| Hotline: 0983.970.780

Cân nhắc cơ cấu lại diện tích các vụ lúa trong năm

Thứ Ba 11/10/2022 , 13:16 (GMT+7)

ĐBSCL đang cân nhắc cơ cấu lại diện tích sản xuất các vụ lúa trong năm, nhất là giữa vụ hè thu và thu đông, tận dụng tốt thời tiết và thị trường tiêu thụ.

An Giang xem 3 vụ lúa trong năm đều quan trọng

 Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: bình quân mỗi năm địa phương cơ cấu sản xuất 3 vụ lúa trên 500.000 ha, đứng thứ 2 ở ĐBSCL, sản lượng đạt 4,2 triệu tấn. Vụ đông xuân, diện tích sản xuất trên 250.000 ha, là vụ lúa  năng suất rất cao, nông dân có lãi gấp đôi so với 2 vụ còn lại là hè thu, thu đông.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa thu đông 2022, thời tiết thuận lợi, chất lượng lúa tốt, đảm bảo chất lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa thu đông 2022, thời tiết thuận lợi, chất lượng lúa tốt, đảm bảo chất lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ cho sản xuất lúa đều tăng cao, đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp An Giang thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào chuyển dịch vụ lúa hè thu. Vì lúa hè thu canh tác vào mùa mưa bão, chi phí đầu tư cao, năng suất lại không cao, dịch bệnh thường xuất hiện nhiều hơn so với 2 vụ thu đông và đông xuân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp phải linh hoạt theo tín hiệu thị trường làm sao giúp nông dân có thu nhập ổn định và giảm ô nhiễm môi trường là mới quan trọng. Đặc biệt với cây lúa, 3 vụ sản xuất trong năm đều rất quan trọng như nhau đối với An Giang, từ đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

Ngành nông nghiệp An Giang luôn khuyến cáo nông dân sản xuất lúa trong vụ hè thu phải theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất lúa để giảm chi phí ở mức tối đa. Như vậy người nông dân canh tác vụ lúa hè thu sẽ yên tâm đầu ra và có lãi.

Còn đối với vùng đất khó khăn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trong vụ hè thu giảm diện tích sản xuất lúa, mà nên chuyển sang canh tác các loại cây trồng hay vật nuôi khác phù hợp, vừa đảm bảo thích nghi trong điều kiện khó khăn mà vẫn có thu nhập ổn định.

Còn đối với vụ thu đông, An Giang xem vụ lúa này khá quan trọng, toàn tỉnh xuống giống trên 160.000 ha. Mặc dù  An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Mekong, thường canh tác lúa thu đông trong điều kiện mưa lũ gây nhiều khó khăn cho nông dân. Nhưng nhiều năm qua An Giang đưa ra bài toán tổng kết cho rằng vụ lúa thu đông năm nào cũng đều đem lại thắng lợi cả năng suất và chất lượng, khi mang gạo đi xuất khẩu được khách hàng đánh giá cao.

Để thực hiện được kỳ tích này, ông Nguyễn Sĩ Lâm tự hào cho rằng, nhiều năm qua An Giang đã thực hiện tốt các hệ thống thủy lợi và đê bao khá vững chắc. Nên vụ lúa thu đông ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sản xuất đều nằm trong 421 tiểu vùng có đê bao thủy lợi kiểm soát lũ an toàn để giúp người dân yên tâm sản xuất.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, vụ lúa thu đông đang bước vào thu hoạch, năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng cả vụ ước đạt gần 970.000 ngàn tấn. Đây là nguồn lúa nguyên liệu chất lượng cao khá lớn để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu vào dịp đầu năm sau.

Chuyển dịch sang thu đông cần phải có hạ tầng đồng bộ

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL, năm 2022 ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất lúa với tổng diện tích gần 705.000 ha. Trong đó, cơ cấu diện tích gieo trồng theo từng mùa vụ gồm: đông xuân 2021-2022 là 283.000 ha, hè thu và thu đông 2022 lần lượt là 281.000 ha và 80.000 ha. Còn lại là vụ mùa sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm.

 Sản xuất lúa hè thu 2022, nông dân ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang gặp thời tiết mưa bão, phải tốn tiền mua dầu bơm tát ròng rã cả chục ngày liên tiếp để cứu lúa, làm tăng chi phí sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất lúa hè thu 2022, nông dân ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang gặp thời tiết mưa bão, phải tốn tiền mua dầu bơm tát ròng rã cả chục ngày liên tiếp để cứu lúa, làm tăng chi phí sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Nhằm đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang đã làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như thực hiện ký kết hợp tác toàn diện phát triển sản xuất. Đến nay, Sở NN-PTNT đã thực hiện ký kết hợp tác về phát triển sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời diện tích 300.000 ha/năm, Tập đoàn Tân Long 30.000 ha và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là 63.000 ha. Bắt đầu triển khai thực hiện từ niên vụ 2022 - 2003 đến năm 2025, nhằm xây dựng phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững, gắn với hoạt động liên kết tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Tiên, nông dân ở ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp đang canh tác trên diện tích gần 3 ha đất lúa, sản xuất 3 vụ/năm. Hiện nay, đang là vụ lúa thu đông, lúa được gần 60 ngày (giống OM 5451), đang chuẩn bị trổ bông. Đây là năm thứ 6 liên tiếp ông Tiên cũng như nhiều nông dân ở đây sản xuất lúa 3 vụ/năm.

Theo ông Tiên, sản xuất lúa 3 vụ/năm liên tục dẫn đến đất bị suy thoái, chí phí đầu tư tăng nhưng ngược lại hiệu quả kinh tế lại giảm dần, nhất là khi giá vật tư tăng cao như năm nay. Vì vậy, nông dân mong muốn sẽ quay lại sản xuất lúa 2 vụ, thời gian còn lại sẽ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khác. Trước đây, nông dân trong vùng sản xuất 2 vụ lúa chính trong năm là đông xuân và hè thu, xen kẽ giữa 2 vụ lúa là thời gian phơi đất cày ải hoặc xả lũ.

Tuy nhiên, hiện nay thời tiết có nhiều biến đổi, lũ thấp hoặc không có lũ. Do đó, nếu cơ cấu lại mùa vụ thì nông dân sẽ chọn làm vụ đông xuân và thu đông, bỏ vụ hè thu vì thời tiết thường bất lợi cho sản xuất lúa. “Vụ thè thu là thời điểm trời có mưa, bão nhiều, nông dân không chỉ tốn chi phí bơm rút nước ra, mà đây còn là vụ lúa có năng suất, chất lượng thấp nhất. Chuyển qua vụ thu đông thời tiết sản xuất thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn và thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Tiên nêu quan điểm.

Thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL thường vào thời điểm thời tiết có mưa bão nhiều, gây khó khăn cho cơ giới và thất thoát nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trọng Linh.

Thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL thường vào thời điểm thời tiết có mưa bão nhiều, gây khó khăn cho cơ giới và thất thoát nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh cho biết, là đơn vị đầu tư cánh đồng lớn sản xuất lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên, có diện tích lên tới gần 600 ha. Nhiều năm qua đơn vị chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, gồm đông xuân và hè thu. Thực tế sản xuất cho thấy, vụ hè thu thường gặp rất nhiều bất lợi, làm trễ thì dễ bị đổ ngã do mưa, bão nhiều và khi nước lũ lên cần phải bơm rút nước ra để bảo vệ lúa. Đến khi lúa chín thì cần làm khô mặt ruộng để cơ giới vào thu hoạch, sẽ làm đội thêm chi phí. Mưa, bão còn làm cho việc thu hoạch lúa hè thu gặp nhiều khó khăn, bị thất thoát nhiều, làm giảm hiệu quả kinh tế.

Việc chuyển đổi, dịch chuyển dần diện tích lúa hè thu sang thu đông sẽ phù hợp với điều kiện thời tiết hiện nay, thuận lợi cho sản xuất lúa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi phải đi kèm với các điều kiện đầu tư về hệ thống đê bao, cơ cấu lại mùa vụ của ngành nông nghiệp để xuống giống tập trung, phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Và diện tích chuyển dịch của một vùng cũng phải đủ lớn để áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, thuận lợi cho khâu thu hoạch, cũng như đáp ứng được sản lượng, chất lượng để doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo.

BOX: Vụ lúa thu đông lãi hơn vụ hè thu

Đánh giá về lợi nhuận cũng như thuận lợi và khó khăn giữa vụ lúa hè thu với vụ lúa thu đông, ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Vĩnh Cường, ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ B, Hòa Bình, Bạc Liêu, khẳng định: “Vụ lúa thu đông chắc chắn thuận lợi hơn,  năng suất cao hơn so với vụ lúa hè thu”.

Vụ lúa hè thu sản xuất trong điều kiện thời tiết có mưa bão nhiều, lúa dễ bị đổ ngã, thu hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa hè thu sản xuất trong điều kiện thời tiết có mưa bão nhiều, lúa dễ bị đổ ngã, thu hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Cường phân tích, vụ lúa hè thu năm 2022 vừa qua năng suất trung bình chỉ đạt từ 4,5 – 5 tấn/ha. Trong khi, vụ thu đông năm nay được đánh giá sẽ có khả năng đạt khoảng 6 tấn/ha trở lên. Trong khi đó, về chi phí sản xuất giữa vụ hè thu và vụ thu đông thì tương đương nhau. Một lợi thế nữa là vụ thu đông thường thu hoạch cận tết nên giá lúa ổn định, người dân có tiền trang trải dịp tết. Những năm gần đây thì nông dân sản xuất vụ lúa hè thu chỉ cầm chừng phá huề, có lãi cũng rất ít, chỉ trông chờ vào vụ lúa thu đông hay đông xuân mới có lãi.

Hợp tác xã Vĩnh Cường có diện tích sản xuất hơn 20.000 ha, với 5.000 hộ thành viên, đây được xem là một trong những HTX có diện tích bao nhiều lớn nhất ĐBSCL.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất