Tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy lợi, ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Tổng cục đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2021-2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng với đó là ban hành các công điện chỉ đạo phòng, chống ảnh hưởng của mưa lớn, bão gây ngập lụt, úng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, an toàn đập, hồ chứa nước.
Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa đông xuân năm 2021-2022, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đảm bảo cấp nước cho 506.558 ha lúa với tổng lượng nước điều tiết xả cả 3 đợt là là 4,24 tỷ m3.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng do được dự báo sớm, kịp thời đẩy sớm thời vụ và điều tiết nguồn nước hợp lý nên xâm nhập mặn không gây thiệt hại cho sản xuất.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện 23 dự án được Bộ giao kế hoạch vốn năm 2022 với tổng số vốn gần 1.015 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 676 tỷ; vốn ODA (gồm vốn vay và vốn đối ứng) khoảng 338 tỷ. Lũy kế giải ngân các nguồn vốn đến 23/12/2022 đạt 66,25%, phấn đấu giải ngân đến 31/01/2023 đạt 95%.
Về kế hoạch triển khai năm 2023, ông Lương Văn Anh cho biết, đơn vị sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045”; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính hoàn thiện các thủ tục để doanh nghiệp khai thác công trình Cửa Đạt, Tả Trạch chính thức đi vào hoạt động; tập trung chỉ đạo hoàn thành hồ sơ Quy hoạch phòng, chống thiên tai và Thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, năm 2022, Tổng cục Thủy lợi đứng trước sự biến động lớn về sự chuẩn bị thay đổi bộ máy, nhân lực,… tuy nhiên, lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên chức ngành thủy lợi vẫn có sự đoàn kết lớn để vượt qua khó khăn chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Liên quan đến hoạt động cấp nước sản xuất, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, kế hoạch lấy nước vụ đông xuân ngày càng được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm.
“Năm 2022 là lần đầu tiên sau nhiều năm lấy nước 2 đợt, kết quả này có được là nhờ sự phối hợp, chỉ đạo sản xuất chặt chẽ giữa Tổng cục, địa phương và các đơn vị liên quan. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 2 tỷ m3 nước, nếu quy đổi ra chi phí để phát điện, ước tính lên tới 600 tỷ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Liên quan đến nhiệm vụ của ngành Thủy lợi trong năm tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục cần đảm bảo cấp nước đủ trong 2 đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để tổ chức thực hiện tốt việc lấy nước đổ ải.
Đồng thời, rà soát và chủ động dự báo từ sớm, từ xa về tình hình nguồn nước, đặc biệt là tình hình mưa lũ, hạn hán, mặn xâm nhập để phục vụ canh tác nông nghiệp.
Thông tin về kế hoạch lấy nước gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ông Nguyễn Đình Kính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà cho biết, thời gian lấy nước năm nay sát dịp tết nguyên đán nên đơn vị đã hợp với các địa phương là Hà Nam và Nam Định lấy nước sớm vào hệ thống từ ngày 20/12.
Dự kiến, sẽ lấy nước sớm từ ngày 4/1/2023, trước 2 ngày đợt 1 xả nước từ các hồ chứa thủy điện. Theo kế hoạch, đến ngày 27/1/2023, công ty sẽ hoàn thành khoảng 70% diện tích đổ ải, đặt mục tiêu đến ngày 10/2/2023 toàn bộ diện tích đều có nước để gieo cấy vụ xuân.