| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa nghề lưới chụp giúp tăng hiệu quả trong khai thác hải sản

Thứ Bảy 09/09/2023 , 07:49 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Việc áp dụng cơ giới hóa vào khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp đã giúp ngư dân giảm thiểu rủi ro, hạn chế số lượng lao động và tăng hiệu quả đánh bắt.

Khai thác hải sản xa bờ phát triển mạnh ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Ảnh: Đinh Mười.

Khai thác hải sản xa bờ phát triển mạnh ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Ảnh: Đinh Mười.

Khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp kết hợp ánh sáng là một trong những nghề khai thác chiếm tỷ trong lớn tại các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ. Việc sử dụng ánh sáng để thu hút các loài thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đã được thực tế chứng minh. Tuy nhiên, việc lạm dụng ánh sáng quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nghề khai thác thủy sản ở vịnh Bắc Bộ hiện nay khá đa dạng gồm lưới kéo, lưới rê, lưới vây, lưới chụp, lồng bẫy, câu… trong đó nghề lưới chụp tuy mới được du nhập nhưng chiếm số lượng lớn trong tổng số tàu cá khai thác xa bờ.

Khi mới được du nhập, nghề chụp chủ yếu chỉ tập trung vào đối tượng khai thác chính là mực, tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, ngư dân đã sử dụng nghề chụp để khai thác các loài cá khác như cá trỏng, nục, đốm, chim, hố…

Theo ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết, nghề khai thác hải sản bằng lưới chụp kết hợp ánh sáng nhân tạo có ở nước ta từ những năm 1950, được du nhập từ các nước có nghề cá phát triển như: Liên Xô (nước Nga hiện nay), Trung Quốc, Triều Tiên… Các loại nguồn sáng được sử dụng là đèn măng xông, đèn điện và đối tượng đánh bắt là các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, cá trích, cá lầm, mực.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, xã Lập Lễ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, xã Lập Lễ. Ảnh: Đinh Mười.

Các nghề khai thác hải sản sử dụng ánh sáng gồm có nghề vây, nghề vó, pha xúc, nghề chụp mực, mành đèn... Nghề chụp mực của nước ta được du nhập từ Thái Lan, Trung Quốc những năm 1990 của thế kỷ trước nhưng sử dụng lưới chụp mực phát triển nhất từ năm 1995 đến nay.

Hiện nay nghề này phổ biến dọc bờ biển từ Quảng Ninh vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu và địa phương có đội tàu chụp mực phát triển nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ.

Trước đây do phát triển tự phát, ngư dân tự học hỏi, mày mò nên hiệu quả đánh bắt hải sản ngoài khơi không cao, tuy nhiên do nguồn lợi thủy hải sản còn nhiều nên các chuyến đi đều có lãi. Những năm gần đây, việc đánh bắt hải sản bằng nghề lưới chụp gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn, hải ngày càng ít nên số lượng các chuyến đi biển bị lỗ ngày càng tăng.

Theo tìm hiểu, thực trạng này không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà diễn ra ở hầu khắp các địa phương ven biển và với toàn thể những ngư dân làm nghề lưới chụp đánh bắt hải sản xa bờ. Nghề lưới chụp của nước ta phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, kỹ thuật sử dụng nguồn sáng còn tuỳ tiện, thiếu khoa học, còn nhiều sự cạnh tranh nhau trong trang bị công suất nguồn sáng.

Ứng dụng cơ giới hóa vào trong khai thác, giúp ngư dân nhàn hơn trong khai thác. Ảnh: Đinh Mười.

Ứng dụng cơ giới hóa vào trong khai thác, giúp ngư dân nhàn hơn trong khai thác. Ảnh: Đinh Mười.

Ngư dân chưa thể xác định được công suất nguồn sáng tối ưu để tăng hiệu quả khai thác. Hầu hết ngư dân có xu hướng tăng công suất nguồn sáng nhằm tăng lượng hải sản tập trung. Tuy nhiên, việc tăng công suất nguồn sáng sẽ không tăng được vùng tác dụng ánh sáng, thậm chí làm giảm hiệu quả sản xuất do phải tăng chi phí nhiên liệu, tác động xấu đến một số loài thủy sinh.

Trước thực trạng này, các công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản như: “Xây dựng mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ” do ThS. Phan Đăng Liêm thực hiện giai đoạn 2016-2018 hay mô hình “Xây dựng mô hình sử dụng hệ thống tời thủy lực cho tàu lưới chụp khai thác hải sản xa bờ tại Nghệ An” do ThS. Đỗ Văn Thành, thực hiện giai đoạn 2019 – 2020 đã trở thành “chiếc phao cứu sinh” với ngư dân các tỉnh ven biển. Các công trình nghiên cứu về công nghệ khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp đã mang lại những lợi ích thiết thực cho ngư dân.

Theo Th.S Phan Đăng Liêm, kết quả thử nghiệm cho thấy, tổng thời gian quá trình thu, thả lưới của tàu sử dụng hệ thống tời thủy lực cải tiến ngắn hơn so với tàu sử dụng tời cơ ma sát khoảng 122 giây/mẻ lưới. Điều này giúp tàu có thể tăng thêm được 29 - 33 mẻ lưới/chuyến biển, qua đó tăng được sản lượng khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng giải pháp đã giúp tăng tuổi thọ của hệ thống dây giềng thêm 6-7 tháng và tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/tháng tiền khấu hao dây so với giải pháp cũ. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy tàu thử nghiệm có sản lượng khai thác và năng suất khai thác cao hơn khoảng 1,3 tấn/chuyến biển và 68 kg/ngày so với tàu đối chứng.

Hiệu quả khai thác tăng lên nhờ áp dụng cơ giới hóa. Ảnh: Đinh Mười.

Hiệu quả khai thác tăng lên nhờ áp dụng cơ giới hóa. Ảnh: Đinh Mười.

“Hiệu quả về lao động, sẽ giảm được 4-5 lao động trên tàu so với tàu sử dụng tời cơ ma sát, trong khi hệ thống tời thủy lực cũ chỉ giảm được 2-3 lao động. Đặc biệt, năng suất lao động theo sản lượng khai thác của tàu thử nghiệm trung bình đạt 4,6 tấn/người/chuyến, cao hơn tàu sử dụng máy tời cơ ma sát khoảng 1,6 tấn/người/chuyến. Trong khi đó, năng suất lao động tính theo lợi nhuận chuyến biển của tàu thử nghiệm cao hơn gấp 2,2 lần so với tàu đối chứng”, ThS Liêm chia sẻ.

Theo tìm hiểu, những ứng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải Sản liên quan đến cơ giới hóa nghề lưới chụp đều có khả năng ứng dụng vào thực tế cao, đến nay những giải pháp được các nhà khoa học đưa ra ban đầu được áp dụng trên 22 tàu làm nghề lưới chụp khai thác hải sản tham gia mô hình và hiện nay, đã được nhân rộng ra hàng trăm tàu trên cả nước.

Giải pháp đã giúp giảm được 4-5 lao động/tàu, trong khi đó hiện nay đội ngũ thuyền viên đi biển trên các tàu đang thiếu trầm trọng, rất nhiều tàu phải đậu bờ do thiếu lao động đang diễn ra khá phổ biến. Cho nên, giải pháp có ý nghĩa rất lớn trong khâu giải quyết lao động cho chủ tàu.

Số lượng lao động cũng được giảm thiểu nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Đinh Mười.

Số lượng lao động cũng được giảm thiểu nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Đinh Mười.

Ngư dân Nguyễn Văn Hiếu, chủ tàu võ gỗ HP-90775TS, trước đây, nghề lưới chụp phải dùng tay kéo nên lực lượng lao động phải đủ từ 12 người trở lên mới làm được, nhưng nay nhờ cơ giới hóa nên chỉ cần 9-10 người vẫn ra khơi làm bình thường bởi đã có máy móc hỗ trợ. Với các thao tác đơn giản hơn, có thể đánh bắt liên tục từ 10 - 12 chỗ lưới/đêm. Bình quân mỗi chuyến biển, chúng tôi đánh bắt từ 15-20 tấn cá mực, có chuyến trúng biển được đến 40 - 50 tấn.

“Khi sử dụng hệ thống tời thủy lực, lao động mất rất ít sức trong quá trình thu, thả lưới, nên việc tái tạo nhanh sức lao động của ngư dân là rất nhanh từ đó tăng được số mẻ lưới khai thác, tăng 29-33 mẻ lưới/chuyến biển. Mặt khác, đã giúp gảm bảo an toàn lao động, khi sử dụng hệ thống tời thủy lực sẽ giúp ngư dân không phải trực tiếp sử dụng tay để thu dây giềng rút và mức độ an toàn cho thuyền viên và tầu được nâng lên rất nhiều so với mô hình cũ”, anh Hiếu cho hay.

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.776 tàu thuyền làm nghề lưới chụp khai thác hải sản, trong đó có 2.264 tàu khai thác ở vùng khơi. Việc sử dụng tời cơ ma sát đòi hỏi nhiều lao động, khoảng 12-13 người, thậm chí có tàu phải cần đến 15 người và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro tai nạn cho thủy thủy, đặc biệt là các tai nạn liên quan đến các sự cố trong quá trình cuộn rút dây giềng.

Việc ứng dụng thành công hệ thống tời thủy lực đã giúp giảm được 4 - 5 lao động cho tàu, điều này rất quan trọng vì hiện nay tình hình lao động trong nghề lưới chụp nói riêng và nghề khai thác nói chung đang rất khan hiếm. Không những thế, điều này còn giúp từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản, đảm bảo an toàn lao động hơn cho thủy thủ trong quá trình khai thác trên biển.

Về hiệu quả về kinh tế, doanh thu chuyến biển của tàu thử nghiệm trung bình đạt 43,7 - 50,2 triệu đồng/chuyến, cao hơn tàu đối chứng khoảng 10,5 triệu đồng/chuyến. Dù chi phí biến đổi không có sự chênh lệch nhiều giữa 2 tàu, tuy nhiên chi phí lương lao động lại có sự khác nhau lớn, do tàu thử nghiệm giảm được 4-5 lao động nên lợi nhuận ròng chuyến biển của tàu thử nghiệm cao hơn khoảng 42,5 triệu đồng/tháng so với tàu thông thường.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.