| Hotline: 0983.970.780

Có đê bao đảm bảo, lúa thu đông ở Hậu Giang giữ vững năng suất

Thứ Năm 13/10/2022 , 10:43 (GMT+7)

Hậu Giang Dù triều cường trên báo động III, nông dân Hậu Giang vẫn phấn khởi thu hoạch lúa thu đông, có đê bao đảm bảo, năng suất lúa được giữ vững, giá lúa cao.

Dọc tuyến quốc lộ 61C, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, hầu hết diện tích lúa thu đông đã được bà con nông dân thu hoạch để kịp đón mùa nước nổi. Chỉ riêng duy nhất cánh đồng khoảng 24ha ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, lúa vẫn đang chín trên đồng.

Cánh đồng lúa đến ngày thu hoạch ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Cánh đồng lúa đến ngày thu hoạch ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Ghé lại cánh đồng này, chúng tôi tình cờ gặp được một nhóm bà con nông dân đang ngồi tán gẫu chuyện đồng ruộng. Hỏi thăm về câu chuyện triều cường mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, anh Danh Sơn phấn khích chia sẻ “đâu có ngập úng gì đâu, đê bao, bờ bao khép kín hết rồi”. Theo anh Sơn, làm lúa thu đông sẽ chịu ảnh hưởng kép, khi vừa gặp mưa lớn cộng với triều cường, nên không tránh khỏi lúa bị thất thoát. Tuy nhiên, nhờ hệ thống đê bao được đầu tư khép kín, nên những ngày qua dù thời tiết có phần bất lợi, nhưng ruộng lúa nhà anh vẫn không gặp tình trạng đổ ngã.

Vụ lúa thu đông này, gia đình anh Sơn canh tác hơn 10 công đất lúa (1 công là 1.000 mét vuông), với giống OM18. Cách đây 10 ngày, lúa được thương lái bỏ cọc 6.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các vùng lân cận trong tỉnh. Bản thân anh cũng như bà con trong vùng với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, trước thu hoạch 2 ngày, bà con đều chủ động bơm thoát nước cho đồng ruộng. Anh Sơn “nhắm chừng”, năng suất lúa vụ này đạt khoảng 600 kg/công.

Bà con nông dân ấp 4 bơm thoát nước trước ngày thu hoạch lúa. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nông dân ấp 4 bơm thoát nước trước ngày thu hoạch lúa. Ảnh: Kim Anh.

“Nhiều bà con dự tính năm sau không làm vụ thu đông, bỏ ruộng trống, đợi làm vụ đông xuân, mần chơi cũng trúng, cầm chắc trên 1 tấn/công khỏe re. Nhưng “mê” rồi sao bỏ được”, anh Danh Sơn bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, thương lái thu mua lúa ở huyện Châu Thành A cho rằng, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá lúa bắt đầu tăng, riêng đối với khu vực ấp 4, xã Vị Bình lúa được giá, ít hao hụt, thất thoát.

Vụ lúa thu đông 2022, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống hơn 35.300 ha, tuy nhiên đến nay, chỉ mới thu hoạch được trên 16.900 ha, với năng suất trung bình ước đạt 5,69 tấn/ha. Phần lớn diện tích lúa còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh và trổ chín, nằm rãi rác ở các địa phương như huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Phụng Hiệp.

Nhiều diện tích lúa thu đông ở tỉnh Hậu Giang bước vào thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều diện tích lúa thu đông ở tỉnh Hậu Giang bước vào thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, triều cường những ngày qua có ảnh hưởng nhỏ đến một số vườn cây ăn trái ở vùng ven sông Hậu như Châu Thành, Ngã Bảy, Châu Thành A do tràn một số đoạn đê cục bộ. Riêng đối với khu vực sản xuất lúa vẫn đảm bảo không bị ảnh hưởng. Hiện nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh với 27 tuyến kênh cấp 1, 288 tuyến kênh cấp 2 và 533 tuyến kênh cấp 3, tổng chiều dài trên 3.488 km. Từ đó, năng lực cấp nước và phòng chống lũ của các công trình trên các sông, kênh, rạch chính đáp ứng được yêu cầu về sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hơn nữa, 3 hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng bao gồm: Đê bao Ô Môn – Xà No; Hệ thống cống Nam Xà No. Đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 98 cống hở, 29 cống tròn sẽ tiếp tục nâng cấp trong thời gian tới để đảm bảo phục vụ sản xuất của bà con nông dân tốt hơn.

Ông Toàn phấn khởi, hiện nay nông dân trong tỉnh sản xuất không còn nỗi lo thiếu nước, nhờ hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và hệ thống đê ven sông nước Trong – nước Đục trên địa bàn tỉnh, cũng góp phần điều tiết nguồn nước, kiểm soát ổn định tình trạng nước mặn xâm nhập.

Cống Hóc Hỏa ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đảm bảo công tác ngăn mặn trên địa bàn. Ảnh: Kim Anh.

Cống Hóc Hỏa ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đảm bảo công tác ngăn mặn trên địa bàn. Ảnh: Kim Anh.

Hơn nữa, toàn tỉnh có trên 900 khu vực khép kín với quy mô 100 – 300 ha, trong đó có 130 trạm bơm điện, diện tích phục vụ trên 27.200 ha. Trong trường hợp nếu mùa nước nổi năm 2022 ở mức thấp, địa phương có thể bố trí lịch xuống giống sớm ở các khu vực chủ động thoát nước, có đê bao đảm bảo nên tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm.

Dự kiến vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh xuống giống khoảng 75.000 ha, năng suất ước đạt 7,6 tấn/ha, đạt sản lượng 570.000 tấn. Căn cứ vào tình hình khí tượng thủy văn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đã tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng lịch xuống giống vụ đông xuân 2022 – 2023 theo 2 đợt.

Dự kiến đợt 1 từ ngày 27/10 – 02/11/2022 và đợt 2 từ ngày 26/11 – 02/12/2022. Riêng đối với vùng trũng thấp, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, những khu vực này hàng năm gieo sạ trễ, vì thế vụ đông xuân này có thể xuống giống từ ngày 24 – 30/12/2022, không bố trí lịch.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang với sự hỗ trợ từ Trung ương sẽ triển khai một số dự án, đặc biệt hệ thống kênh trục để dẫn ngọt từ thượng nguồn về sông Hậu, vùng giáp nước, tăng cường khả năng trao đổi nước. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án WB11, tỉnh Hậu Giang cũng xây dựng các công trình kết nối mang tính liên vùng, xây dựng các mô hình hạ tầng thủy lợi mẫu, đan xen các mô hình sinh kế, theo định hướng hiện đại hóa thủy lợi, đầu tư trọng tâm, cuốn chiếu và tập trung.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.