| Hotline: 0983.970.780

Có thể hỗ trợ phát triển điện mặt trời thông qua thị trường tín chỉ carbon

Thứ Hai 13/05/2024 , 10:53 (GMT+7)

Việt Nam đã phát triển nóng điện mặt trời trong 4 năm, từ 2018 đến 2022, gây áp lực lên sự an toàn của hệ thống điện quốc gia, theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hài hòa với quy hoạch điện quốc gia

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, điện mặt trời có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Về ưu điểm, đây là nguồn sử dụng năng lượng sơ cấp (bức xạ mặt trời) có thể coi gần như vô tận, chi phí lắp đặt và sản xuất rẻ... Hơn nữa, điện mặt trời mái nhà lại ít tốn chi phí về diện tích lắp đặt do tận dụng mái nhà. 

Ngược lại, điện mặt trời có hiệu suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời điểm điện mặt trời đạt công suất phát cực đại thường vào buổi trưa và nửa đầu chiều, không trùng với cao điểm về nhu cầu phụ tải điện (thường là 17h - 20h)

"Hệ thống đang phát ở tải đỉnh xấp xỉ 100% công xuất đặt, nhưng chỉ cần một đám mây mù bay qua, hoặc cơn mưa bất chợt, công suất phát có thể về gần “0” chỉ trong vài chục phút", ông Dũng nói.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Việt Nam hiện gặp một số rào cản về công nghệ lưu trữ năng lượng, giá thành tương đối cao. Do đó, phát triển điện mặt trời phải song hành với tái cơ cấu các nguồn điện truyền thống như nhiệt, thủy điện và tăng khả năng thích ứng của hệ thống điện.

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, đa số các nhà máy nhiệt điện đang chạy ở chế độ non tải, nhưng phải sẵn sàng lên lưới để bù tải vào giờ cao điểm. Ông Dũng nhận xét, điều này dẫn tới hiệu suất thấp, giá thành sản xuất điện cao, độ bền của thiết bị giảm...

Trên quan điểm phát triển điện mặt trời phù hợp với tổng thể quy hoạch điện quốc gia, chuyên gia về năng lượng lấy ví dụ về Trung Quốc. Nước này chiếm hơn 1/3 sản lượng điện mặt trời của toàn thế giới nhưng chỉ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ công suất đặt của điện mặt trời lên 20% vào năm 2030. 

Hoặc Nhật Bản, nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng xanh, nhưng vào năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) mới chiếm hơn 20% tổng công suất các nguồn phát. 

Ngược lại, trong giai đoạn từ 2018 đến 2022 ở Việt Nam, tỷ lệ tổng công suất đặt của điện mặt trời so với các nguồn điện khác trong hệ thống đã tăng từ dưới 1% lên hơn 20%. "Sự tăng trưởng nóng này đã tạo áp lực rất lớn lên toàn hệ thống điện", ông Dũng nhấn mạnh.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được khuyến khích phát triển tại các khu công nghiệp.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được khuyến khích phát triển tại các khu công nghiệp.

Nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ gián tiếp

Trong tháng 4/2024, Bộ Công thương trình Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó, đề xuất nếu không nối lưới điện quốc gia thì điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất; còn nếu nối lưới thì ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng trong khoảng công suất giới hạn là 2.600MW.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng nhận định, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm giảm áp lực phải tăng nguồn phát, đồng thời đảm bảo nhu cầu điện của xã hội nhất là mùa nắng nóng, cũng như huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thị trường điện.

"Việc đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên dừng ở việc bổ sung khi thiếu hụt điện mặt trời. Trong giai đoạn khoảng 5 năm tới, chúng ta nên cân nhắc vấn đề mua bán để các bên liên quan có sự điều chỉnh", ông Dũng nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong các khu công nghiệp nên được khuyến khích, dựa theo tình hình thực tế, tránh lặp lại việc đầu cơ trục lợi chính sách dẫn tới tăng trưởng nóng, làm mất cân đối nguồn điện, tạo áp lực tăng giá điện.

Từ kinh nghiệm của các nước Bắc Á, Australia và ASEAN, lãnh đạo Trường Cơ khí cho rằng, nên khuyến khích nhưng tránh phát triển nóng. Đồng thời, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước được điều chỉnh theo hướng giảm dần sự trợ giá khi mua lại điện mặt trời mái nhà dư thừa, chuyển sang theo điều tiết của thị trường, hoặc các hỗ trợ gián tiếp.

"Các chính sách hỗ trợ có thể thông qua vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể thực hiện hỗ trợ thông qua thị trường trao đổi tín chỉ carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo. Đây cũng là những vấn đề tạo nên sự bền vững", ông Dũng bày tỏ.

Việt Nam hiện nghiên cứu thí điểm thị trường trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028, và các văn bản pháp luật liên quan. PGS.TS Dũng hy vọng, tín chỉ carbon có thể tạo ra cú hích thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà đúng hướng, bình đẳng về chính sách cho các bên liên quan.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất