| Hotline: 0983.970.780

Có hay không tình trạng thiếu thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh ở TP.HCM?

Thứ Ba 21/06/2022 , 07:24 (GMT+7)

Giám đốc các bệnh viện cho rằng, vấn đề thiếu thuốc tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu.

Bệnh nhân đến khám bằng BHYT tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bệnh nhân đến khám bằng BHYT tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua

Sở Y tế TP.HCM ngày 20/6 cho biết, làm việc trực tiếp với Giám đốc, Trưởng khoa Dược của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM, tất cả đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định nên đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Việc thiếu 1 vài loại thuốc là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua, không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau "chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn", theo Sở Y tế TP.HCM.

Nguyên nhân là ngành y tế Thành phố luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng do ngừng sản xuất như Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…

Ngoài ra, các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần như Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam,… trong những năm sau này khó tìm do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc do các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất.

Mới đây, cũng xuất hiện một vài loại thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi chiến tranh giữa Nga và Ucraina (thuốc Methotrexat sản xuất từ Belarus), hoặc do hết số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn.

Bị động trong vấn đề mua sắm thuốc

Trước những tình hình phát sinh mới này, Sở Y tế TP.HCM cho biết, các bệnh viện đều có phương án sử dụng thuốc thay thế, ngoại trừ một số thuốc không thể thay thế (như các loại huyết thanh kháng nọc rắn).

Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện theo quy định).

"Nếu chờ có kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó", Sở Y tế TP.HCM nêu.

Mặt khác, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học,… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì khả năng các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định (thực tế các bệnh viện đều mong Bộ Y tế xem xét, phê duyệt khi bệnh viện cần nhập khẩu chuyến để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh).

Không những thế, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như Trung tâm Y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ). Các cơ sở này thường bị động trong công tác đấu thầu thuốc vì mua sắm với số lượng nhỏ và thiếu kinh nghiệm trong mua sắm thuốc bổ sung theo quy định đối với những thuốc không trúng thầu.

Trong khi đó, thách thức không nhỏ đối với ngành y tế Thành phố trong giai đoạn hiện nay, đó là bên cạnh việc đưa ra những giải pháp để chủ động phòng ngừa hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế còn phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh thành chuyển đến do bệnh nặng và kể cả do thiếu một số thuốc, vật tư y tế khi các địa phương chậm tổ chức đấu thầu theo quy định.

Để giải quyết những bất cấp trong vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian tới, ngành y tế TP.HCM tham mưu lãnh đạo Thành phố cho phép ngành y tế Thành phố thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị; thành lập Tổ công tác chịu trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, tư vấn và hướng dẫn xử lý tình huống thiếu thuốc (nếu có) của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức các Hội đồng chuyên gia (theo từng chuyên khoa) để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm trong các phác đồ điều trị, xây dựng các thuốc thay thế mang tính khoa học và phù hợp với tình hình cung ứng thuốc.

Giám đốc các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ phác đồ điều trị trong công tác kê đơn tại đơn vị mình. Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra về hoạt động quản lý cung ứng thuốc của các bệnh viện và hoạt động chuyên môn của Hội đồng thuốc và điều trị có liên quan đến vấn đề cung ứng thuốc.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 16/6, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, không có tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân phản ánh không thể mua một số loại thuốc thuộc danh mục BHYT tại một số bệnh viện, trung tâm y tế.

Sở Y tế TP.HCM đưa ra kiến nghị, UBND TP.HCM hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh; Sớm hiện thực hóa "Đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao" để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.

Kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; Xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký; Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến; Chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh; Cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị (như huyết thanh kháng nọc rắn,…).

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất