp và được giá.

Thời gian nuôi tằm khoảng 20 ngày/lứa. Giai đoạn đầu khi mới bắt tằm về nuôi, phải thái lá dâu, sau 4-5 ngày có thể bỏ trực tiếp cả cành dâu cho tằm ăn. “Lúc tằm còn nhỏ thì lá phải vừa non, không được quá già hoặc quá non,” bà Tám chia sẻ.

Bà Tám cho biết thêm, do chưa chủ động được nguồn giống nên bà phải đặt hàng từ các cơ sở uy tín với giá 50.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, bà có thể nuôi 2 lứa tằm. Với giá kén hiện tại dao động khoảng 180.000 đồng/kg, bà thu về hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, phân tằm còn có thể tận dụng để bón cho cây dâu, giúp giảm chi phí phân bón.

Bà Tám hái lá dâu cho tằm ăn. Ảnh: Trần Trung.

Bà Tám hái lá dâu cho tằm ăn. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, nhận thấy mô hình này tiềm năng, chị Hà Thị Hướng ở gần đó cũng bắt tay thực hiện. Mỗi lứa, chị Hướng chỉ nuôi 2 hộp tằm (khoảng 2 kg tằm giống), sau 20 ngày gia đình chị thu về hơn 16 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

“Để tằm phát triển tốt, cần giăng lưới kín xung quanh để tránh ruồi, nhặng chui vào. Cửa ra vào phải có mành che. Con tằm ít bệnh, tuy nhiên để đạt hiệu quả, người nuôi phải có kinh nghiệm. Nhiệt độ khu vực nuôi luôn ở mức 28-30°C. Nếu lạnh, cần che chắn, đốt than, thắp điện sưởi ấm, nếu nóng tưới nước lên mái nhà để hạ nhiệt. Thức ăn của tằm phải luôn khô ráo, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát…” chị Hướng chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ mô hình này, năm 2023, Hội Nông dân xã Tân Thành đã thành lập tổ hội chăn nuôi, trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, nhiều chính sách hỗ trợ người dân cũng được triển khai, như xây dựng Dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp tổ hội nghề nghiệp mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm lấy kén thương phẩm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng tổ nghề nghiệp phát triển bền vững.

Triển vọng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Triển vọng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Tháng 8/2024 vừa qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước đã giải ngân hơn 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho tổ nghề nghiệp vay, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng trong vòng 36 tháng.

Ông Huỳnh Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết mô hình trồng dâu nuôi tằm lấy kén được hội viên nông dân xã triển khai rất tốt. Giá kén được thu mua ổn định, nhu cầu thị trường có xu hướng tăng. Đây là mô hình có tính khả thi cao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Với sự hỗ trợ vốn kịp thời từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cùng với sự vào cuộc của Hội Nông dân xã trong việc hướng dẫn người dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hy vọng rằng Dự án “Trồng dâu nuôi tằm” tại xã Tân Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Xem thêm
Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Trồng rau VietGAP, lợi nhuận tăng 40%

BÌNH THUẬN Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, đạt chứng nhận VietGAP còn tăng lợi nhuận bình quân khoảng 40%, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.