| Hotline: 0983.970.780

GS.TS Đỗ Kim Chung:

Chúng ta để lãng phí hàng ngàn chuyên gia IPM, SRI

Thứ Tư 20/09/2017 , 07:15 (GMT+7)

GS.TS Đỗ Kim Chung từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam bình luận về mô hình xã không thuốc trừ sâu Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội) và những nuối tiếc chất xám trong việc lãng phí hàng ngàn chuyên gia BVTV…

Quản lý thuốc không thể vừa đá bóng vừa thổi còi

Thưa giáo sư, nông nghiệp Việt Nam, tuy có nhiều thành tựu to lớn nhưng vẫn bị phủ bóng tối bởi nỗi lo thường trực của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm?

10-46-20_dsc_9444
GS.TS Đỗ Kim Chung

Trước tiên, nông nghiệp của chúng ta chưa sản xuất theo một chuỗi khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn, sản xuất bị đứt đoạn, không có liên kết giữa các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối. Vừa qua, chúng ta đã bỏ ra khá nhiều tiền để phát triển các chuỗi nông sản. Tuy nhiên, qua một số năm thực hiện chỉ chưa đầy 30 chuỗi được gọi là có triển vọng nhưng chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là: Nhiều cái vốn là của đầu tư tư nhân thì nhà nước lại làm thay còn lĩnh vực vốn là của đầu tư công - không hoặc khó hoàn vốn trực tiếp được thì lại bị bỏ ngỏ và nếu có làm thì chưa thật tương xứng với sự trông đợi.

Đối với an toàn thực phẩm, cần tạo ra được môi trường pháp lý, các tiêu chuẩn và tiêu chí nông sản an toàn, hướng dẫn thực hiện quy trình, phát triển nhân lực, kiểm tra, thanh tra cũng như cơ chế trọng tài chặt chẽ cho hình thành và phát triển các chuỗi sát với tín hiệu thị trường. Vẫn còn có sự lấn cấn và chồng chéo trong việc xác định danh mục thuốc cho phép với chỉ đạo trong quản lý và sử dụng thuốc BVTV ở cơ quan nhà nước. Các đây 20 năm, Jonathan Pincus - một chuyên gia FAO có nói với tôi rằng: Phải tách hai việc trên ra khỏi cơ quan chỉ đạo, quản lý ngành thì sẽ tốt hơn, như kinh nghiệm của nhiều nước phát triển khác. Để thế có khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi!

Thuốc BVTV chủ yếu là nhập, rồi sang chai, đóng gói, đăng ký tên thương mại. Hơn nữa thị trường thuốc BVTV ở Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi nguồn cung từ Trung Quốc nên khó kiểm soát cả về danh mục và chất lượng. Cùng một hoạt chất có quá nhiều tên thương mại, điều này đã gây nhiễu loạn, khiến nông dân không biết dùng cái gì để phun cây trồng của mình. Nhiều thuốc lại có thêm các gốc lân hữu cơ nên không có bệnh mà nông dân vẫn phun để làm “đẹp” cho nông sản!

Các công ty hóa chất kết hợp với địa phương, thậm chí có nơi với ngành BVTV để mở hội nghị đầu bờ chủ yếu giới thiệu sản phẩm mới. Đôi khi, người ta thấy có mối liên kết chặt chẽ giữa người bán thuốc và nhà quản lý.

Ông đánh giá ra sao về tác động của thông tin, tuyên truyền trong cuộc chiến nói không với sản xuất bẩn?

Thông tin tuyên truyền nếu làm đúng về nội dung, thời lượng, tần suất phát và phương pháp truyền thông có tác động rất lớn đến hàng triệu nông dân và tạo ra sự chuyển biến lớn cho xã hội. Tuy nhiên, ngoài một số chương trình về “nói không với thực phẩm bẩn” với thời gian ngắn, hầu như có rất ít các chương trình nói về vấn đề này.

Ít ai giúp nông dân và người tiêu dùng nhận biết được loại thuốc theo mức độ độc hại trên bao bì thông qua các màu sắc, những thông tin chỉ ra nơi sản xuất và bán các sản phẩm sạch, an toàn ở các thành phố, đô thị, các mô hình và cách làm để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Điều này có thể là do cách hiểu, cách chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan chức năng và cũng có thể là chưa đầu tư cân xứng kinh phí cho công tác truyền thông. Ai chi tiền cho họ làm tuyên truyền về nông sản sạch? Nếu đòi Bộ NN-PTNT thì Bộ cũng không có mấy nguồn cho vấn đề này mà đáng ra phải từ đầu tư của nhà nước.

Cách phòng bệnh tốt nhất không phải là dùng thuốc BVTV mà là hướng nông dân hiểu được cánh đồng, hiểu được các cây con, hệ sinh thái trên đó để rồi ra quyết định đúng.

Cũng qua đây, tôi rất ấn tượng với cách tuyên truyền của Báo NNVN vừa rồi về mô hình xã không thuốc sâu Đỗ Động bởi vì đã phản ánh thực tế từ người nông dân đến các nhà quản lý, nhà khoa học.
 

Cần khôi phục lại đội ngũ chuyên gia

Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất an toàn, nhất là kỹ thuật trong BVTV cho người nông dân ra sao thưa giáo sư?

Có hai cơ quan đó là BVTV và Khuyến nông. Cả hai cùng hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng của nông dân. Trong đó, phải kể đến những chương trình lớn như Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Chương trình Thâm canh lúa cải tiến (SRI), Chương trình quản lý rủi ro thuốc BVTV. Các chương trình này phần lớn được các tổ chức quốc tế tài trợ như Ngân hàng thế giới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc, châu Âu, các nước phát triển khác.

Các chương trình trên đã giúp đào tạo hàng trăm nghìn nông dân về kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp, canh tác hợp lý về chế độ cấy, sạ phù hợp, quản lý dinh dưỡng cây trồng thông qua điều tiết nước và bón phân, sử dụng hệ sinh thái, dùng côn trùng có lợi để phục vụ mùa màng, hạn chế sử dụng thuốc, sử dụng thuốc đúng cách.

Có hàng nghìn cán bộ BVTV, khuyến nông được đào tạo làm giảng viên nòng cốt. Nhờ vậy, đồng ruộng phát triển tốt với năng suất cây trồng, chất lượng an toàn và tiết kiệm chi phí, sinh thái đồng ruộng được cải thiện. Tuy nhiên, khi hết nguồn tài trợ thì sự duy trì các chương trình trên gặp khó khăn. Còn nhiều giảng viên giỏi về IPM thì nay đã già hoặc về hưu gần hết. Thế hệ tiếp theo chưa có điều kiện cập nhật kiến thức về IPM nên vẫn ra các quyết định quản lý bằng cách phòng là chính hơn là dựa trên nguyên tắc sinh thái đồng ruộng: Chưa cần sử dụng thuốc nếu mức độ phá hại của sâu bệnh chưa đến ngưỡng hại để không tốn thuốc và còn duy trì sự cân bằng sinh thái đồng ruộng. Nếu nhà nước dành một phần kinh phí sử dụng nguồn giáo viên IPM đã được đào tạo để tiếp tục các chương trình nói trên thì nông dân và cả xã hội sẽ được lợi.

Theo ông đâu là cái hay của Đỗ Động và liệu có mở rộng được mô hình đó không?

Ở Đỗ Động có những người rất hiểu về IPM, SRI, hiểu tác hại của thuốc BVTV, hiểu được ý nghĩa của thiên địch. Không gì tốt hơn là chính người địa phương chỉ dạy kiến thức và kỹ thuật cho nhau. Bởi vậy phải bồi dưỡng cho những người ở chính địa phương đó. Thêm vào đó ở các địa phương như Đỗ Động có liên kết cộng đồng rất bền chặt nên dân làng bảo nhau được. Như bài báo nói cả làng Động Giã có 550 hộ thì chỉ có 1 hộ vẫn còn phun thuốc BVTV mà hộ đó lại là người ở rể mới về. Tôi tin là dưới sức ép của cộng đồng, hộ đó rồi cũng sẽ bỏ. Chỉ tiếc là mô hình ở Đỗ Động vì có thể là cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh, chưa hình thành được chuỗi sản xuất hàng hóa thực sự, nên sức lan tỏa còn hạn chế.

Xin cảm ơn giáo sư!

+ Cần nâng cao nhận thức và bảo vệ các sinh vật có lợi (thiên địch). Đây là tài sản vô cùng quý giá, là nền tảng cho việc canh tác hữu cơ. Chúng ta không nên can thiệp thô bạo vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên của hệ sinh thái nông nghiệp.

Ví dụ khi lúa chớm bị rầy chẳng hạn, đừng phun thuốc vì rầy là thức ăn cho bọ rùa đỏ. Bọ rùa đỏ ăn rầy, chuồn chuồn ăn bọ trĩ, cóc ngóe ăn sâu xanh. Đó là một vòng tròn khép kín. Phun thuốc sẽ có thể trực tiếp giết thiên địch hoặc làm mất nguồn thức ăn của các con khác và các loài có ích sẽ biến mất và chết theo.

+ Không có một công thức máy móc nào để nhân rộng một mô hình BVTV phù hợp mà phải tùy theo đặc điểm sinh thái, đồng ruộng mà có các mô hình phù hợp.

Để khống chế được dịch bệnh, không gì tốt hơn là giúp cho nông dân trở nên am hiểu đồng ruộng của họ, biết thực hiện các quyết định phù hợp hơn là máy móc, thụ động dựa theo lịch phun thuốc được quyết định từ bên trên. Mỗi vùng đất có một hệ sinh thái khác nhau nên mô hình ở Đỗ Động có thể áp dụng được cho những vùng tương tự về sinh thái.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.