| Hotline: 0983.970.780

Có thể tiết kiệm được 500-600 triệu m3 nước gieo cấy vụ đông xuân

Thứ Hai 19/02/2024 , 16:54 (GMT+7)

Ngày 19/2, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tổ chức kiểm tra công tác lấy nước đợt 2 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024 tại Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.

Diện tích có nước toàn vùng Đồng bằng sông Hồng hơn 95%

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/2. Theo kế hoạch sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 21/2/2024 (tổng cộng 4 ngày).

Đoàn công tác kiểm tra công tác lấy nước tại trạm bơm Đại Định (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trung Quân.

Đoàn công tác kiểm tra công tác lấy nước tại trạm bơm Đại Định (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trung Quân.

Về tình hình nguồn nước, từ 19 giờ ngày 17/2 đến 14 giờ ngày 18/2 khu vực Bắc bộ phổ biến không mưa. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện xả gia tăng các hồ thủy điện từ 15 giờ ngày 16/2 (hồ Hòa Bình), từ 1 giờ ngày 16/2 (hồ Thác Bà), từ 9 giờ ngày 16/2 (hồ Tuyên Quang) trước khoảng 1,5 ngày.

Tính đến 15 giờ ngày 18/2, mực nước trung bình ngày tại Trạm Thủy văn Sơn Tây (trạm bơm Phù Sa) đạt 1,5 m, cao nhất lúc 10 giờ đạt 1,72 m. Tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,27 m, cao nhất lúc 6 giờ đạt 1,46 m.

Về tình hình vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trong thời gian giữa đợt 1 và đợt 2 lấy nước, các địa phương tiếp tục vận hành công trình thủy lợi để đưa nước lên ruộng từ các sông và nguồn đã được trữ trong hệ thống thủy lợi từ đợt 1. Cụ thể, các công trình thủy lợi thuộc khu vực vùng triều (Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình) cơ bản đủ điều kiện vận hành hiệu quả trong kỳ triều cường.

Các công trình thủy lợi thuộc vùng không ảnh hưởng triều (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội) trạm bơm đã được nâng cấp, hạ thấp cao trình đặt máy và các trạm bơm dã chiến đủ điều kiện hoạt động tốt. Các công trình chưa được nâng cấp không đủ điều kiện mực nước để vận hành.

Về diện tích có nước, tổng diện tích có nước tính đến 15 giờ ngày 18/2 hơn 470.700 ha (đạt hơn 95,5% kế hoạch), tăng 14,4% so với khi kết thúc đợt 1, gồm: Hà Nam (100%), Hưng Yên (100%), Thái Bình (100%), Nam Định (100%), Ninh Bình (99%), Bắc Ninh (98%), Hải Dương (96%), Hải Phòng (96%), Phú Thọ (95%), Vĩnh Phúc (94%), Hà Nội (82%).

Vĩnh phúc, Hà Nội 100% diện tích sẽ lấy đủ nước trong đợt 2

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã kiểm tra tình hình lấy nước tại trạm bơm Đại Định (Vĩnh Phúc) và Phù Sa, Trung Hà (Hà Nội).

Việc di chuyển trạm bơm Phù Sa (Hà Nội) giúp mực nước bể hút hạ thấp 70 cm so với các năm trước, giúp công tác lấy nước thuận lợi hơn. Ảnh: Trung Quân.

Việc di chuyển trạm bơm Phù Sa (Hà Nội) giúp mực nước bể hút hạ thấp 70 cm so với các năm trước, giúp công tác lấy nước thuận lợi hơn. Ảnh: Trung Quân.

Tại Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc thông tin, vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo cấy 28.500 ha. Đến hiện tại, 93% diện tích đã hoàn thành việc lấy nước đổ ải và có hơn 71% diện tích gieo cấy xong (cao hơn so với cùng kỳ năm trước 20%).

Tại Hà Nội, theo Sở NN-PTNT thành phố, trong thời gian lấy nước đợt 1, các công ty thủy lợi đã vận hành 113 trạm bơm, 269 máy bơm các loại với tổng lưu lượng 408.000 m3/giờ để phục vụ đưa nước đổ ải.

Tính đến 7 giờ ngày 29/1, tổng diện tích có nước đổ ải trên địa bàn thành phố hơn 37.500 ha (đạt 47% kế hoạch). Các khu vực có truyền thống gieo cấy sớm, thuộc vùng trũng có khả năng trữ nước như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín tỷ lệ lấy nước cao (đạt 70-100% diện tích). Các khu vực có tỷ lệ lấy nước thấp như Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất... do thời vụ gieo cấy thực hiện theo kế hoạch sản xuất số 102/KH-SNN ngày 20/11/2023 có trên 80% diện tích tập trung cấy trong tháng 2 (từ 4-29/2) nên tiến độ lấy nước chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực.

Sau đợt 1, các công ty thủy lợi tiếp tục tập trung vận hành công trình (kể cả trong thời gian Tết Nguyên đán) đảm bảo đưa nước đáp ứng theo tiến độ gieo trồng của các địa phương. Tính đến 7 giờ ngày 18/2, tổng diện tích có nước đổ ải trên địa bàn thành phố hơn 65.200 ha (đạt 81,7% kế hoạch). Tổng diện tích phải tiếp tục đưa nước còn khoảng 14.600 ha, với tổng lượng nước khoảng 35 triệu m3. Với năng lực công trình hiện có, vận hành trong 4 ngày là cấp đủ nước cho 100% diện tích.

Tuy nhiên, địa bàn Hà Nội thường gieo cấy vụ xuân muộn do một số địa phương ven đô trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết như làng hoa xã Mê Linh, Tiền Phong, Tự Lập (Mê Linh), xã Tiên Dương (Đông Anh). Một số địa phương có làng nghề truyền thống tập trung vào sản xuất nghề miến dong, cung ứng hàng hóa như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, La Phù (Hoài Đức). Do đó, phụ thuộc vào tiến độ gieo cấy của các địa phương, kế hoạch từ nay đến khi kết thúc đợt 2 mỗi ngày trên địa bàn sẽ tăng thêm hơn 2.000 ha diện tích có nước. Đồng thời, các trạm bơm sẽ vận hành để trữ nước tối đa trong các vùng trũng, trục kênh tiêu. Dự kiến đến ngày 22/2, tổng diện tích có nước trên địa bàn đạt trên 95% kế hoạch.

Diện tích còn lại khoảng 4.000 ha do địa phương chưa có nhu cầu lấy nước, có thể chủ động lấy nước từ các hồ chứa, nguồn nước sông không phụ thuộc việc xả nước tăng cường của các hồ thuỷ điện và nguồn nước đã trữ tại trục tiêu.

Lắp đặt máy bơm dã chiến ở trạm bơm Trung Hà giúp việc lấy nước thuận lợi hơn, tránh phụ thuộc vào việc phát điện tăng cường. Ảnh: Trung Quân.

Lắp đặt máy bơm dã chiến ở trạm bơm Trung Hà giúp việc lấy nước thuận lợi hơn, tránh phụ thuộc vào việc phát điện tăng cường. Ảnh: Trung Quân.

Lên phương án tích nước phục vụ tưới dưỡng

Sau khi kiểm tra thực tế công tác lấy nước tại các địa phương, nhất là hai địa phương gặp khó khăn trong công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân là Vĩnh Phúc và Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, mặc dù đợt 1 lấy nước rút ngắn được 2 ngày so với kế hoạch nhưng diện tích có nước đạt tới 95%. Như vậy đợt 1 cơ bản cung cấp đủ nước cho công tác đổ ải của các địa phương.

Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với EVN trong công tác điều tiết nước theo hướng giảm lượng nước xả xuống mức thấp nhất. Năm nay, theo kế hoạch cần khoảng 3,5 tỷ m3 nước, nhưng đến hiện tại có thể khẳng định lượng nước điều hành dưới 3 tỷ m3. Nhờ đó, tiết kiệm được 500-600 triệu m3, giúp EVN thuận lợi hơn trong công tác phát điện, nhất là trong trường hợp mùa khô kéo dài.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, trong đợt 2, các tỉnh tiếp tục tập trung lấy đủ nước cho khoảng 5% diện tích còn lại. Đồng thời, chỉ đạo người dân hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 28/2. Bên cạnh đó, lên phương án tích nước để sẵn sàng phục vụ công tác tưới dưỡng.

Đặc biệt, năm nay công tác lấy nước phục vụ tưới dưỡng sẽ không lấy nước tập trung, phát điện tập trung hoặc xả nước tập trung mà tận dụng thủy triều lên kết hợp với phát điện tăng cường. Do đó, các địa phương căn cứ vào thủy văn, phối hợp chặt chẽ với EVN lên kế hoạch cụ thể để lấy nước không tập trung, tích đủ nước phục vụ cho sản xuất.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 28/2. Bên cạnh đó, lên phương án tích nước để sẵn sàng phục vụ công tác tưới dưỡng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 28/2. Bên cạnh đó, lên phương án tích nước để sẵn sàng phục vụ công tác tưới dưỡng. Ảnh: Trung Quân.

Cục Thủy lợi cũng đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy. Bên cạnh đó, tăng cường tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng. Khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất và gieo cấy để giữ nước trên ruộng; tổ chức tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.

Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du trong đợt 2. Nâng mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây ổn định ở mức trung bình khoảng 1,8-2,0 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Đồng thời, cung cấp nguồn điện đảm bảo để các địa phương có đủ điện để vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…