| Hotline: 0983.970.780

Có một hình ảnh mực thước ở xứ Thanh cho chúng ta học tập

Thứ Sáu 09/06/2023 , 22:21 (GMT+7)

Hiện cháu đang là giáo viên tự do, mở lớp dạy học tiếng Anh tại nhà ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho các em nhỏ cấp tiểu học và trung học cơ sở

Đó là lời tự sự của Lê Thị Thắm tại buổi lễ Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do tỉnh Thanh Hóa tổ chức sáng nay.

Cả hội trường hàng trăm người và hàng ngàn người xem truyền hình như lặng người đi trước bài phát biểu của em.

Em Lê Thị Thắm xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham dự buổi lễ. Ảnh: BTH.

Em Lê Thị Thắm xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham dự buổi lễ. Ảnh: BTH.

Thắm cho biết, em sinh ra trong một gia đình thuần nông đã không được may mắn, hoàn thiện như bạn bè cùng trang lứa. Khi mới chào đời, em chỉ nặng hơn một kg và không có hai tay. Em lớn lên trong tình yêu thương của gia đình.

Sau 6 tháng đến trường mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ cháu ra, nên em cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Cô giáo nghĩ em không có tay thì viết làm sao nên cũng chỉ đành đưa cho em tờ giấy và cây bút chì.

Thấy các bạn kẹp bút vào tay, em cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của em ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của em nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến em đau và đêm về không thể ngủ được.

Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, em đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Thấy em kiên trì tập viết như vậy nên ở lớp cô giáo cũng rất thương và cô luôn cầm chân của em để dạy em tập viết. Ở nhà, mẹ cũng mua vở, bút và cũng dạy em viết. Nhưng dù em có kiên trì, chăm chỉ tập viết đến đâu thì cũng không viết được giống như các bạn. Vì chân cứng nên kẹp bút thì bút cứ bị rơi ra.

Có hôm tập nhiều đến nỗi chảy máu phải buộc giẻ vào chân. Mẹ bảo em đừng viết nữa để khi nào lớn, con hãy tập viết nhưng em vẫn không từ bỏ, vẫn kiên trì tập viết.

Quả là ông trời không phụ công sức của em, lên 5 tuổi, em không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. Bố mẹ và gia đình rất vui, không nghĩ em có thể làm được. Vì vậy, khi lên 6 tuổi, mẹ cho em vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh.

Và cứ như vậy, với sự trợ giúp của gia đình, công lao của mẹ, của thầy cô, như bao học sinh bình thường khác, em đã hoàn thành việc học của 12 năm học phổ thông và tiếp tục phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình - ước mơ được ngồi ở giảng đường đại học.

Năm 2016, em - một thí sinh “đặc biệt” cũng tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Em may mắn được thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đặc cách vào khoa Sư phạm Tiếng Anh, hệ Đại học, đúng như ước mơ của em.

Dù được nhà trường đặc cách nhưng em vẫn đăng ký dự thi và đi thi giống tất cả các bạn bình thường khác. Em nghĩ, việc mình tham dự kỳ thi, không chỉ là kết quả công sức của 12 năm học mà còn để thể hiện rằng mình có thể học được và làm được giống tất cả mọi người. Và em đã trúng tuyển vào trường Đại học Hồng Đức.

Thấy hoàn cảnh của em khó khăn, nhà trường đã tạo điều kiện cho mẹ làm lao công ở trường, vừa là để đưa đón em đi học vừa có thêm nhu nhập để góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Sống giữa tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, sự chăm sóc vô điều kiện của mẹ, em càng kiên trì, cố gắng vượt lên số phận để thực hiện ước mơ. Năm 2020, em đã hoàn thành 4 năm Đại học và tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Tiếng Anh.

Thắm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BTH

Thắm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BTH

Sau khi tốt nghiệp đại học, em về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ tiếng Anh cho các em gần nhà. Thời gian đầu, em mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng. Sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên em quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho công việc.

Hiện tại, ước mơ của em có một lớp học tại nhà của riêng mình đã được hoàn thành nhưng mơ ước lớn nhất của em là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong một môi trường giáo dục.

Chia sẻ của Thắm đã nhận được những trang vỗ tay khích lệ và niềm xúc động của mọi người. Điều đặc biệt đến với Thắm là có mặt tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo Huyện ủy Đông Sơn, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tuyển dụng Thắm vào làm việc tại trường THCS hoặc Tiểu học ở xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên ngay từ năm học tới.

Mơ ước lớn nhất của Thắm là một ngày được đứng trên bục giảng. Ảnh: TL.

Mơ ước lớn nhất của Thắm là một ngày được đứng trên bục giảng. Ảnh: TL.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến lời bình trong bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy khi kể câu chuyện chị Nguyễn Thị Hằng bị bệnh phong tay bị co quắp nhưng đêm đêm chị vẫn một mình đóng gạch bằng cùi tay để xây cho con trai một nếp nhà.

Lời bình có đoạn: “Hỡi những người lành lặn, một vạn tám viên gạch. Đêm, lạnh buốt và đau đớn. Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền, một người hủi còn có một ước mơ... Tạo hóa bao giờ cũng có nhân, có quả”.

Vâng! Đúng thế. Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì!

Hôm nay ở Thanh Hóa đã có một sự thấu hiểu sâu sắc ấy! Thấu cảm ấy xuất phát từ tình thương yêu bao la vô bờ bến bởi tình người. Tình người là thứ thiêng liêng cao cả nhất!

Làm mực thước cho người ta bắt chước

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để tạo sự cảm hóa mạnh mẽ, là tấm gương, là bài học sống động góp phần vào việc bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi người, trong mỗi đơn vị và trong cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo ông Hưng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương - đây là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, có đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Một là, đối với mình là không được tự cao, tự đại, tự mãn. Hai là, đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng, phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Ba là, đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.