| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nông sản Sơn La chưa chọn cửa khẩu tỉnh nhà?

Thứ Hai 17/02/2025 , 11:27 (GMT+7)

So với Lạng Sơn, Quảng Ninh, nông sản Sơn La gần như không qua cửa khẩu của tỉnh bởi hiệu quả kinh tế thấp, cung đường đồi núi, khó khăn trong công tác vận chuyển...

Hiện nay, Sơn La đang vận hành 4 cửa khẩu, bao gồm: cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (huyện Mộc Châu), cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương (huyện Sông Mã), cùng hai cửa khẩu phụ là Nà Cài (huyện Yên Châu) và Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp).

Cửa khẩu Pa Háng, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ảnh: Vì Hiện.

Cửa khẩu Pa Háng, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ảnh: Vì Hiện.

Cặp cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Việt Nam) - Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) nằm ở vị trí trung tâm kết nối giữa các tỉnh Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Lào. Dù vừa nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế vào năm 2024, nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản giữa Sơn La và các tỉnh bạn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chủ yếu vẫn tập trung công tác xuất nhập cảnh cho các du khách trong và ngoài nước.

Nguyên nhân chính đến từ hạ tầng giao thông còn hạn chế, trở ngại lớn đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa. Tuyến đường từ cửa khẩu Lóng Sập đến trung tâm các tỉnh Bắc Lào khoảng từ 150km đến 400km, vừa xa vừa khó do địa hình đèo dốc hiểm trở. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của khu vực Bắc Lào còn nhiều thiếu thốn, dân cư thưa thớt, hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa ổn định.

Cung đường đèo từ cửa khẩu Lóng Sập. 

Cung đường đèo từ cửa khẩu Lóng Sập. 

Theo ghi nhận từ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, trong hai tháng đầu năm 2025, lượng nông sản thông quan qua biên giới rất thấp, chỉ tập trung vào một số mặt hàng như ngô và sắn với số lượng nhỏ lẻ để hỗ trợ đời sống của người dân vùng biên.

Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu tại tỉnh Sơn La năm 2024 ước đạt 190 triệu USD, tăng 6,9% so với năm 2023. Trong đó, cà phê chiếm chủ yếu, đạt 90 triệu USD, xuất sang các nước châu Âu; còn lại chè, tinh bột sắn, nhãn hay xoài chủ yếu xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ… 

Mặc dù còn nhiều hạn chế, một số doanh nghiệp tại Sơn La đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với tỉnh bạn thông qua cửa khẩu. Năm 2023, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã khảo sát vùng nguyên liệu mía tại Hủa Phăn, dự kiến thu mua từ 5.000 - 6.000 tấn mía từ các huyện Mường Ét, Xiềng Khọ và Sốp Bâu. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang tắc do thời gian kiểm dịch thực vật kéo dài và chuỗi cung ứng chưa đảm bảo, khiến cho chất lượng mía sau khi sang Việt Nam bị giảm sút.

Cây mía được kỳ vọng sẽ là nông sản đầu tiên được xuất khẩu với sản lượng lớn qua các cửa khẩu tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Kiên.

Cây mía được kỳ vọng sẽ là nông sản đầu tiên được xuất khẩu với sản lượng lớn qua các cửa khẩu tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Kiên.

Để thúc đẩy thương mại biên giới, tỉnh Sơn La đang tập trung cải thiện công tác quản lý xuất nhập khẩu và nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Theo ông Vì Văn Chương, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, nông sản chưa phải thế mạnh của các cửa khẩu tại tỉnh, nhưng công tác quản lý vẫn đang liên tục hoàn thiện để giúp hai bên sẵn sàng phục vụ bà con; trước mắt tập trung áp dụng công nghệ đảm bảo xử lý thông tin hiệu quả và thông suốt. 

Việc nâng cao chất lượng không chỉ giúp phát triển hoạt động giao thương mà thúc đẩy hoạt động du lịch. Trong dịp Tết Ất Tỵ, hơn 1.700 du khách đã thực hiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, trong đó có 15 khách quốc tế, mở ra mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển Việt - Lào, thuận lợi trong kết nối khu du lịch quốc gia của Mộc Châu với các khu du lịch cố đô của Lào, hoặc căn cứ địa kháng chiến và các địa danh khác. Bên cạnh đó, cải thiện đời sống, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân các địa phương khu vực vùng biên.

Tỉnh Sơn La có đường biên giới dài 274,065 km, giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (Lào), trải dài qua sáu huyện biên giới gồm Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp. Đây là khu vực có vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế, giao thương giữa hai nước Việt Nam - Lào, với 17 xã biên giới và hơn 90.000 nhân khẩu sinh sống.

Xem thêm
4 nhóm sản phẩm hợp thành ngành dừa xuất khẩu tỷ đô

Xuất khẩu dừa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến sâu và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Thu nhập người lao động Cao su Krông Búk đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng

Đắk Lắk Kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả đã giúp đời sống người lao động Công ty Cao su Krông Búk ngày càng được nâng cao, bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu Tái định cư X2 Kim Chung

Hà Nội giao huyện Đông Anh tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Tái định cư X2 Kim Chung thuộc địa bàn xã Kim Chung, Võng La...

Bình luận mới nhất