| Hotline: 0983.970.780

Cố gắng tiết kiệm 1,5 - 2 tỷ m3 nước gieo cấy vụ đông xuân 2022-2023

Thứ Bảy 07/01/2023 , 17:29 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong bối cảnh lượng nước trữ tại hồ Hoà Bình thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm.

Ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2022 - 2023 trong đợt 1 (từ ngày 6 – 9/1) tại các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ ba từ phải sang) đề nghị tỉnh Hà Nam cần tập trung các biện pháp để lấy nước vào đồng ruộng trong 2 đợt xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện trước và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ ba từ phải sang) đề nghị tỉnh Hà Nam cần tập trung các biện pháp để lấy nước vào đồng ruộng trong 2 đợt xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện trước và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều địa phương chủ động lấy nước sớm

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm nay Bộ NN-PTNT chỉ đạo lấy nước tập trung trong 2 đợt (thay vì 3 đợt như mọi năm) vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Do đó, một số địa phương có điều kiện lấy nước đã chủ động vận hành hệ thống thủy lợi để cấp nước vào đồng ruộng. Điển hình như tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ lấy nước đã đạt 40% tổng diện tích gieo cấy.

Nhờ tận dụng triều cường để lấy nước, đến nay tỷ lệ có nước của hai tỉnh Hà Nam và Nam Định đã đạt khoảng 15% tổng diện tích gieo cấy.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chúc tết công nhân thủy nông tại trạm bơm điện Nhân Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Minh Phúc. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chúc tết công nhân thủy nông tại trạm bơm điện Nhân Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Minh Phúc. 

Năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch rất sát nhau, do đó Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, vận động người dân cố gắng tập trung cấy lúa xuân vào cùng một thời điểm và hoàn thành trong tháng 2/2023, như vậy công tác lấy nước đổ ải mới thực sự hiệu quả.

“Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là không chỉ trông chờ vào việc xả nước tăng cường của hồ thuỷ điện Hoà Bình mà các địa phương ở các vùng triều có thể tranh thủ triều lên để lấy nước vào ruộng và tăng cường lấy nước ngược để lấy đủ nước, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ là chỉ lấy nước trong 2 đợt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về lấy nước đổ ải trong suốt những năm vừa qua.

Ngành thủy lợi hy vọng có thể tiết kiệm được từ 1,5 – 2 tỷ m3 nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2022 - 2023 để bù vào sự thiếu hụt nguồn nước của hồ thuỷ điện thượng nguồn. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành thủy lợi hy vọng có thể tiết kiệm được từ 1,5 – 2 tỷ m3 nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2022 - 2023 để bù vào sự thiếu hụt nguồn nước của hồ thuỷ điện thượng nguồn. Ảnh: Minh Phúc.

Thời điểm này, dung tích trữ hồ thuỷ điện Hoà Bình đang thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT cố gắng để lấy nước tiết kiệm nhất có thể, đảm bảo vừa phục vụ sản xuất cho bà con nhưng cũng phải đảm bảo phát điện phục vụ sự phát triển chung của đất nước.

Trong đợt 1 lấy nước, ngay trong ngày đầu tiên (6/1), mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội đã đạt bình quân 1,65m, có những thời điểm cao nhất lên tới 1,9m. Nếu các địa phương có giải pháp để lấy nước hiệu quả, ngành thủy lợi hy vọng có thể tiết kiệm được từ 1,5 – 2 tỷ m3 nước để bù vào sự thiếu hụt nguồn nước của hồ thuỷ điện thượng nguồn.

Tập trung thu hoạch cây vụ đông để giải phóng đồng ruộng

Theo ông Trần Đức Việt – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, năm nay lịch lấy nước của Bộ NN-PTNT có 12 ngày. Như vậy so với mọi năm thì lịch lấy nước ngắn hơn 4 ngày. Trước khó khăn như vậy, từ cuối vụ mùa 2022, Sở đã tham mưu cho các công ty khai thác công trình thuỷ lợi, chính quyền các cấp và hợp tác xã tu sửa cống điều tiết nước, kênh mương, hoàn thành trước 5/1, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, dẫn nước kịp thời khi có nguồn nước.

Nam Định còn hơn 60.000ha diện tích gieo cấy lúa cần cấp nước. Ảnh: Minh Phúc.

Nam Định còn hơn 60.000ha diện tích gieo cấy lúa cần cấp nước. Ảnh: Minh Phúc.

Đồng thời địa phương cũng chỉ đạo tận dụng con nước của thủy triều từ 20/12 – 31/12/2022 để lấy nước vào đồng ruộng và nâng cao mực nước trên các sông chìm, giảm điện năng cũng như tiết kiệm nước tối đa từ xả nước tăng cường các hồ chứa thuỷ điện.

Đến nay diện tích có nước của tỉnh Nam Định đã đạt hơn 10.000ha trong tổng số 75.000ha canh tác lúa. Dự kiến đến khoảng 8/2, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác lấy nước để bà con làm đất, gieo cấy.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, tỉnh Nam Định vẫn còn khoảng 4.000ha rau màu vụ đông chưa thu hoạch, do đó cần phải tập trung thu hoạch các diện tích này để giải phóng đồng ruộng, phục vụ gieo cấy lúa.

Nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện thượng nguồn đã về đến các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

Nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện thượng nguồn đã về đến các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

“Mặc dù tỉnh Nam Định làm rất tốt thuỷ lợi nội đồng, tuy nhiên thời điểm này, địa phương cần vận động bà con tiếp tục bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện các điểm ách tắc kênh mương dẫn nước, khơi thông kịp thời. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Bắc Nam Hà cũng cần phối hợp chặt chẽ với 3 công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định để cấp nguồn nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023, từ cuối năm, Tập đoàn Điện lực đã chỉ đạo tích nước tối đa các hồ chứa thuỷ điện của miền Bắc.

Tuy nhiên, do lượng nước về hồ thấp nên dung tích trữ của các hồ chứa vẫn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm. Từ chiều 3/1, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã xả nước tăng cường để phát điện, đến ngày 7/1, tổng lượng nước xả khoảng 600 triệu m3.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tình hình thời tiết khí hậu năm 2022 được dự báo vẫn có bất thường, đặc biệt là xảy ra những đợt rét đậm rét hại, ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân. Một trong các giải pháp chúng tôi khuyến cáo bà con, đó là hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, xuân trung, tập trung vào trà xuân muộn và cố gắng hoàn thành gieo cấy trong tháng 2/2023 để thời điểm lúa trỗ rơi vào khoảng 10 – 20/5, hạn chế tối đa ảnh hưởng của rét nàng Bân, rét cuối vụ.

Thứ hai là sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa cực ngắn ngày chất lượng ao, sử dụng mạ non, khuyến khích nâng cao diện tích mạ khay máy cấy và nếu cấy phải cấy nông tay để hạn chế tối đa gieo sạ.

Đặc biệt, trên cơ sở kế hoạch gieo cấy của Bộ NN-PTNT, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể căn cứ vào điều kiện nguồn lực, đất đai, nguồn nước. Mỗi một địa phương chỉ nên tập trung vào 3-4 giống lúa chủ lực, không sử dụng quá nhiều giống khác nhau.

Bên cạnh đó, cần tập trung công tác chuẩn bị làm đất, lấy nước, vật tư đầu vào, nhất là giống dự phòng (khoảng 10% tổng lượng giống gieo trồng) để nếu xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường thì khôi phục sản xuất.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.