| Hotline: 0983.970.780

Có nhiều Đỗ Động không sử dụng thuốc BVTV vẫn chưa biết đến

Thứ Năm 02/11/2017 , 13:15 (GMT+7)

Sau loạt bài Báo NNVN "Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu", cuộc họp bàn về cách phát triển mô hình nói không với thuốc BVTV kiểu như xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai, Hà Nội) diễn ra chiều ngày 1/11/2017 dưới sự chủ trì của Cục BVTV và sự tham gia của Chi cục BVTV Hà Nội, cùng các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí.

* Có cơ sở khoa học để nhân rộng mô hình xã nói không với thuốc trừ sâu kiểu Đỗ Động.

* So với Hà Nội, hàng năm toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV.


 

Logic của Hà Nội

Trước tiên để nhân rộng bất cứ hiện tượng nào cần phải hiểu rõ được nó. Tiếng là Thủ đô nhưng Hà Nội sau hợp nhất trở thành địa phương có diện tích đất nông nghiệp nhiều nhất nhì khu vực, riêng lúa hai vụ đã 197.149 ha. Với năng suất 56,28 tạ/ha, sản lượng 1.109.582 tấn, đây cũng là top tỉnh thành có năng suất cao nhất.

19-21-52_dsc_9931
Các đại biểu dự họp

Theo logic của nhiều người, kể cả trong ngành hễ năng suất cao là phải sử dụng nhiều phân hóa học, phun lắm thuốc trừ sâu nhưng ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội khẳng định hoàn toàn ngược lại. Lượng thuốc BVTV sử dụng trong các năm 2014, 2015, 2016 của Hà Nội tương ứng 251-287-316 tấn, chỉ bằng 0,25-0,32% so với toàn quốc. Chi tiết hơn, lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1 ha từ 1,67-2,1 kg (trung bình toàn quốc gấp 4,8-6 lần Hà Nội), nên mỗi năm Hà Nội tiết kiệm được 190-201 tỷ đồng.

“Có 6 huyện sử dụng rất ít thuốc BVTV, có tỷ lệ cao nông dân không sử dụng thuốc sâu bệnh như Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín... Thế mà trong khi các tỉnh khác vụ mùa này bị nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen thì chúng tôi lại không có. So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV, có nguy cơ cao đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Cả nước hiện nhập khẩu mỗi năm khoảng 1 tỉ USD tiền thuốc BVTV, với số lượng gấp 10 lần năm 2000”.

Để đạt được kết quả trên do tác động của kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái của cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và nông dân. Ngoài ra còn là cách tiếp cận, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh: “Hà Nội khác hơn so với ngành BVTV nói chung là hướng dẫn rất cụ thể đến tận hộ, tận ruộng. Nguyên tắc bốn đúng của ngành BVTV không ai nói đến địa điểm cả. Chúng tôi có tổ chức BVTV đồng bộ từ thành phố đến xã với gần 600 người để chuyên điều tra, phát hiện đến hộ, hướng dẫn phòng trừ đúng địa điểm, thời điểm.

Tất cả các thông báo chung chung đều dẫn đến tình trạng đồng loạt phun thuốc. Ví dụ trước đây tôi có về Thái Bình, khi dự tính dự báo của tỉnh được thông báo trên truyền hình thì đồng loạt hai tỉnh Thái Bình và Nam Định đều đi phun thuốc 4 ngày liền trong khi đó chỉ có mỗi con sâu cuốn lá cần phải diệt trừ ở huyện Tiền Hải (Thái Bình). Hà Nội không bao giờ có thông báo đề nghị nông dân phòng trừ chung chung mà sâu bệnh chỉ có ở trên từng ruộng cụ thể nên phải hướng dẫn đúng ruộng đó, thời điểm đó để phun phòng.
 

Cách “thay đầu” cho nông dân

Hà Nội có cách sản xuất 3 ít là ít giống, ít phân bón vô cơ, ít thuốc BVTV. Hơn 900 thí nghiệm, nghiên cứu trong đó nhiều kỹ thuật tổng kết từ thực tiễn. Các cơ quan chuyên môn điều hành chung về nước, giống, thời vụ. Định hướng canh tác sao cho bảo vệ được thiên địch, ít sâu bệnh nên khi cấy phải tính đến từng ngày, cấy sớm có khi còn bị phạt hay như Mỹ Đức còn điều hành rút nước được trên quy mô toàn huyện để hạn chế sâu bệnh.

Hà Nội đang có 80.000 ha lúa chất lượng cao, tuy năng suất không bằng giống đại trà nhưng giá bán lại cao nên về tổng thể giá trị cao hơn gấp rưỡi.

Hà Nội mất 20 năm để “gieo nhân” là tổ chức 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân thì mới ”gặt quả” là năng suất cao, giá trị cao mà vẫn dùng ít thuốc. Có 60% lúa ứng dụng từng phần và toàn phần SRI, trên 1000 ha nếp cái hoa vàng đạt 100 triệu đồng/ha/vụ, diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đạt trên 5000 ha…

Tuy nhiên ở Hà Nội cũng còn nhiều huyện sử dụng lắm thuốc BVTV mà tiêu biểu nhất là Mê Linh bởi trước hợp nhất nó thuộc về Vĩnh Phúc, nơi không tổ chức các lớp IPM cho nông dân. Hễ chỗ nào dùng thuốc quen thành tập quán lại càng phụ thuộc vào thuốc, lại càng lắm dịch bệnh. Trong khi đó, các công ty kinh doanh thuốc BVTV luôn dành nguồn lực lớn cho tập huấn, hội thảo, trình diễn, quảng cáo, phát tạp chí, tài liệu, chiết khấu cao, khuyến mại hấp dẫn để lôi kéo nông dân.

Chính vì vậy mà theo ông Nguyễn Duy Hồng, nên nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc BVTV: “Giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hoàn toàn thực hiện được ở Hà Nội và toàn quốc với giải pháp chính sau: Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng cho các tỉnh trên toàn quốc. Có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV. Quy định chặt chẽ về đăng ký thuốc.Tổ chức BVTV đồng bộ từ tỉnh, thành phố đến xã. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP của cấp huyện, cấp xã”.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội: “So với Hà Nội, hàng năm toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV”

Sản xuất sạch nhưng tiêu thụ ở đâu vẫn luôn là một câu hỏi mang tính thời sự. Ông Đỗ Bá Vọng - Phó Tổng Giám đốc Cty Giống cây trồng Trung ương khẳng định sẵn sàng ký hợp đồng cùng nông dân với điều kiện thực hiện đúng quy trình sản xuất sạch.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty Thái Dương thì khẳng định: “Trong khi xu hướng của Nhật Bản, Đài Loan là bỏ dần thuốc BVTV hóa học dùng men, dùng nấm thì ngược lại ở ta có quá nhiều loại thuốc, nhiều quảng bá cho thuốc”. Còn bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cho rằng cách làm của Hà Nội đã gợi mở cho đơn vị có thể áp dụng trong những hợp đồng xuất khẩu gạo sắp tới.

Cuối cùng ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục BVTV kết luận: Đỗ Động không còn là mô hình nhỏ nữa mà đã triển khai được trên một diện tích khá rộng, là điểm sáng cho các nơi khác học tập. Tuy nhiên thay đổi nhận thức cho nông dân là cả một quá trình lâu dài. Trước hết hãy mở rộng ở Hà Nội sau đó tổng kết, đánh giá để bàn cách lan rộng ra cho các tỉnh khác… Vừa rồi tôi có dự một hội nghị quốc tế có 6 nước tham gia. Họ đánh giá năng suất lúa của VN cao nhất khu vực nhưng hiệu quả lại thấp nhất, không chỉ thua Thái Lan, Ấn Độ mà còn thua cả Lào, Camphuchia vì chi phí quá lớn (giống, phân, thuốc) trong khi giá bán lại thấp. Rất là buồn”.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục BVTV: Đỗ Động là điểm sáng cho các nơi khác học tập
“Chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) do FAO tài trợ trước đây đã đào tạo được nhiều chuyên gia giỏi, huấn luyện được cho nhiều nông dân nhưng có một sai lầm là bắt nông dân tham gia phải đóng góp. Theo kinh nghiệm của tôi, chuyện học tập ở Việt Nam muốn thành công thì phải cho nông dân tiền để họ đến lớp. Bởi vậy mà tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Dự án: “Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp Việt Nam giai đoạn 2018-2028” với kinh phí khoảng 700 triệu USD (01 triệu USD/tỉnh trong 10 năm) bằng nguồn vốn vay WB”, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội.

 

Xem thêm
Phân bón Văn Điển, chìa khóa thâm canh hiệu quả lúa xuân 2024 ở phía Bắc

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, tại các tỉnh phía Bắc có rét đậm lại mưa xuân, theo kinh nghiệm, đây là dấu hiệu vụ lúa xuân thắng lợi.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tổ chức PUM đến thăm và làm việc với VMC Việt Nam

Việc hỗ trợ bởi Tổ chức PUM đã và đang góp phần quan trọng cho sự phát triển của Công ty VMC Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai.