| Hotline: 0983.970.780

Có hay không khủng hoảng an ninh lương thực ở Trung Quốc?

Thứ Sáu 31/07/2020 , 08:35 (GMT+7)

Dù các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói nông dân được mùa, nhưng tâm lý lo lắng của người dân phản ánh chiều ngược lại.

Nông dân Trung Quốc gặt lúa. Ảnh: Xinhua.

Nông dân Trung Quốc gặt lúa. Ảnh: Xinhua.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Trung Quốc liên tiếp chịu nhiều vấn nạn như đại dịch SARS-CoV-2, chiến tranh thương mại với Mỹ và lũ lụt nghiêm trọng tại miền Nam. 

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hồi tháng 7, diện tích trồng trọt mùa hè năm nay là 392 triệu mẫu, giảm 2,7 triệu mẫu so với năm ngoái, tương đương 0,7%.

Tuy nhiên, tổng sản lượng lương thực hè 2020 của Trung Quốc vẫn tăng 0,9% so với cùng kỳ, đạt 142,8 triệu tấn do năng suất cao hơn. Dù vậy, so với đà tăng khoảng 2% trong vài năm qua, nông nghiệp Trung Quốc đã giảm 1,56 triệu tấn lương thực so với dự kiến.

Đà giảm của tổng sản lượng kéo giá lương thực tăng 11,1% trong nửa đầu năm 2020, riêng thịt lợn tăng đến 81,6%. Dù vậy, Trung Quốc tin đây chỉ là con số rất nhỏ khi đặt cạnh dự trữ lương thực của quốc gia. 

Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 đều hơn 650 triệu tấn, và sản lượng lương thực bình quân đầu người chỉ khoảng 470kg. Mức tăng thấp hơn dự kiến 1,56 triệu tấn lương thực trong hè năm nay chỉ tương đương với mức giảm trung bình hàng năm là 2,2 kg lương thực tính theo đầu người.

Đây là cơ sở để Chính phủ Trung Quốc tin không có bất cứ cuộc khủng hoảng lương thực nào từ giờ đến cuối năm.

Một yếu tố nữa củng cố niềm tin cho giới chức Trung Quốc, đó là mức tiêu thụ lương thực hàng năm của người dân trong khoảng 10 năm qua luôn giữ ở mức ổn định là 330kg, ít hơn 27,6% so với 470kg sản lượng lương thực bình quân đầu người hàng năm.

Ngoài ra, Cục Dự trữ lương thực, vật tư Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc cho biết, dự trữ gạo và lúa mì của nước này hiện đủ sức đáp ứng cho nhu cầu trong nước ít nhất một năm. Nguồn cung bột và gạo thành phẩm ở hầu hết tỉnh thành là hơn 30 ngày. Con số này chưa tính đến khối lượng dự trữ lương thực trong kho vốn có.

Nhằm xốc lại niềm tin cho người dân, hôm 22/7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trực tiếp đến thăm Hợp tác xã Nông dân và Máy móc Nông nghiệp Luwei và cơ sở sản xuất thực phẩm xanh Bách vạn mẫu Quốc gia tại tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm tỉnh Cát Lâm. Ảnh: News.cn

Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm tỉnh Cát Lâm. Ảnh: News.cn

Trước đó, người đứng đầu Trung Quốc chưa hề đến thăm các tỉnh phía Nam, nơi chịu thảm họa lũ lụt khủng khiếp trong nhiều thập kỷ. Mục đích của ông Tập là xác nhận sản lượng ngũ cốc ở vùng Đông Bắc, liệu có thể giúp Trung Quốc tránh khỏi khủng hoảng lương thực hay không.

Hình ảnh và những thước phim quay lại chuyến đi của ông Tập cho thấy, nông dân Đông Bắc được mùa. Trên cánh đồng, ngô sai trĩu, hạt rất to và đều. Nhiều cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy lại tư liệu này, và kêu gọi người dân an tâm về lương thực.

Tuy nhiên, những phản hồi từ các kênh khác không cho thấy điều đó. Theo Đài Á Châu Tự Do, một nông dân tên Zhang Yiqun, thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, một trong ba tỉnh ở Đông Bắc nói, ngô trên những thửa ruộng tại khu vực bà ở không tốt như giống mà người đứng đầu Trung Quốc tận mắt. 

Theo bà, nguyên nhân là bởi vùng Đông Bắc năm nay hạn hán kéo dài. Những cây ngô vốn mọc cao đến thắt lưng đều chết vì thời tiết bất thường, khiến cả làng của bà phải canh tác lại.

Những hy vọng của Zhang cũng như nông dân Đông Bắc về dự án chuyển nước Nam - Bắc đã không thành, khi mà 27 tỉnh phía Nam vẫn đang lo ngại nguy cơ các đập thủy điện bị vỡ. "Hiện những cánh đồng của chúng tôi, ngô chỉ ra thân và lá, chứ chẳng có bắp. Nếu trời không mưa, khó lòng mùa này có thu hoạch. Tôi có nghe tới việc chính phủ làm mưa nhân tạo, nhưng tất cả chỉ mới là qua tivi", bà chia sẻ.

Tại Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc của 5 tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây và Giang Tô chiếm một phần tư tổng sản lượng cả nước, thì toàn bộ đều đang chìm trong lũ lụt. Ba tỉnh sản xuất lúa mì hàng đầu là Hắc Long Giang, Hà Nam và Sơn Đông đang phải đối phó với dịch bệnh. Những tỉnh vùng Đông Bắc, nơi ông Tập Cận Bình đến thăm, chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng ngũ cốc, nhưng ngoài hạn hán, họ còn đang gồng mình chống lại nạn châu chấu.

Nếu Trung Quốc không thể tự ổn định an ninh lương thực, họ buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 24/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ, Bắc Kinh đã mua một số lượng kỷ lục ngô, đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, 1,76 triệu tấn ngô từ Mỹ đã được bán vào ngày 14/7 - một kỷ lục. Về đậu nành, Trung Quốc cũng đã mua tới 6,1 triệu tấn từ Mỹ, tính đến giữa tháng 7.

Tờ Epoch Times cho rằng trước mắt, Trung Quốc sẽ chưa bị khủng hoảng lương thực đe dọa, dựa theo những số liệu mà nước này công bố. Tuy nhiên, nếu tình trạng tồi tệ không được cải thiện trong khoảng một năm tới, thì "chưa thể nói trước điều gì", tờ này nhận xét.

Những ngày cuối tháng 7, Trung Quốc tiếp tục nhức đầu với dịch SARS-CoV-2 đang có nguy cơ trở lại. Trước đó, nước này đã chịu thiệt hại 20 tỷ USD vì lũ lụt. Hơn 50 triệu dân sống dọc theo sông Dương Tử mất nhà cửa và thiệt hại kinh tế.

Tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 1998. Tuy nhiên, số người chết được chính phủ nước này công bố lại thấp một cách đáng ngờ. Theo Cục Thống kê nước này, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm nay tăng 23,4% so với mức trung bình 5 năm gần nhất, số dân phải sơ tán tăng 36,7% nhưng số người chết - mất tích lại giảm 53,9%.

Sự mâu thuẫn này này gây ra hoài nghi lớn, không chỉ riêng vấn đề lũ lụt mà còn là an ninh lương thực cho người dân Trung Quốc.

(Theo Epoch Times, Xinhua)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.